Quản lý đào tạo đại học: Tránh công khai nửa vời
Liên quan đến những lùm xùm của Trường Đại học Đông Đô trong việc đào tạo và cấp bằng tốt nghiệp văn bằng 2, ngày 17/8 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chính thức khẳng định chưa cho phép trường này đào tạo văn bằng 2. Cũng từ việc này cho thấy cần phải siết lại việc đào tạo, cấp văn bằng 2, cũng như đào tạo đại học nói chung.
Chậm phát hiện sai phạm vì hoãn thanh tra?
Cụ thể Bộ GDĐT cho hay, Quyết định số 22/QĐ-BGDĐT quy định về đào tạo để cấp văn bằng 2, việc đào tạo này chỉ được thực hiện ở những cơ sở được sự cho phép của Bộ GDĐT với những ngành đã được đào tạo hệ chính quy sau khi có ít nhất hai khóa sinh viên chính quy của ngành đó tốt nghiệp. Theo đó, cơ sở đào tạo phải có văn bản đề nghị với Bộ GDĐT về việc cho phép đào tạo văn bằng 2.
Dẫu thế, đối với Trường ĐH Đông Đô, Bộ GDĐT chưa nhận được bất cứ văn bản đề nghị nào liên quan đến việc cho phép đào tạo văn bằng 2 của trường. Do vậy Bộ chưa có văn bản cho phép trường này được đào tạo văn bằng 2.
Kể từ năm 2016 đến năm 2018, Trường ĐH Đông Đô có thực hiện báo cáo thông tin tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy theo quy định của Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy. Tuy nhiên, trong Báo cáo kết quả tuyển sinh các năm từ 2016 đến 2018 gửi về Vụ GDĐH (Bộ GDĐT) của trường này không có thông tin về việc đào tạo văn bằng 2.
Điều đáng nói là mặc dù chưa được phép của Bộ GDĐT trong đào tạo văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh, nhưng Trường ĐH Đông Đô vẫn ngang nhiên thông báo tuyển sinh một cách công khai. Đơn cử như trong năm 2017, trường này còn công khai tuyển sinh đến 17 ngành đào tạo văn bằng 2 gồm: Công nghệ kỹ thuật Môi trường; Công nghệ Sinh học; Công nghệ thông tin; Kỹ thuật điện tử truyền thông; kỹ thuật xây dựng; Kiến trúc; Công nghệ kỹ thuật ô tô; Quản trị kinh doanh; Tài chính Ngân hàng; Quan hệ quốc tế; Luật kinh tế; Việt Nam học; Ngôn ngữ Anh; Ngôn ngữ Trung; Thông tin học; Kế toán; Quản lý nhà nước.
Không phải cho đến khi xảy ra những lùm xùm trong việc đào tạo văn bằng 2 ở Trường ĐH Đông Đô, mà lâu nay trước những lỗ hổng, sự dễ dãi trong đào tạo liên kết, đào tạo văn bằng 2, nhiều câu hỏi đã được đặt ra, liệu Bộ có thường xuyên thanh tra, giám sát việc đào tạo văn bằng 2 hay không và việc giám sát ấy có thực sự chặt chẽ? Bộ GDĐT lý giải, trong kế hoạch thanh tra 2018, Bộ đã xây dựng Kế hoạch và tổ chức thanh tra công tác tuyển sinh năm 2018 của Trường ĐH Đông Đô (Quyết định 80/QĐ-TTr ngày 19/9/2018). Tuy nhiên, Trường ĐH Đông Đô đã có văn bản đề nghị hoãn thanh tra, với lý do là vào thời điểm đó trường chuyển trụ sở, toàn bộ hồ sơ giấy tờ đều đã đóng gói niêm phong…
Cần công khai những trường được đào tạo văn bằng 2
Qua sự việc Trường ĐH Đông Đô, dù đại diện Bộ GDĐT cho biết công tác thanh tra, kiểm tra văn bằng 2 vẫn được thực hiện trong chương trình kế hoạch chung về thanh tra, kiểm tra; nhưng thực tế lại cho thấy rõ những sai phạm này chưa được phát hiện sớm. Với việc dễ dàng cấp văn bằng 2 như vậy, liệu rằng còn bao nhiêu trường đang vi phạm giống như Trường ĐH Đông Đô? Đây là một câu hỏi đặt ra cần sớm có lời giải đáp từ cơ quan chức năng. Đồng thời cần giải pháp nào trong việc kiểm soát, quản lý việc cấp bằng, cũng như chất lượng của văn bằng 2?
Quy định của Bộ GDĐT nói rõ: Việc đào tạo văn bằng 2 của cơ sở giáo dục ĐH hiện nay vẫn thực hiện theo Quyết định số 22/2001/QĐ-BGDĐT, đồng thời, việc đào tạo bằng ĐH thứ hai chỉ được thực hiện ở những cơ sở đào tạo được phép của Bộ GDĐT hoặc của các ĐH quốc gia, ĐH vùng. Sự việc của Trường ĐH Đông Đô vừa qua khiến dư luận đặt câu hỏi lớn: Các quy định chặt chẽ đến vậy, tại sao vẫn có chuyện trường này thực hiện hoạt động đào tạo văn bằng 2 trái phép mà Bộ hoàn toàn không hề hay biết?
Câu hỏi được đặt ra lúc này là hiện nay trên cả nước bao nhiêu trường đào tạo văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh nói riêng và những ngành khác được coi là hợp pháp? Người học cũng đang rất cần Bộ GDĐT công bố danh sách các trường được cấp phép đào tạo văn bằng 2. Bởi đây cũng là yêu cầu thực hiện công khai đối với cơ sở GDĐT thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, đã được ban hành tại các văn bản, Thông tư của Bộ GDĐT: Các cơ sở giáo dục ĐH, trường CĐ sư phạm, trung cấp sư phạm phải thực hiện công khai để người học, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và xã hội tham gia giám sát, đánh giá cơ sở GDĐT theo quy định của pháp luật.
Như vậy, tự chủ và siết hậu kiểm – bài toán đã và đang đặt ra riết róng nhằm nâng cao chất lượng giáo dục ĐH hiện nay - đòi hỏi không chỉ nỗ lực của riêng ngành giáo dục, cụ thể là Bộ GDĐT với nhân lực mỏng, rất khó khăn mà còn từ phía các cấp quản lý, các cơ quan chức năng trong việc kiểm định chất lượng của các trường từ cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên... Nếu không làm tốt khâu hậu kiểm thì việc “siết đầu ra” trong bối cảnh đầu vào thoáng như hiện nay sẽ là một kỳ vọng quá khó thực hiện.
Theo TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GDĐT), từ sự việc sai phạm ở Trường ĐH Đông Đô, ngoài cảnh báo về quản lý lỏng lẻo trong việc tuyển sinh, đào tạo với các cơ sở ĐH, còn nên xem lại các quy định về bằng cấp mang tính hình thức. Giờ đây yêu cầu công khai tuyển sinh thể hiện giữa việc nói và làm của các cơ sở đào tạo với xã hội, với người học. Với xu thế tự chủ, việc công khai và minh bạch thông tin lại càng quan trọng. Kiểu “công khai nửa vời” như hiện nay đi ngược lại với chủ trương đổi mới và cho thấy sự buông lỏng quản lý nhà nước của ngành chức năng.