Quản lý chi bảo hiểm xã hội trên địa bàn TP. Thái Nguyên

Nghiên cứu này thu thập thông tin thứ cấp từ các báo cáo tổng kết của Bảo hiểm Xã hội TP. Thái Nguyên (báo cáo quyết toán, báo cáo tổng kết năm) và các tài liệu, số liệu liên quan đến các nội dung nghiên cứu (được lấy từ các cơ quan liên quan, sách báo, các báo cáo khoa học, tạp chí ngành Bảo hiểm Xã hội...). Thông qua việc áp dụng các phương pháp tổng hợp số liệu, phân tích thông tin... nghiên cứu này cho thấy, thực trạng quản lý chi bảo hiểm xã hội trên địa bàn TP. Thái Nguyên, những kết quả đạt được và một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Đặt vấn đề

Thái Nguyên những năm gần đây có sự phát triển cả về kinh tế, xã hội, một phần nhờ đóng góp của các thành phần kinh tế trên địa bàn. Năm 2019, tốc độ tăng trưởng tổng giá trị sản xuất của Thành phố tính theo giá so sánh 2010 là 8,68%, trong đó, giá trị sản xuất nông lâm thủy sản tăng 2,55%; công nghiệp tăng 6,01%, thương mại - dịch vụ tăng 12,54% (Cục Thống kê tỉnh Thái Nguyên, 2019). Công tác quản lý chi bảo hiểm xã hội (BHXH) có thể coi là một khâu trọng yếu trong việc thực hiện các chế độ, chính sách BHXH. Tuy nhiên, quản lý chi BHXH tại TP. Thái Nguyên trong những năm qua còn nhiều bất cập, hạn chế như: mục tiêu, nguyên tắc quản lý chi chưa thực sự đáp ứng yêu cầu; quản lý giải quyết chế độ chính sách còn chưa kịp thời, hay bị trễ hẹn, thủ tục còn rườm rà, mất nhiều thời gian. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều tổ chức, doanh nghiệp chưa thực hiện nghiêm túc các quy định về chi trả các chế độ BHXH… Xuất phát từ những lý do trên, nghiên cứu tập trung vào tìm hiểu thực trạng quản lý chi bảo hiểm xã hội trên địa bàn TP. Thái Nguyên.

Thực trạng quản lý chi bảo hiểm xã hội trên địa bàn TP. Thái Nguyên

Tình hình phân cấp chi trả BHXH

Hệ thống BHXH được tổ chức theo nhiều cấp từ Trung ương xuống địa phương. Trong đó mỗi cấp vừa chịu sự ràng buộc bởi các chế độ, thể lệ chung, vừa có tính chất tự chủ. Phân cấp chi BHXH được hiểu là sự phân định phạm vi, trách nhiệm, quyền hạn và các chế độ BHXH của các cấp cơ quan BHXH trong việc tổ chức thực hiện chi trả chế độ BHXH. BHXH TP. Thái Nguyên được phân cấp quản lý chi BHXH đối với các đối tượng hưởng chế độ theo quy định tại Quyết định số 828/QĐ-BHXH ngày 27/5/2016 của BHXH Việt Nam; quy trình tiếp nhận hồ sơ và giải quyết chế độ tại Quyết định số 636/QĐ-BHXH ngày 22/4/2016 của BHXH Việt Nam.

Lập và xét duyệt dự toán chi BHXH

Lập dự toán chi BHXH: BHXH Việt Nam chịu trách nhiệm cấp nguồn kinh phí để BHXH tỉnh Thái Nguyên thực hiện chi trả. Để có nguồn kinh phí, định kỳ hằng năm, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao, BHXH tỉnh Thái Nguyên lập báo cáo về số đối tượng tăng, giảm, số đối tượng hưởng trợ cấp BHXH trong kỳ và dự toán khoản phải chi để chuyển lên BHXH Việt Nam xét duyệt, sau đó cấp phát nguồn kinh phí cho các đơn vị.

Các số liệu thống kê cho thấy, công tác lập dự toán chi các chế độ BHXH tại TP. Thái Nguyên luôn có sự chênh lệch với thực tế phát sinh chi trả cả từ nguồn ngân sách nhà nước và quỹ BHXH.

Xét duyệt dự toán chi BHXH: Căn cứ vào dự toán chi của BHXH TP. Thái Nguyên và kế hoạch chi trực tiếp tại văn phòng BHXH tỉnh, tháng 9 hàng năm BHXH tỉnh Thái Nguyên lập dự toán chi BHXH theo hai nguồn NSNN và Quỹ gửi BHXH Việt Nam để được xem xét và cấp kinh phí.

Tổ chức quản lý chi trả BHXH

Quản lý đối tượng chi trả BHXH

Công tác quản lý đối tượng hưởng BHXH thực hiện tuân thủ theo quy trình chi trả tại Quyết định 828/QĐ-BHXH và thông qua hợp đồng với Bưu điện, BHXH TP. Thái Nguyên thực hiện vừa quản lý trực tiếp vừa gián tiếp.

Số liệu thống kê cho thấy, số đối tượng được hưởng các chế độ BHXH hàng tháng của TP. Thái Nguyên từ nguồn chi NSNN và nguồn quỹ BHXH tăng qua các năm. Có sự tăng giảm đối tượng hưởng BHXH này là do trong thời gian qua, Nhà nước đã có những chính sách khuyến khích người lao động nghỉ hưu, nên số người hưởng mới tăng đột biến.

Đánh giá công tác quản lý đối tượng hưởng BHXH cho thấy, đối tượng hưởng chế độ BHXH tại TP. Thái Nguyên rất đa dạng, biến động thường xuyên do rất nhiều nguyên nhân. Vì vậy, BHXH thành phố luôn thực hiện việc phân loại đối tượng, thường xuyên kiểm tra đối chiếu giữa danh sách chi trả và hồ sơ hưởng BHXH được lưu về các chỉ tiêu: họ tên, địa chỉ, mức trợ cấp của đối tượng.

Quản lý chi các chế độ BHXH cho người thụ hưởng:

Quản lý điều kiện hưởng, mức hưởng BHXH: BHXH TP. Thái Nguyên phân công 04 cán bộ thực hiện giải quyết chế độ chính sách gồm xét duyệt các chế độ: trợ cấp ốm đau, thai sản… Hàng ngày, bộ phận một cửa thực hiện tiếp nhận hồ sơ do đơn vị sử dụng lao động và đối tượng đề nghị. Các chế độ như hưu trí, tử tuất, mai táng phí đều do BHXH tỉnh xét duyệt, BHXH TP. Thái Nguyên chỉ thực hiện tiếp nhận đối tượng đã được xét duyệt để quản lý đối tượng theo quy định.

Về chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng: Cơ quan BHXH TP. Thái Nguyên thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng cho người hưởng thông qua ký hợp đồng với dịch vụ Bưu điện. Xét cho cả giai đoạn 2017 - 2019, tổng số chi trả các chế độ BHXH hàng tháng tăng cả về số lượt hưởng chế độ và số tiền được hưởng, chỉ có khoản chi mất sức lao động từ nguồn NSNN có xu hướng giảm xuống, tổng cả giai đoạn giảm 333 lượt hưởng nhưng do mức hưởng tăng lê nên tổng số tiền hưởng tăng lên là 1235 triệu đồng.

Hàng tháng, BHXH Thành phố chuyển tiền về tại trụ sở UBND phường, xã để tiến hành chi trả các đối tượng hưởng trợ cấp BHXH. Sau mỗi kỳ chi trả, đại lý bưu điện chi trả có trách nhiện thanh, quyết toán với cơ quan BHXH.

Chi trả các chế độ ngắn hạn: BHXH TP. Thái Nguyên thực hiện xét duyệt và tổ chức chi trả trực tiếp cho người lao động và thông qua đơn vị sử dụng lao động bằng các hình thức tiền mặt hoặc chuyển khoản. Việc chi trả trợ cấp BHXH ngắn hạn được cơ quan BHXH Thành phố thực hiện theo đúng quy định. Lao động tại các doanh nghiệp chủ yếu là lao động nữ, trong độ tuổi sinh đẻ nên số lượng lượt chi trả cho các đối tượng hưởng tăng lên.

Đánh giá chung

Công tác quản lý chi BHXH trên địa bàn TP. Thái Nguyên đã đạt được một số kết quả tích cực gồm: Quy trình chi trả hợp lý, áp dụng linh hoạt các phương thức chi trả phù hợp với điều kiện hiện tại của Thành phố và của các đối tượng hưởng chế độ BHXH trên địa bàn thành phố; Phân cấp chi trả rõ ràng, quy định cụ thể về việc quản lý nguồn kinh phí, quản lý người hưởng; Việc ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng các phần mềm chuyên ngành vào quản lý hồ sơ, quản lý đối tượng một cách hiệu quả giúp cho việc công tác chi BHXH dễ dàng.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng còn một số hạn chế, tồn tại gồm: Đối tượng thụ hưởng các chế độ BHXH ngày càng đông, đa dạng, phức tạp, việc quản lý đối tượng hưởng các chế độ BHXH gặp nhiều khó khăn; Mức chi trả BHXH phụ thuộc lớn vào sự biến động của nền kinh tế và các chính sách của Nhà nước; Khâu lập kế hoạch, dự toán chi hiện nay vẫn còn nhiều bất cập. Cùng với đó, vẫn còn tình trạng làm hồ sơ giả để trục lợi quỹ BHXH…

Giải pháp tăng cường quản lý chi bảo hiểm xã hội trên địa bàn TP. Thái Nguyên

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, nhằm hoàn thiện công tác quản lý chi BHXH trên địa bàn TP. Thái Nguyên, những nội dung cần tập trung thực hiện gồm:

Củng cố và hoàn thiện các mô hình chi trả đang được thực hiện

Mô hình chi trả trực tiếp tại nơi tập trung đông dân cư, có nhiều đối tượng chi giúp cơ quan BHXH quản lý chặt chẽ được sự biến động tăng, giảm đối tượng hưởng BHXH, thông qua các tổ trưởng tổ hưu trí và sự quản lý chi trả trực tiếp của cán bộ công chức viên chức cơ quan BHXH, giúp cơ quan BHXH tổ chức chi trả trực tiếp đến tận tay đối tượng hưởng BHXH.

Với mô hình chi trả thông qua các đại lý chi trả, việc ở chính quyền địa phương lựa chọn giới thiệu người để cơ quan BHXH ký hợp đồng đại lý chi trả phải luôn đảm bảo các điều kiện: Có phẩm chất đạo đức tốt; có tinh thần trách nhiệm cao… Bên cạnh đó, cần quan tâm đến công tác chi trả trực tiếp tại trụ sở cơ quan BHXH đối với các chế độ như: Trợ cấp BHXH một lần, trợ cấp lần đầu, mai táng phí và tuất một lần...; Chi trả thông qua các đơn vị sử dụng lao động đối với chế độ: ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe...

Tăng cường công tác quản lý đối tượng chi trả BHXH

Công tác quản lý đối tượng chi trả BHXH đòi hỏi cán bộ bảo hiểm thành phố, cán bộ xã, cán bộ quản lý nhân sự tại các doanh nghiệp, cơ quan có đối tượng tham gia BHXH cần nghiêm túc triển khai các quy định, hướng dẫn. Phối hợp chặt chẽ với các tổ chức y tế, tổ chức công đoàn và các đơn vị kiểm tra, giám sát việc cấp giấy chứng nhận nghỉ ốm, nghỉ thực hiện kế hoạch hóa gia đình, thai sản và nghỉ dưỡng sức

Hoàn thiện công tác lập và xét duyệt dự toán chi BHXH

Hàng năm BHXH thành phố trên cơ sở căn cứ kết quả thực hiện thu chi của đơn vị tính đến 30/09 hàng năm lập dự toán thu chi sau đó gửi BHXH tỉnh phê duyệt lấy số thực tế đã thực hiện nhân với tỷ lệ tăng tự nhiên đối với các chỉ tiêu cụ thể như: thu BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN…

Hoàn thiện công tác tổ chức và thực hiện chi trả BHXH

Thực tế cho thấy, mọi tiêu cực, thất thoát trong chi trả các chế độ dài hạn lại chỉ có thể xảy ra ở cơ sở. Vì vậy, cần có sự phối hợp, giúp đỡ của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và các tổ chức quần chúng, tổ chức xã hội ở xã, phường, cán bộ bưu điện tại các xã, thị trấn. Để thực hiện tốt công tác quản lý nguồn kinh phí, BHXH cần tiến hành các giải pháp chủ yếu sau: Quản lý chặt chẽ, khoa học các biến động tăng, giảm về đối tượng hưởng trợ cấp BHXH. Để công tác chi trả trợ cấp, BHXH cho các đối tượng nhanh chóng, chính xác, kịp thời thì phương tiện phục vụ cho công tác chi trả đóng góp một phần vô cùng quan trọng như: máy tính, phương tiện vận chuyển, các thiết bị lưu trữ khác.

Hoàn thiện công tác kiểm tra, giám sát:

Cần xây dựng lịch kiểm tra thường xuyên ở các đơn vị cơ sở, không chỉ đơn thuần và thụ động kiểm tra theo đơn thư khiếu nại, tố cáo. Đặc biệt là kiểm tra ở các ban đại diện chi trả, xã, thị trấn trong việc thanh toán lương hưu và trợ cấp hàng tháng, trong quản lý đối tượng biến động, thay đổi chỗ ở, đối tượng chết.

Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền

Để đạt được mục tiêu chiến lược phát triển ngành BHXH nói chung và công tác chi trả BHXH nói riêng, phải đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền rộng rãi đến mọi người lao động, các ngành, các cấp.

Đầu tư phương tiện tin học, nối mạng để nâng cao chất lượng quản lý các hoạt động BHXH

Cần đầu tư công nghệ thông tin vào quản lý tài chính quỹ BHXH từ các khâu: kế hoạch, thực hiện thanh quyết toán thu- chi, hệ thống sổ sách biểu mẫu kế toán, thống kê phân tích tài chính và dự báo xu thế...

Tài liệu tham khảo:

1. BHXH TP. Thái Nguyên, Báo cáo tổng hợp chi các chế độ ngắn hạn các năm 2017, 2018, 2019.

2. BHXH Việt Nam, Quyết định số 828/QĐ-BHXH ngày 27/5/2016 về Ban hành Quy định Quản lý Chi trả các chế độ BHXH, Bảo hiểm thất nghiệp;

3. BHXH Việt Nam, Quyết định số 1518/QĐ-BHXH ngày 18/10/2016 về Ban hành Quy định Hoạt động thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, Bảo hiểm thất nghiệp, Bảo hiểm Y tế và hoạt động kiểm tra của BHXH Việt Nam;

4. BHXH Việt Nam, Quyết định số 1414/QĐ-BHXH ngày 04/10/2016 về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của BHXH địa phương.

Nguyễn Ngọc Hoa, Nguyễn Thị Phương Hảo - Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh Thái Nguyên; Phạm Thanh Tùng - BHXH tỉnh Thái Nguyên

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 03/2020

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/bao-hiem/quan-ly-chi-bao-hiem-xa-hoi-tren-dia-ban-tp-thai-nguyen-325666.html