Quản lý chất thải rắn thông thường: Từ quy định pháp luật đến thực tiễn
Chất thải từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt hoặc hoạt động khác là yếu tố chính gây ô nhiễm môi trường.
Chính vì vậy, Luật Bảo vệ môi trường năm 2005, 2014 và 2020 đã đưa ra các quy định về quản lý chất thải theo xu hướng ngày càng chi tiết, chặt chẽ hơn, quy định rõ trách nhiệm của từng đối tượng liên quan trong quá trình quản lý chất thải.
Trong phạm vi bài viết này, tôi xin chỉ đề cập đến một phạm vi hẹp nhưng là vấn đề được xã hội rất quan tâm. Đó là quản lý chất thải rắn sinh hoạt thông thường, bao gồm các hoạt động phân loại, thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
Quy định cụ thể, chi tiết hơn
Việc xử lý chất thải rắn thông thường là vấn đề được xã hội quan tâm, có nhiều vụ việc gây bức xúc từ những bãi chôn lấp chất thải rắn không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật về môi trường. Chất thải rắn thông thường được xử lý theo hình thức đốt hoặc chôn lấp.
Một số địa phương đã xây dựng lò đốt chất thải nhưng đa số có công suất nhỏ, đốt theo hình thức thủ công, rất ít nhà máy xử lý chất thải quy mô và công suất lớn, dẫn đến chất thải rắn hầu hết được xử lý theo phương pháp chôn lấp. Do chất thải không được phân loại tại nguồn nên khối lượng chất thải chôn lấp rất lớn, đòi hỏi các khu vực chôn lấp chất thải có diện tích lớn.
Tìm hiểu thực tế ở các vùng nông thôn cho thấy, hầu như mỗi xã đều có một bãi tập kết chất thải, được quây tường rào xung quanh và đổ đống chất thải, không bảo đảm vệ sinh môi trường, chiếm dụng đất nông nghiệp và ngày càng yêu cầu diện tích đất rộng hơn.
Tại khu vực đô thị, các bãi chôn lấp chất thải được quy hoạch và xây dựng quy mô hơn nhưng vẫn không tránh được tình trạng gây ô nhiễm môi trường nặng nề cho dân cư xung quanh.
Từ thực tiễn thi hành pháp luật về bảo vệ môi trường trong việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt thông thường cho thấy, việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn là công đoạn vô cùng quan trọng, mang lại nhiều lợi ích về kinh tế cũng như bảo vệ môi trường, giúp khắc phục những tồn tại về quy trình xử lý chất thải rắn hiện nay.
Nếu việc phân loại chất thải rắn tại nguồn được thực hiện tốt sẽ làm giảm khối lượng chất thải phải chôn lấp, giảm độc hại, giảm ô nhiễm môi trường không khí, nguồn nước; tiết kiệm diện tích đất dùng để chôn lấp chất thải...
Mặt khác, nếu phân loại tốt, chúng ta có thể thu được nguồn lợi kinh tế từ các chất thải có thể tái chế và tái sử dụng. Vì vậy, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã có những quy định rất cụ thể, chi tiết hơn các Luật trước đây đối với việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt thông thường, góp phần thúc đẩy phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; định hướng cách thức quản lý, ứng xử với chất thải góp phần thúc đẩy kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.
Khác với các luật trước đây, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân làm 3 loại: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác.
Chậm nhất ngày 31/12/2024, UBND cấp tỉnh phải quyết định việc phân loại cụ thể đối với “chất thải rắn sinh hoạt khác” (loại thứ 3) trên địa bàn theo hướng dẫn của Bộ TN&MT. Đồng thời có chính sách khuyến khích việc phân loại riêng chất thải nguy hại trong chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân.
Để bảo đảm tính khả thi của các quy định về phân loại chất thải rắn sinh hoạt, Luật đã đưa ra một số quy định về cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực hiện. Cụ thể như, tại các điểm tập kết chất thải, nếu phát hiện việc phân loại không đúng quy định thì đơn vị thu gom, vận chuyển có quyền từ chối thu gom, vận chuyển và thông báo cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xác định hộ gia đình, cá nhân vi phạm và xử lý nghiêm (thông qua hệ thống camera giám sát).
MTTQ Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội các cấp vận động cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Cộng đồng dân cư, tổ chức chính trị - xã hội có trách nhiệm giám sát việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt của các hộ gia đình, cá nhân. UBND cấp xã có trách nhiệm kiểm tra việc tuân thủ, xử lý hoặc chuyển cấp có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định.
Vấn đề quan trọng là khâu tổ chức thực hiện
Bên cạnh các quy định chi tiết về việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã quy định giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân được thu dựa trên khối lượng hoặc thể tích thay cho việc tính bình quân theo hộ gia đình hoặc theo đầu người như hiện nay.
Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế, chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân đã được phân loại riêng thì không phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý. Cơ chế thu này sẽ góp phần thúc đẩy người dân phân loại, giảm thiểu chất thải rắn phát sinh, dẫn đến giảm khoản chi phí phải nộp.
Việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân sẽ trở nên vô nghĩa nếu như các bước tiếp theo của quy trình quản lý chất thải rắn sinh hoạt không đáp ứng yêu cầu. Do vậy, Luật đã quy định điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt phải có các khu vực khác nhau để lưu giữ các loại chất thải rắn sinh hoạt đã được phân loại, bảo đảm không để lẫn các loại chất thải đã được phân loại với nhau.
Cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt phải sử dụng thiết bị, phương tiện được thiết kế phù hợp đối với từng loại chất thải rắn sinh hoạt đã được phân loại, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường theo quy định của Bộ TN&MT. Việc vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt phải thực hiện theo tuyến đường, thời gian theo quy định của UBND cấp tỉnh.
Nghiên cứu Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 cho thấy, các quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt đã cụ thể, chi tiết hơn nhiều so với các Luật trước đây; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân được xác định rõ ràng. Vấn đề quan trọng là tổ chức thực hiện các quy định pháp luật như thế nào để Luật đi vào cuộc sống.
Trước hết, Bộ TN&MT, UBND các tỉnh, TP nói chung và Hà Nội nói riêng, phải khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn thuộc thẩm quyền đã được Luật quy định. Tiếp theo là công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt.
Công việc này cần triển khai một cách thiết thực, hiệu quả thông qua các cơ quan truyền thông đại chúng và chính quyền phường, xã nên giao nhiệm vụ đến các tổ dân phố, các xóm, thôn, bản…
Tuy nhiên, các đối tượng thực hiện công tác tuyên truyền phải được các cơ quan chuyên môn ngành tài nguyên và môi trường tập huấn để hoạt động của họ mang lại hiệu quả tốt hơn.
Ngoài ra, Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội của địa phương triển khai nhiệm vụ tuyên truyền, vận động và giám sát việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân theo quy định của Luật.
Hy vọng, các quy định mới của pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt sẽ được thực thi nghiêm túc và mang lại cho người dân cả nước nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng một môi trường sống trong lành.