Quản lý đăng ký sim thuê bao di động của các doanh nghiệp viễn thông còn thiếu và yếu
Tính đến thời điểm cuối tháng 3 vừa qua còn khoảng 30.000 sim di động có thông tin đăng ký không chính xác. Với các giải pháp mới được áp dụng, ngành viễn thông kỳ vọng sẽ sớm hoàn tất việc đăng ký thông tin chính xác, tiến tới thông tin chính chủ cho thuê bao di động.
Như nhiều cơ quan báo đài đã thông tin rộng rãi đến người dân về việc ngày 8/4 vừa qua, hàng loạt Nhà báo đang công tác tại Hải Phòng bất ngờ nhận được tin nhắn từ số điện thoại 0564805806 có nội dung: "Tôi là T.L.Q, Bí thư Thành ủy Hải Phòng, đây là số điện thoại riêng của tôi, hãy lưu nó lại và hồi âm lại cho tôi".
Một số Nhà báo tò mò hồi âm thì lập tức nhận được tin nhắn với nội dung: "Lãnh đạo của tôi nhờ tôi làm chút việc, bạn giúp tôi chuyển một ít tiền cho lãnh đạo, tôi họp xong sẽ chuyển lại cho bạn".
Ngay sau khi nhận được thông tin trên, các đơn vị chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công an đã vào cuộc và xác minh được số điện thoại trên được đăng ký đứng tên của một người có địa chỉ ở Kiên Giang và đang sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh. Người này khẳng định đã bị người khác sử dụng thông tin của mình để đăng ký thông tin thuê bao nói trên.
Chia sẻ với Đài truyền hình Việt Nam, người bị mạo danh thông tin nói: "Cái ảnh này là ảnh của em nhưng không phải ảnh chân dung, không phải chữ ký của em. Và em đã xác minh rồi, em không sử dụng số thuê bao này".
Đại diện doanh nghiệp viễn thông VietnamMobile cho biết, việc kích hoạt sim trên đến từ tài khoản 1 nhân viên làm việc tại TP. Hồ Chí Minh.
Theo cơ quan chức năng, không chỉ số điện thoại lừa đảo này, đã có 1.000 số điện thoại khác cũng được tài khoản này kích hoạt bằng thông tin cá nhân của nạn nhân trong thời gian từ tháng 11/2019 đến tháng 1/2020.
Nhân viên kích hoạt sim cho biết: "Đúng account đó là account của em, vì từ lúc vô đến giờ em chi dùng 1 account thôi, đó là user của em, tên của em. Tại thời điểm đó, đúng em là người được điều để đi. Rất là nhiều điểm bây giờ em không nhớ được"
Từ những câu chuyện trên cho thấy, việc đăng ký thông tin thuê bao vẫn chủ yếu phụ thuộc vào trách nhiệm và sự tự giác của nhân viên chứ công tác tự kiểm tra của các doanh nghiệp viễn thông vẫn còn thiếu và yếu.
Vậy nên trong giai đoạn này, Bộ Thông tin và Truyền thông đang đẩy mạnh việc triển khai các giải pháp đồng bộ, trong đó tập trung vào giải pháp công nghệ để giải quyết vấn nạn này.
Trả lời Đài truyền hình Việt Nam, ông Nguyễn Phong Nhã – Phó Tổng cục trưởng phụ trách Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ: "Chúng ta kiểm tra việc thực hiện đăng ký thông tin thuê bao, các quy trình, các hoạt động lưu trữ của doanh nghiệp. Cùng với đó chúng tôi đã đang cho các nhà mạng thử nghiệm trong đăng ký thông tin thuê bao mới dùng giám sát qua sinh trắc học".
Tính đến thời điểm cuối tháng 3 vừa qua, còn khoảng 30.000 sim di động có thông tin đăng ký không chính xác. Vì vậy, với các giải pháp mới được áp dụng, ngành viễn thông kỳ vọng sẽ sớm hoàn tất việc đăng ký thông tin chính xác, tiến tới thông tin chính chủ cho thuê bao di động.
Xem thêm video đang được quan tâm:
PV