Quản lý dân cư bằng mã số định danh: Thuận tiện, minh bạch và tiết kiệm hơn?
Bộ Công an đang dự thảo Báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong dự án Luật Cư trú (sửa đổi) để lấy ý kiến đóng góp của nhân dân, trong đó xem xét việc bãi bỏ hình thức quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu và thay thế bằng hình thức quản lý theo số định danh cá nhân.
Hộ khẩu hay số định danh cá nhân: Phương pháp quản lý nào hơn?
Trong dự thảo này, Bộ Công an đề xuất 2 giải pháp. Giải pháp 1 là giữ nguyên các quy định của pháp luật hiện hành về hình thức quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu và sổ tạm trú. Giải pháp 2 là thay thế hình thức trên bằng thực hiện quản lý dân cư thông qua số định danh cá nhân cập nhật từ cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư.
Nếu giữ nguyên các quy định của pháp luật hiện hành về hình thức quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu và sổ tạm trú thì trước mắt không chịu áp lực về đầu tư, đảm bảo được quản lý di biến động dân cư thuận lợi cho lực lượng công an khi thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, đồng thời không phải sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.
Tuy nhiên, người dân sẽ vẫn phải mất thời gian, công sức, chi phí liên quan tới sổ hộ khẩu, sổ tạm trú khi tham gia các giao dịch hoặc thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC) có yêu cầu phải xuất trình gây tốn kém, lãng phí, người dân vẫn phải thực hiện các TTHC liên quan khi cần di chuyển và Nhà nước vẫn phải duy trì các bộ phận quản lý chuyên trách ở nhiều cấp để thực hiện các công đoạn quản lý liên quan cùng với bộ máy, hạ tầng, chi phí tốn kém…
Trong khi đó, nếu lựa chọn giải pháp 2 là thực hiện quản lý dân cư thông qua số định danh cá nhân cập nhật từ CSDL quốc gia về dân cư để thay thế hình thức quản lý bằng sổ hộ khẩu và sổ tạm trú thì đáp ứng xu hướng quản lý nhà nước bằng ứng dụng công nghệ, công khai, minh bạch thông tin, giảm phiền hà, tiết kiệm chi phí, đơn giản hóa TTHC, giấy tờ…
Theo đánh giá của Bộ Công an, sử dụng mã số định danh cá nhân để quản lý dân cư thông qua việc cập nhật, kết nối từ CSDL quốc gia về dân cư sẽ mang lại những lợi ích thiết thực trong việc đơn giản hóa TTHC, giảm giấy tờ công dân, giảm những chi phí mà hiện nay người dân, doanh nghiệp đang phải chi trả. Quản lý cư dân thông qua mã số định danh cá nhân sẽ góp phần kết nối, chia sẻ thông tin về dân cư giữa các ngành, các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, để thực hiện quản lý dân cư thông qua số định danh cá nhân thì cần thiết phải hoàn thiện và đưa vào khai thác, sử dụng CSDL quốc gia về dân cư. Nhưng việc xây dựng CSDL quốc gia về dân cư hiện tiến độ còn hạn chế. Theo Quyết định số 2083/QĐ-TTg ngày 26/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án CSDL quốc gia về dân cư thì tổng mức đầu tư của dự án là 3.367 tỷ đồng. Nhà nước cũng cần phải bảo đảm kinh phí để thực hiện việc sửa đổi, bổ sung TTHC bảo đảm kịp thời với thời điểm CSDL quốc gia về dân cư được đưa vào khai thác, sử dụng (dự kiến năm 2020).
Có thể kiến nghị lựa chọn giải pháp quản lý bằng số định danh cá nhân?
Từ các giải pháp được đánh giá nêu trên, Bộ Công an nhận định, lựa chọn giải pháp thực hiện quản lý dân cư thông qua số định danh cá nhân được cập nhật từ CSDL quốc gia về dân cư để thay thế hình thức quản lý bằng sổ hộ khẩu và sổ tạm trú là phù hợp với yêu cầu thực tiễn, khi tốc độ phát triển CNTT ngày càng mạnh mẽ và yêu cầu về chuẩn hóa một con số, mã số để cấp cho mỗi công dân, đồng thời tập trung nguồn lực để thực hiện điện tử hóa các thông tin về công dân là nhu cầu tất yếu trong công tác quản lý nhà nước về dân cư.
Hiện nay, việc tổ chức triển khai dự án CSDL quốc gia về dân cư đã đạt nhiều kết quả quan trọng như: Đã hoàn thiện khung pháp lý cho việc triển khai dự án; đã xây dựng hạ tầng Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh; tổ chức cấp hơn 8 triệu số định danh cá nhân tại 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thông qua công tác cấp căn cước công dân và phối hợp với Bộ Tư pháp cấp hơn 900.000 số định danh cá nhân cho trẻ em mới sinh tại 18 địa phương; triển khai thí điểm thu thập thông tin dân cư tại Công an tỉnh Hà Nam, Hòa Bình và triển khai phần mềm cư trú tại Công an tỉnh Thừa Thiên Huế để đánh giá rút kinh nghiệm triển khai dự án trên phạm vi toàn quốc; đã thí điểm xây dựng hệ thống quản lý dân cư tại thành phố Hải Phòng; đánh giá hiện trạng ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý dân cư của Công an các địa phương, khả năng phối hợp triển khai và dự kiến bố trí lắp đặt thiết bị đường truyền trên địa bàn toàn quốc…
Bên cạnh đó, ngành Công an đang lưu trữ, khai thác, sử dụng có hiệu quả hệ thống tàng thư Chứng minh nhân dân với hơn 60 triệu người và hệ thống tàng thư hộ khẩu với hơn 80 triệu nhân khẩu. Những thông tin, tài liệu sẵn có này cùng các dữ liệu chuyên ngành khác là nguồn quan trọng để cung cấp cho CSDL quốc gia về dân cư, có thể tiết kiệm được chi phí và rút ngắn thời gian xây dựng CSDL này. Như vậy, việc triển khai đồng bộ xây dựng CSDL quốc gia về dân cư trên toàn quốc theo lộ trình đến năm 2020 là khả thi.
Theo kết quả hệ thống hóa các TTHC, giấy tờ công dân và các CSDL liên quan đến quản lý dân cư, hiện nay có khoảng 2.705 TTHC có yêu cầu các thông tin cơ bản về công dân; trong 5.400 TTHC thuộc phạm vi quản lý của các bộ, ngành, có khoảng 1.273 TTHC yêu cầu khai thông tin, xuất trình bản chính hoặc nộp bản sao có chứng thực giấy tờ công dân; có khoảng 70 TTHC yêu cầu xuất trình Giấy khai sinh hoặc bản sao Giấy khai sinh, khoảng 18 TTHC yêu cầu Giấy chứng nhận kết hôn hoặc bản sao Giấy chứng nhận kết hôn. Theo tính toán sơ bộ, khi ứng dụng công nghệ thông tin (cập nhật thông tin cá nhân từ CSDL quốc gia về dân cư) vào giải quyết TTHC sẽ giúp giảm chi phí khi thực hiện TTHC cho người dân ước tính khoảng 1.600 tỷ đồng/năm.
Hiện nay, 15 trường thông tin cơ bản về công dân đang được cơ quan Công an tổ chức thu thập, cập nhật vào CSDL quốc gia về dân cư, bao gồm: Họ, chữ đệm và tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; nơi đăng ký khai sinh; quê quán; dân tộc; tôn giáo; quốc tịch; tình trạng hôn nhân; nơi thường trú; nơi ở hiện tại; nhóm máu; họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân hoặc số Chứng minh nhân dân, quốc tịch của cha, mẹ, vợ, chồng hoặc người đại diện hợp pháp; họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân hoặc số Chứng minh nhân dân của chủ hộ, quan hệ với chủ hộ; ngày, tháng, năm chết hoặc mất tích.