Quản lý chặt thuốc lá điện tử
Việc sử dụng thuốc lá điện tử, nhất là trong học sinh, sinh viên ngày càng phổ biến. Đáng báo động, tại một số tỉnh, thành trên cả nước đã có nhiều vụ việc học sinh phải nhập viện do ngộ độc thuốc lá điện tử. Tuy nhiên, thuốc lá điện tử vẫn được bày bán công khai trên mạng xã hội, cũng như các cửa hàng, trong đó có một số cửa hàng ở gần trường học.
Theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, việc sử dụng thuốc lá điện tử cũng gây nghiện tương tự thuốc lá điếu. Việc hút thuốc lá điện tử lâu dài còn dẫn đến loạn thần, hoang tưởng, gây ảo giác. Thậm chí, việc sử dụng lượng lớn thuốc lá điện tử gây nhiễm độc nặng, có thể dẫn đến tử vong.
Thực tế, qua kiểm tra các cơ sở bán thuốc lá điện tử ở Đồng Nai của cơ quan chức năng cho thấy, phần lớn các cơ sở bán thuốc lá điện tử không rõ nguồn gốc, xuất xứ và cũng không rõ các thành phần trong những sản phẩm thuốc lá điện tử này là gì, có tác hại ra sao đến sức khỏe của người sử dụng.
Đáng lo ngại, pháp luật chưa có quy định, định nghĩa về thuốc lá điện tử. Do đó, chưa có cơ chế để kiểm soát dẫn đến trong thuốc lá điện tử chứa chất độc hại nicotine cao gấp nhiều lần so với thuốc lá truyền thống. Chưa kể, không ít đối tượng còn trộn các chất độc hại khác, chất gây nghiện, ma túy để bán cho giới trẻ.
Do đó, ngoài việc bổ sung, hoàn chỉnh các cơ chế quản lý đối với thuốc lá điện tử, các ngành chức năng cần tăng cường biện pháp quản lý, kiểm soát chặt thuốc lá điện tử từ việc cấp phép kinh doanh, buôn bán đến cảnh báo tác hại của thuốc lá điện tử với người dùng. Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp liên ngành giữa cơ quan công an, quản lý thị trường và các sở, ngành, địa phương trong việc trao đổi thông tin, thanh tra, kiểm tra liên ngành nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm, đặc biệt là tại các địa điểm, cửa hàng bán thuốc lá điện tử gần trường học.
Song song đó, các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng chống tác hại của thuốc lá; tập trung vào các đối tượng: học sinh, sinh viên, người trẻ tuổi. Trong đó, chú ý tăng cường công tác tuyên truyền về tác hại, hậu quả của việc sử sụng chất kích thích, gây nghiện (bao gồm thuốc lá điện tử). Các trường học trên địa bàn phối hợp với gia đình, đoàn thể và người dân theo dõi, giám sát, phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý việc sử dụng thuốc lá điện tử đối với học sinh, sinh viên. Qua đó, kéo giảm tình trạng sử dụng thuốc lá điện tử, cũng như tác hại khôn lường của thuốc lá điện tử đến sức khỏe của người sử dụng, nhất là giới trẻ
Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/tieu-diem/202304/quan-ly-chat-thuoc-la-dien-tu-3163909/