Quản lý Fintech: Mục tiêu cao nhất là an toàn hệ thống

Một trong những sự kiện thu hút nhiều sự quan tâm trong tuần qua đó là Tọa đàm 'Chính sách quản lý Fintech' diễn ra hôm 20/8 tại Hà Nội. Âu cũng là điều dễ hiểu khi mà CMCN 4.0 và Fintech là một xu thế tất yếu trên thế giới mà Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc.

Quả vậy, với quy mô dân số lớn, cơ cấu dân số trẻ, tỷ lệ người dân sử dụng Internet và điện thoại thông minh cao nhất nhì trong khu vực, cộng thêm sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử và thanh toán điện tử, Việt Nam có rất nhiều lợi thế cho các doanh nghiệp Fintech phát triển. Tác động của CMCN 4.0 nói chung và Fintech nói riêng lên lĩnh vực tài chính - ngân hàng bao trùm trên nhiều góc độ.

Hiện nay, có gần 150 doanh nghiệp Fintech đang hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau, chủ đạo là lĩnh vực thanh toán. Ngoài ra, còn có các lĩnh vực khác như cho vay ngang hàng, cung cấp giải pháp ngân hàng như xác thực điện tử, ứng dụng blockchain, dịch vụ tài chính cá nhân… Chủ đạo trong hoạt động Fintech vẫn là thanh toán, có 30 tổ chức trung gian thanh toán được cấp phép trong đó có 27 tổ chức cung ứng ví điện tử. Bên cạnh đó, hoạt động thanh toán của các ngân hàng thương mại cũng rất mạnh, ứng dụng công nghệ mới.

Trong 2-3 năm vừa qua, dịch vụ thanh toán qua các kênh điện thoại và Internet phát triển mạnh mẽ. Qua số liệu thu thập hàng năm, tốc độ tăng trưởng số lượng và giá trị giao dịch qua điện thoại và Internet rất lớn. Dịch vụ thanh toán qua mã QR code được nhiều ngân hàng thương mại phát triển, có 24 ngân hàng đang triển khai, 50.000 điểm chấp nhận thanh toán qua mã QR.

Tuy nhiên với nhịp độ đổi mới nhanh, hệ sinh thái mở và đa dạng, kết nối xuyên biên giới… Fintech đặt ra thách thức lớn đối với các cơ quan quản lý trong việc ban hành cơ chế, chính sách quản lý phù hợp để thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới sáng tạo nhưng vẫn bảo vệ người tiêu dùng, ổn định tài chính. Đây là một thách thức không hề nhỏ.

Thứ nhất, do trung gian thanh toán chỉ là một trong rất nhiều lĩnh vực mà Fintech tham gia nên việc quản lý Fintech không chỉ là quản lý các doanh nghiệp trung gian thanh toán, mà cả các doanh nghiệp công nghệ tài chính khác. Ví dụ như cung cấp công nghệ hạ tầng blockchain hay các giải pháp liên quan đến AI, Bigdata cũng như quản lý tài chính cá nhân…

Thứ hai và cũng là điều quan trọng hơn cả là các cơ quan quản lý phải có các chính sách, giải pháp giúp hoàn thiện và phát triển hệ sinh thái Fintech để phát triển ổn định và thúc đẩy đổi mới sáng tạo, song vẫn phải kiểm soát được rủi ro, bảo vệ người sử dụng và đảm bảo sự ổn định hệ thống tài chính - tiền tệ. Ông Nghiêm Thanh Sơn – Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN cho biết, “mục tiêu cuối cùng của cơ quan quản lý đối với thị trường Fintech suy cho cùng là đảm bảo lợi ích của người dùng. Nhưng đi cùng với đó phải làm sao thúc đẩy được doanh nghiệp đổi mới sáng tạo”.

Trong bối cảnh đó, Sandbox là một trong những giải pháp hàng đầu. Theo đó, NHNN đã trình Thủ tướng Chính phủ đề án Sandbox vào tháng 5/2019. Mục tiêu của đề án là hiện thực hóa các giải pháp tại đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo quốc gia đến năm 2025” được phê duyệt tại Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ và cũng là nhiệm vụ được nêu tại Quyết định 999/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ. NHNN có kế hoạch nghiên cứu, áp dụng cách thức quản lý theo cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (regulatory sandbox) phù hợp với thực tiễn, thông lệ quốc tế, tiến tới việc ban hành khuôn khổ pháp lý và quản lý chính thức.

Cũng với mục tiêu “bảo vệ người dùng, bảo đảm ổn định của hệ thống tài chính quốc gia” nên mặc dù cho rằng, vốn và công nghệ của các nhà đầu tư nước ngoài là vô cùng quan trọng, song theo các chuyên giá vẫn phải khống chế tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài tại các doanh nghiệp Fintech, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực trung gian thanh toán.

Đó cũng là quan điểm của NHNN. Theo đó, tại Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt, NHNN đề xuất trần 30% sở hữu nước ngoài trong các công ty cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán, bởi đây là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, liên quan đến hoạt động ngân hàng và thị trường tài chính, ảnh hưởng đến sự ổn định và an toàn trong chính sách tiền tệ của quốc gia.

Do đó, để tránh sự thao túng của các nhà đầu tư nước ngoài cũng như để đảm bảo chủ quyền quốc gia trong hoạt động ngân hàng tài chính thì cần thiết quy định tỷ lệ tham gia góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài.

Quả vậy, số liệu thống kê cho thấy, hết quý I/2019, toàn thị trường hiện có 27 công ty trung gian thanh toán cung ứng dịch vụ ví điện tử được cấp phép, nhưng có tới 90% thị phần (cả số lượng lẫn giá trị giao dịch) đều nằm trong 5 công ty trung gian thanh toán lớn. Các công ty này đều có tỷ lệ sở hữu nước ngoài từ 30% đến hơn 90%. Điều này cũng đặt ra nhiều mối quan ngại liên quan đến an toàn thông tin và cũng đủ lớn để ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ, an ninh dữ liệu quốc gia. Ngoài ra khi đưa ra tỷ lệ sở hữu nước ngoài, các cơ quan quản lý cũng chú ý tạo điều kiện cho các nhà đầu tư trong nước nắm bắt cơ hội.

“Chúng tôi cũng đã nghiên cứu kinh nghiệm của nhiều quốc gia khác nhau, cũng như các hiệp ước quốc tế mà Việt Nam tham gia để đưa ra tỷ lệ room ngoại phù hợp với lĩnh vực này. Nhiều khả năng sẽ áp dụng 30% hay 49%”, ông Nghiêm Thanh sơn cho biết.

Anh Thư

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/quan-ly-fintech-muc-tieu-cao-nhat-la-an-toan-he-thong-91435.html