Quản lý đất đai tốt hơn sẽ giúp ứng phó với biến đổi khí hậu
y ban Liên Chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) cho biết, đất đai đang chịu sức ép ngày càng tăng của con người và biến đổi khí hậu (BĐKH). Đồng thời, việc giữ nhiệt độ toàn cầu ấm lên dưới 20 độ C chỉ có thể đạt được thông qua việc giảm phát thải khí nhà kính từ tất cả các lĩnh vực, bao gồm cả đất đai và lương thực.
Việc quản lý đất đai tốt hơn sẽ giúp con người ứng phó với tình trạng BĐKH.
IPCC là một tổ chức quốc tế đánh giá thực trạng kiến thức khoa học liên quan đến BĐKH, những tác động, rủi ro tiềm tàng trong tương lai và các phản ứng có thể đưa ra để ứng phó với BĐKH.
Ngày 8/8, IPCC đưa ra Báo cáo đặc biệt về BĐKH và đất đai (SRCCL) được Chính phủ 195 nước thông qua tại Geneva, Thụy Sỹ. Đây là tài liệu khoa học quan trọng phục vụ cho các cuộc thương lượng về môi trường và BĐKH, ví dụ như hội nghị các bên của Công ước Liên hợp quốc (LHQ) nhằm chống sa mạc hóa (COP14) vào tháng 9 và hội nghị Công ước khung của LHQ về BĐKH (COP25) vào tháng 12.
Nhận xét về Báo cáo, Chủ tịch IPCC Hoesung Lee cho biết: “Chúng tôi đưa ra một quan điểm toàn diện đầu tiên về hệ thống đất đai – khí hậu tổng thể thông qua sự đóng góp to lớn của các chuyên gia và Chính phủ trên toàn thế giới. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử báo cáo của IPCC có đa số tác giả đến từ các nước đang phát triển (53%)”.
Báo cáo đã chỉ ra, việc quản lý đất đai tốt hơn có thể góp phần giải quyết vấn đề BĐKH, nhưng không phải là giải pháp duy nhất. Để giữ sự ấm lên toàn cầu ở mức dưới 20 độ C theo Hiệp định Paris 2015, việc giảm phát thải khí nhà kính phải đến từ tất cả các lĩnh vực.
IPCC mới đưa ra Báo cáo đặc biệt về BĐKH và đất đai (SRCCL) được Chính phủ 195 quốc gia thông qua vào ngày 8/8/2019.
Trong đó, đất đai phải giữ được khả năng sản xuất để đảm bảo an ninh lương thực khi dân số tăng và các tác động tiêu cực của BĐKH đối với cây trồng cũng tăng lên. Năng lượng sinh học cần phải được quản lý một cách thận trọng nhằm tránh các rủi ro đến an ninh lương thực, đa dạng sinh học và suy thoái đất đai.
Đất đai là nguồn lực quan trọng
Báo cáo biến đổi khí hậu và đất đai chỉ ra, thế giới sẽ có chuẩn bị tốt nhất để đối phó với BĐKH khi tập trung tổng thể vào tính bền vững.
Đồng Chủ tịch nhóm công tác III của IPCC Jim Skea, cho biết: “Đất đai đóng vai trò quan trọng trong hệ thống khí hậu. Nông nghiệp, lâm nghiệp và các ngành sử dụng đất khác chiếm 23% phát thải khí nhà kính do con người gây ra. Đồng thời, các quá trình đất tự nhiên hấp thụ CO2 tương đương khoảng 1/3 phát thải CO2 từ các loại nhiên liệu hóa thạch và ngành Công nghiệp”.
Báo cáo của IPCC khẳng định, việc quản lý các nguồn lực đất đai bền vững có thể giúp giải quyết vấn đề BĐKH.
Báo cáo đặc biệt về BĐKH và đất đai (SRCCL) được chuẩn bị bởi 107 chuyên gia đến từ 52 quốc gia.
“Đất đai có thể nuôi sống thế giới trong một hệ thống khí hậu đang biến đổi và cung cấp nhiên liệu sinh khối để sản xuất năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, chúng ta cần phải hành động sớm với tầm nhìn xa trên nhiều lĩnh vực. Việc bảo tồn và khôi phục hệ sinh thái và đa dạng sinh học cũng như vậy”, đồng Chủ tịch nhóm công tác II của IPCC, Hans-Otto Portner chia sẻ.
Sa mạc hóa và suy thoái đất đai làm trầm trọng BĐKH
Đất đai bị suy thoái sẽ trở nên cằn cỗi, gây khó khăn cho trồng trọt và làm giảm khả năng hấp thụ carbon của đất. Điều này sẽ làm tình trạng BĐKH trầm trọng hơn, trong khi BĐKH cũng làm tình trạng suy thoái của đất trầm trọng hơn theo nhiều cách khác nhau.
Đồng Chủ tịch nhóm công tác về kiểm kê khí nhà kính quốc gia Kiyoto Tanabe cho biết: “Trong tương lai, khi cường độ mưa lớn hơn thì nguy cơ xói mòn đất ở các vùng đất canh tác sẽ tăng lên và việc quản lý đất đai một cách bền vững là cách để bảo vệ cộng đồng khỏi các tác hại của xói mòn và lở đất. Tuy nhiên, có những hạn chế trong thực hiện nên trong một số trường hợp thì việc suy thoái là không thể tránh khỏi”.
Hiện tại, gần 500 triệu người đang sống ở các khu vực bị sa mạc hóa trên toàn thế giới. Những khu vực bị sa mạc hóa và đất đai khô cằn dễ bị tổn thương hơn đối với BĐKH và các hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán, sóng nhiệt, bão cát... Dân số càng tăng thì sức ép càng lớn hơn.
Đất tự nhiên sẽ hấp thụ CO2 tương đương khoảng 1/3 phát thải CO2 từ các loại nhiên liệu hóa thạch và ngành Công nghiệp.
Báo cáo đã đưa ra các lựa chọn để xử lý vấn đề suy thoái đất đai và ngăn ngừa hoặc thích ứng với BĐKH, đồng thời cũng đánh giá các tác động tiềm tàng của các mức độ nóng lên toàn cầu khác nhau.
“Rủi ro đang tăng lên ở các vùng khô cằn thiếu nước, hỏa hoạn tàn phá, suy thoái ở khu vực đất bị phủ băng và sự bất ổn ở hệ thống lương thực”, đồng Chủ tịch nhóm công tác I của IPCC, Valerie Masson-Delmotte cho biết.
An ninh lương thực
Các nỗ lực hợp tác để xử lý vấn đề BĐKH có thể góp phần cải thiện đất đai, an ninh lương thực, dinh dưỡng và giúp giải quyết nạn đói.
Báo cáo ghi nhận, khoảng 1/3 sản lượng lương thực được sản xuất đã bị thất thoát hoặc lãng phí, trong khi việc giảm thiểu sự thất thoát và lãng phí này sẽ giúp giảm phát thải khí nhà kính và tăng cường an ninh năng lượng.
“Chế độ ăn uống cân bằng có các thực phẩm từ thực vật như ngũ cốc thô, trái cây, rau quả... và thực phẩm có nguồn gốc động vật được sản xuất bền vững trong các hệ thống phát thải khí nhà kính thấp đã cho thấy các cơ hội lớn để thích ứng và hạn chế BĐKH”, đồng Chủ tịch nhóm công tác II của IPCC Debra Roberts chia sẻ.
Sa mạc hóa và suy thoái đất đai sẽ khiến tình trạng BĐKH trầm trọng hơn.
Việc quản lý rủi ro có thể tăng cường khả năng phục hồi của cộng đồng đối với các sự kiện cực đoan có tác động đến các hệ thống lương thực. Đây có thể là kết quả của sự thay đổi chế độ ăn uống hoặc đảm bảo nhiều loại cây trồng để ngăn chặn sự suy thoái đất tiếp theo và tăng khả năng phục hồi đối với thời tiết khắc nghiệt hoặc thay đổi.
Những cách khác để thích ứng với các tác động tiêu cực của BĐKH có thể kể đến như xây dựng hệ thống cảnh báo sớm, giảm bất bình đẳng, cải thiện thu nhập hay đảm bảo tiếp cận công bằng với lương thực để một số khu vực đất đai không thể giúp cung cấp thực phẩm đầy đủ cũng không bị thiệt thòi.
Tập trung tổng thể vào tính bền vững cùng với hành động sớm hứa hẹn sẽ mang đến những cơ hội tốt nhất để giải quyết BĐKH, giảm tốc gia tăng dân số, giảm bất bình đẳng, cải thiện dinh dưỡng và giảm chất thải thực phẩm.
Điều này có thể cho phép một hệ thống lương thực linh hoạt hơn và cung cấp nhiều đất hơn cho năng lượng sinh học, trong khi vẫn bảo vệ rừng và các hệ sinh thái tự nhiên.
Các nỗ lực xử lý vấn đề BĐKH có thể góp phần cải thiện đất đai, an ninh lương thực, dinh dưỡng và giúp giải quyết nạn đói.
Các chính sách ứng phó với biến đổi đất đai và khí hậu
IPCC nhấn mạnh, các chính sách nằm ngoài phạm vi đất đai và năng lượng như giao thông hay môi trường, cũng có thể tạo ra sự khác biệt quan trọng trong việc khắc phục BĐKH. Tuy nhiên, các quốc gia cần hành động sớm để tiết kiệm một khoản chi phí lớn.
“Chúng tôi đang sử dụng các công nghệ và những thông lệ tốt, nhưng chúng cần phải được nhân rộng và sử dụng ở những nơi phù hợp khác mà hiện tại chúng không được sử dụng.
IPCC kêu gọi toàn thế giới chung tay sử dụng đất bền vững, giảm phá và đốt rừng... để giải quyết các vấn đề BĐKH liên quan đến đất đai.
Có tiềm năng thực sự ở đây thông qua việc sử dụng đất bền vững hơn, giảm tiêu thụ quá mức và lãng phí thực phẩm, loại bỏ việc phá và đốt rừng, ngăn chặn việc khai thác gỗ làm củi đốt quá mức và giảm khí thải nhà kính, nhằm giúp giải quyết các vấn đề BĐKH liên quan đến đất đai”, đồng Chủ tịch nhóm công tác I của IPCC Panmao Zhai chia sẻ.