Quản lý chặt thị trường những tháng cuối năm

Năm nay, giá nguyên liệu, nhiên liệu tăng cao; thu nhập của người dân giảm do bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên dự báo tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm sẽ diễn biến phức tạp, đặc biệt là những tháng cuối năm 2021 và dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định

Những tháng cuối năm là thời điểm nhu cầu mua sắm tăng cao, thị trường hàng hóa diễn biến phức tạp. Năm nay, giá nguyên liệu, nhiên liệu tăng cao; thu nhập của người dân giảm do bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên dự báo tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm sẽ diễn biến phức tạp, đặc biệt là những tháng cuối năm 2021 và dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022. Nhằm ngăn ngừa và hạn chế thấp nhất tình trạng này, giữ vững ổn định thị trường và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Cục Quản lý thị trường (QLTT) đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

Lực lượng Quản lý thị trường phối hợp với Công an tỉnh xử lý vi phạm của kho hàng đồ chơi trẻ em tại xã Kim Thái (Vụ Bản).

Trong 9 tháng đầu năm 2021, Cục QLTT đã ban hành trên 300 văn bản để chỉ đạo, hướng dẫn về nghiệp vụ; xây dựng, triển khai thực hiện 7 kế hoạch kiểm tra kiểm soát thị trường. Trong đó có những đợt kiểm tra cao điểm thực hiện một cách quyết liệt, nhất là vào các dịp ngày lễ, tết nhằm tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại; chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; tăng cường giám sát mua bán, trao đổi hàng hóa tại các chợ, siêu thị, các điểm bán hàng trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố... góp phần quan trọng vào việc giữ ổn định thị trường. Lực lượng QLTT đã phát hiện và xử phạt trên 1.000 vụ vi phạm pháp luật, với tổng giá trị xử lý hành chính gần 3 tỷ đồng. Vi phạm xảy ra ở hầu hết các nhóm hàng hóa như: Thực phẩm, bánh, kẹo, đông lạnh, hóa mỹ phẩm, đồ chơi trẻ em, thuốc bảo vệ thực vật, điện thoại, điện dân dụng, mì chính... Trong đó, đã có hàng nghìn sản phẩm là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu; hàng thực phẩm, mỹ phẩm, túi xách, giầy dép, quần áo thời trang không đảm bảo an toàn cho người sử dụng đã bị tiêu hủy theo quy định của pháp luật. Đặc biệt lực lượng QLTT đã phối hợp với Công an tỉnh đấu tranh xử lý vi phạm nhiều điểm kinh doanh dưới hình thức tổng kho hàng hóa nhưng không đảm bảo điều kiện kinh doanh như: Tổng kho đồ gia dụng, điện tử, điện lạnh, mỹ phẩm tại các phường Hạ Long, Trần Đăng Ninh và xã Lộc An (thành phố Nam Định); tổng kho vải, quần áo, túi xách tại các huyện Mỹ Lộc, Giao Thủy, Hải Hậu; Vụ Bản… Cá biệt đã phát hiện xử lý nhiều đối tượng lợi dụng dịch bệnh để kinh doanh trái phép thiết bị, vật tư y tế như: Găng tay cao su, khẩu trang, thiết bị bảo hộ phòng, chống dịch. Kiên quyết xử lý vi phạm ngay từ đầu mối cung ứng không chỉ kịp thời ngăn chặn một lượng lớn hàng hóa vi phạm chất lượng lưu thông trên thị trường mà còn có ý nghĩa răn đe chấn chỉnh các gian thương có ý định gian lận thương mại.

Đồng chí Lê Ngọc An, Phó Cục trưởng phụ trách Cục QLTT Nam Định cho biết: Do diễn biến dịch bệnh phức tạp, làm đứt gẫy chuỗi cung ứng khiến giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, nhiều mặt hàng trở nên khan hiếm. Thời điểm này khi Chính phủ chủ trương từng bước mở cửa nền kinh tế, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh sau một thời gian dài thực hiện giãn cách; các hoạt động kinh tế đồng thời trở lại, thị trường trở nên sôi động sẽ là cơ hội cho gian thương trà trộn hàng kém chất lượng, buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng cấm, hàng hóa kém chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm… để trục lợi. Bên cạnh đó, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại trong hoạt động tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu, khai báo không đúng khối lượng, chủng loại, xuất xứ để buôn lậu, gian lận về thuế sẽ không giảm. Hàng hóa sẽ tiếp tục tập kết tại các kho hàng, bến bãi; vận chuyển, kinh doanh hàng lậu, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng giả xuất xứ, không rõ nguồn gốc,… sẽ phát sinh thông qua các dịch vụ bưu điện, chuyển phát nhanh. Nắm rõ quy luật thị trường và thực hiên nghiêm chỉ đạo của Bộ Công Thương, Tổng cục QLTT và UBND tỉnh, lực lượng của Cục QLTT Nam Định tập trung triển khai thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường; chống các hành vi đầu cơ, găm hàng và vi phạm pháp luật. Đồng thời xây dựng và triển khai kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 theo hướng tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại; chú trọng công tác dự báo nhằm phát hiện nhanh, chính xác các vấn đề xảy ra để có biện pháp xử lý kịp thời. Tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân, doanh nghiệp không tham gia và tiếp tay cho buôn lậu, sản xuất, mua bán hàng cấm, hàng giả. Cùng với đó, lực lượng QLTT tổ chức hướng dẫn các doanh nghiệp mở rộng hệ thống phân phối, mở rộng thị trường đến các vùng nông thôn, bảo đảm cung ứng hàng hóa chất lượng cho người dân. Thường xuyên kiểm tra việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Kiên quyết xử lý đối với các hành vi gian lận thương mại, nhất là trong kinh doanh xăng, dầu, các loại vật tư nông nghiệp, lương thực, thực phẩm và các hàng hóa thiết yếu khác, ngăn chặn tình trạng găm hàng, đầu cơ, nâng giá; tạo điều kiện tốt nhất cho người tiêu dùng trong tỉnh trao đổi, mua bán hàng hóa thuận lợi. Đặc biệt từ ngày 15-12-2021 đến 22-2-2022, lực lượng QLTT sẽ mở đợt cao điểm kiểm tra, tập trung vào các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu trong dịp tết. Trong suốt thời gian cao điểm, lực lượng QLTT sẽ tập trung 100% quân số, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ, tết (trong và ngoài giờ hành chính) để tuyên truyền, kiểm tra, kiểm soát thị trường, kịp thời ngăn chặn những hành vi gian lận thương mại. Nội dung kiểm tra tập trung vào 5 yêu cầu bắt buộc đối với sản phẩm hàng hóa lưu thông trên thị trường như: nguồn gốc xuất xứ, nhãn hàng hóa, niêm yết giá, bán hàng theo giá niêm yết và yêu cầu giám định chất lượng hàng hóa khi có dấu hiệu vi phạm. Ngoài ra, lực lượng QLTT sẽ đột xuất kiểm tra điều kiện kinh doanh của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh các dịch vụ trông giữ tài sản, ăn uống, vui chơi giải trí tại các lễ hội trên địa bàn. Riêng các mặt hàng ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội như: vũ khí, chất nổ, ma túy, pháo nổ, tài liệu phản động, lực lượng chức năng đã có phương án đấu tranh phòng chống, ngăn chặn cụ thể. Địa bàn trọng điểm tập trung kiểm soát việc vận chuyển hàng lậu, hàng giả là các huyện ven biển Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng; huyện Ý Yên là cửa ngõ tiếp giáp với tỉnh bạn; các tuyến đường liên tỉnh; các chợ đầu mối chợ nông thôn và các khu vực địa bàn có lễ hội xuân truyền thống. Đối với khu vực trung tâm thành phố, các xã, thị trấn tập trung kiểm soát phát hiện, ngăn chặn tình trạng trà trộn hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ với sản phẩm chính hãng của các đại lý, cơ sở phân phối, cung ứng hàng hóa số lượng lớn.

Với quyết tâm cao của lực lượng QLTT trong việc đấu tranh chống gian lận thương mại sẽ góp phần ổn định thị trường những tháng cuối năm. Tuy nhiên, bên cạnh sự vào cuộc của các lực lượng chức năng, người tiêu dùng cũng cần nâng cao ý thức trong việc tự bảo vệ và chấp hành pháp luật trong hoạt động mua sắm, tiêu dùng, không tiếp tay cho kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả; tích cực tham gia đấu tranh, phòng chống hàng giả, buôn lậu, gian lận thương mại đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5085/202111/quan-ly-chat-thi-truong-nhung-thang-cuoi-nam-2547403/