Quản lý đất lâm nghiệp, đất rừng tại Hà Nội: Sớm tháo gỡ các bất cập
Hiện nay, việc quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp, đất rừng trên địa bàn thành phố Hà Nội gặp nhiều khó khăn và tồn tại không ít vướng mắc. Các chuyên gia cho rằng, cần phải sớm tháo gỡ những bất cập để thúc đẩy kinh tế lâm nghiệp phát triển bền vững, phát huy tối đa hiệu quả nguồn lực đất đai...
Tồn tại nhiều vướng mắc
Thời gian qua, việc quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp, đất rừng tồn tại không ít khó khăn, vướng mắc. Theo đó, ở nhiều nơi, giữa các đơn vị liên quan chưa có sự thống nhất về hồ sơ, bản đồ và thực địa giao đất lâm nghiệp, đất rừng; còn xảy ra tình trạng chồng lấn, tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân với công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng; chính sách giao đất cho người dân chưa được quan tâm, giải quyết thỏa đáng.
Ông Nguyễn Thanh Nhàn ở xã Yên Bài (huyện Ba Vì) cho hay: Hiện nay một phần diện tích của Vườn quốc gia Ba Vì quy hoạch chồng lấn lên đất của các hộ dân thôn Quýt, cụ thể là đồi Vạch Vàu với diện tích 10ha. Mặc dù, người dân kiến nghị nhiều lần nhưng đến nay phần diện tích này vẫn chưa đưa ra khỏi quy hoạch. Còn ông Triệu Huy Tuấn ở xã Ba Vì (huyện Ba Vì) cho biết: Nhiều người dân sống lâu đời tại Cốt 100 - Vườn quốc gia Ba Vì (mốc giới phân định giữa đất vườn quốc gia và đất lâm nghiệp) bị ảnh hưởng khá nhiều về hạ tầng, phát triển kinh tế. Do đó, cần có chính sách phù hợp cho người dân đang sinh sống tại Cốt 100, trường hợp di dời khỏi Vườn quốc gia Ba Vì thì cần tổ chức tái định cư cho người dân. Nếu người dân tiếp tục được sinh sống trong vùng bảo tồn thì cần tạo điều kiện giao đất, giao rừng...
Tình trạng này cũng xảy ra tại một số địa phương trên địa bàn huyện Sóc Sơn. Theo ông Nguyễn Văn Hòa, Trưởng thôn Minh Tân, xã Minh Trí (huyện Sóc Sơn), từ năm 1983, thành phố Hà Nội có quyết định đưa dân lên khu kinh tế mới Đồng Đò khai hoang trồng rừng để rồi thành lập ra thôn Minh Tân ngày nay. Thôn có tổng diện tích khoảng 1.000ha, trong đó, gần 300ha là đất ở, đất vườn sản xuất, sinh sống ổn định, không tranh chấp. Năm 1998, thành phố Hà Nội quy hoạch rừng. Các đơn vị thực hiện để xảy ra sai phạm, không đo đạc, không điều tra thực trạng, không công bố đầy đủ thông tin quy hoạch rừng dẫn đến toàn bộ thôn Minh Tân đưa vào quy hoạch rừng. Từ đó đến nay, vấn đề của thôn chưa được giải quyết triệt để, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân...
Tương tự, tại một số xã của tỉnh Hòa Bình sáp nhập về Thủ đô, do việc quản lý đất rừng, đất lâm nghiệp chưa có sự thống nhất, nhiều giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không được đăng ký biến động, nên đã gây khó khăn cho cả người dân và chính quyền địa phương.
Thực tế, 7 huyện, thị xã của thành phố Hà Nội có đất rừng, đất lâm nghiệp, gồm: Ba Vì, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Quốc Oai, Sóc Sơn, Thạch Thất và Sơn Tây do thiếu cơ sở dữ liệu về đất đai, chưa được cắm mốc, lập bản đồ số hóa; nhiều quy hoạch bị chồng lấn chưa được điều chỉnh kịp thời đã làm ảnh hưởng đến quyền lợi và lợi ích hợp pháp của người dân; tạo lỗ hổng trong quản lý; một số địa phương xảy ra tình trạng đất rừng, đất lâm nghiệp sử dụng chưa đúng mục đích.
Cần quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp
Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Lê Minh Tuyên cho biết, thực tế không chỉ có đất khác bị quy hoạch chồng lấn thành đất rừng, đất lâm nghiệp mà cũng có địa phương đất rừng, đất lâm nghiệp bị quy hoạch thành đất khác dẫn tới công tác quản lý đối với 2 loại đất này đang gặp nhiều khó khăn. Các địa phương, đơn vị cần sớm triển khai đồng bộ các giải pháp, đó là tiến hành bàn giao thực địa, gắn giao rừng với giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; có sự phân định rõ ràng đối với vùng nào là vùng lõi cần bảo tồn nghiêm ngặt, vùng nào là vùng đệm cho phát triển kinh tế dưới tán rừng. Đặc biệt, đối với các vùng phù hợp quy hoạch của địa phương về phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng… cần được khuyến khích gắn với thu phí bảo vệ rừng.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương thông tin thêm, đầu năm 2022, Sở tham mưu với UBND thành phố Hà Nội ban hành kế hoạch chỉ đạo địa bàn có rừng rà soát, cắm mốc, số hóa toàn bộ diện tích và giao ngành Nông nghiệp quản lý. Tuy nhiên, việc rà soát chưa hoàn thành do nhiều nguyên nhân. Do đó, các địa phương cần nâng cao trách nhiệm, đẩy nhanh tiến độ rà soát; người đứng đầu địa phương chịu trách nhiệm số liệu thống kê nếu sai sót, chậm muộn.
Cũng theo ông Nguyễn Mạnh Phương, một trong những bất cập là việc bàn giao đất từ các công ty nông, lâm nghiệp cho địa phương quản lý thực hiện còn chậm. Do đó, cần tiếp tục hoàn thiện quy định pháp luật về mô hình chuyển công ty nông, lâm nghiệp, có sự hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho công tác đo đạc, cắm mốc ranh giới, lập bản đồ địa chính, tiến hành bàn giao dứt điểm về địa phương quản lý cả con người và tài nguyên đất đai; có sự hỗ trợ địa phương khó khăn… Cần bảo đảm thống nhất giữa các quy hoạch, ranh giới trên bản đồ và thực địa; kiên quyết thu hồi, xử lý nghiêm đối với những tổ chức, cá nhân vi phạm về đất đai.