Quản lý chặt việc mua, bán thiết bị y tế
UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Văn bản số 526/UBND-KT tăng cường kiểm tra, xử lý hiện tượng tăng giá vật tư, trang thiết bị y tế; thuốc hỗ trợ, điều trị Covid-19 trên địa bàn thành phố. Đây là biện pháp cần thiết nhằm quản lý tình trạng đầu cơ, tăng giá, kinh doanh hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc đối với trang thiết bị y tế, góp phần nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch Covid-19.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà:
Cần thực hiện nghiêm quy định về kinh doanh dược phẩm
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhu cầu sử dụng trang thiết bị y tế tăng cao nên dẫn đến việc khan hiếm nguồn cung, có hiện tượng đầu cơ, găm hàng hoặc lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bán trang thiết bị y tế. Để sẵn sàng bảo đảm cung cấp trang thiết bị y tế phục vụ tốt cho phòng, chống dịch Covid-19, Sở Y tế có Văn bản số 122/SYT-QLHNYDTN đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo phòng y tế tăng cường thanh kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh thuốc điều trị Covid-19. Cụ thể, tăng cường kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật tại cơ sở bán lẻ thuốc, tập trung kiểm tra việc bán thuốc kháng vi rút Molnupiravir, Favipiravir… Xử lý nghiêm các cơ sở bán thuốc chưa có giấy phép lưu hành, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Tập trung đôn đốc cơ sở bán lẻ thuốc cần thực hiện nghiêm quy định của pháp luật trong kinh doanh dược phẩm.
Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên:
Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm
Để kịp thời xử lý, ngăn chặn hiện tượng tăng giá một số vật tư, trang thiết bị y tế, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã ban hành Công văn hỏa tốc số 113/QLTTHN-NVTH gửi đội trưởng các đội quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm. Các đội tăng cường quản lý theo lĩnh vực, địa bàn, tập trung kiểm tra, kiểm soát hoạt động sản xuất, buôn bán khẩu trang, trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống, hỗ trợ điều trị Covid-19. Tăng cường giám sát, phát hiện, xử lý kịp thời các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng tình hình dịch Covid-19 để đầu cơ, găm hàng, tăng giá hàng hóa, định giá mua, giá bán bất hợp lý các mặt hàng vật tư, trang thiết bị y tế; buôn bán thuốc hỗ trợ, điều trị Covid-19, các loại chưa được phép lưu hành. Chủ động phối hợp với các cơ quan tiến hành kiểm tra, giám sát, bảo đảm xử lý nghiêm vi phạm.
Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Ngô Tiến Hoàng:
Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân
Thời gian gần đây, thị trường có hiện tượng một số cửa hàng dược kinh doanh thuốc hỗ trợ, điều trị Covid-19 chưa được phép lưu hành; hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc để trục lợi, gây bức xúc trong dư luận. Để khắc phục ngay thực trạng này, từ Văn bản số 526/UBND-KT của UBND thành phố, huyện Ứng Hòa tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phải vào cuộc đồng bộ, đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh các mặt hàng hỗ trợ điều trị Covid-19. Trong quá trình thực thi công vụ, huyện yêu cầu cán bộ quản lý thị trường phải chịu trách nhiệm và chấp hành đầy đủ luật định về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.
Bà Nguyễn Hương Thủy, phường Trung Hòa (quận Cầu Giấy):
Tránh lạm dụng thuốc, thiết bị y tế không cần thiết
Khi bản thân và gia đình trở thành F0, tôi mới nhận thấy “lỗ hổng” lớn trong quản lý và phân phối trang thiết bị y tế. Không cần có đơn thuốc của bác sĩ, chỉ cần ra nhà thuốc là dễ dàng mua được các loại thuốc mình muốn, thậm chí nhân viên nhà thuốc cũng trở thành “bác sĩ” kê đơn, bán thuốc chữa bệnh. May mắn là gia đình tôi gọi điện cho nhân viên y tế để được hướng dẫn cách chữa trị. Vì vậy, tôi khuyên mọi người hãy thực hiện đúng hướng dẫn trong phòng, chống và chữa trị Covid-19 của Bộ Y tế. Chỉ sử dụng thuốc khi có triệu chứng; triệu chứng tới đâu sử dụng thuốc tới đó, tránh việc lạm dụng thuốc, thiết bị y tế không cần thiết.
Ông Nguyễn Ngọc Tú, phường Nhân Chính (quận Thanh Xuân):
Tiếp cận nguồn tin chính thống để bảo vệ sức khỏe bản thân
Hà Nội đang bước vào giai đoạn đỉnh dịch với số ca mắc Covid-19 trong cộng đồng rất cao. Đây chính là cơ hội để nhiều đơn vị, cá nhân bất chấp pháp luật, tranh thủ kiếm lợi bằng cách buôn bán, nâng giá thiết bị y tế, thuốc phòng, chữa Covid-19 một cách vô tội vạ. Vì vậy, chính quyền, cơ quan quản lý cần phải làm tốt việc quản lý nguồn cung thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh; xử lý nghiêm tình trạng tăng giá bán và việc tư vấn chữa bệnh khi chưa có giấy phép hành nghề y dược... Cơ quan an ninh mạng cần quản lý chặt chẽ việc mua bán thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh trên các trang mạng xã hội. Người dân cũng cần nâng cao ý thức, không nên tin theo những quảng cáo tràn lan trên mạng, chủ động tiếp cận nguồn tin chính thống về y tế để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình.