Quản lý giáo dục chuyển từ 'chỉ đạo và kiểm soát' sang 'giao quyền và giám sát'
Công tác quản lý giáo dục từng bước được đổi mới theo hướng coi trọng quản lý chất lượng, đẩy mạnh phân cấp, tăng quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình, tạo động lực và tính chủ động, sáng tạo cho các cơ sở giáo dục.
Đó là một trong những nội dung quan trọng của dự thảo báo cáo Chính trị Đại hội Đảng bộ Bộ GD&ĐT lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020-2025.
Dự thảo báo cáo nêu lên một số kết quả nổi như:
Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống trong học sinh, sinh viên được chú trọng: Việc giáo dục đạo đức và giá trị sống, rèn luyện kỹ năng sống, hiểu biết xã hội, thực hành pháp luật được lồng ghép trong các môn Đạo đức, Giáo dục công dân và trong các môn học/hoạt động giáo dục khác;
Giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong trường học được quan tâm hơn, hình thức và nội dung được đổi mới, sinh động, phong phú, nâng cao thể chất cho học sinh, sinh viên;
Các cơ sở giáo dục phối hợp với các trung tâm giáo dục quốc phòng, an ninh, các cơ quan quân sự địa phương thực hiện giáo dục quốc phòng và an ninh cho học sinh, sinh viên có hiệu quả thiết thực.
Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục cơ bản đáp ứng về số lượng; cơ cấu, trình độ đào tạo được nâng cao, từng bước đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo.
Các cơ sở đào tạo giáo viên phổ thông đổi mới chương trình đào tạo, bồi dưỡng đã được triển khai; ban hành các văn bản quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên và chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông; xây dựng chuẩn nghề nghiệp giảng viên sư phạm;
Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý với trường sư phạm và trường phổ thông trong bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục;
Cơ sở dữ liệu về đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đã được xây dựng làm cơ sở cho cơ quan quản lý ra các quyết định về chính sách hiệu quả, khắc phục tối đa những bất cập hiện nay như thừa thiếu, chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, chính sách cho nhà giáo.
Công tác quản lý giáo dục từng bước được đổi mới theo hướng coi trọng quản lý chất lượng, đẩy mạnh phân cấp, tăng quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình, tạo động lực và tính chủ động, sáng tạo cho các cơ sở giáo dục: Đã bước đầu chuyển từ cơ chế “chỉ đạo và kiểm soát” sang “giao quyền và giám sát”;
Hạn chế thành lập cơ sở giáo dục đại học công lập, khuyến khích thành lập cơ sở giáo dục đại học tư thục, cơ sở giáo dục đại học có vốn nước ngoài hoạt động không vì lợi nhuận.
Giáo dục ngoài công lập đã góp phần giảm sức ép cho giáo dục công lập, đáp ứng quy mô học sinh tăng nhanh, khắc phục một phần tình trạng thiếu trường lớp, đặc biệt là ở bậc mầm non. Mô hình trường tư thục chất lượng cao, trường quốc tế được khuyến khích phát triển.
Công tác thanh tra, kiểm tra được đẩy mạnh nhằm bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch trong các cơ sở giáo dục: Rà soát, bổ sung các văn bản mới và bãi bỏ những quy định không phù hợp; Công tác quản trị tại các cơ sở giáo dục từng bước được đổi mới và triển khai tích cực.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý được thực hiện theo hướng đẩy mạnh triển khai chính phủ điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, triển khai hệ thống quản lý hành chính điện tử (e-office) kết nối 63 sở giáo dục và đào tạo và hơn 300 trường đại học, cao đẳng trên cả nước;
100% lãnh đạo, chuyên viên Bộ được cấp và sử dụng chữ ký số để tiếp nhận và xử lý văn bản điện tử và công việc hàng ngày; 100% trường học được kết nối internet, 80% trường học đã dùng phần mềm quản trị trường học, sổ điểm điện tử giúp giảm tải hồ sơ, giấy tờ trong nhà trường;
Xây dựng và đóng góp vào Hệ tri thức Việt số hóa gần 5.000 bài giảng điện tử e-learning có chất lượng; trên 900 đề án tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng; trên 7.500 luận văn tiến sĩ; gần 30 nghìn câu hỏi trắc nghiệm và dữ liệu trường học kết nối.
Hợp tác quốc tế trong giáo dục và đào tạo tiếp tục được mở rộng và nâng cao: Trong 5 năm qua, cơ chế hợp tác song phương và đa phương từng bước được hoàn thiện và mở rộng quy mô, hình thức và đa dạng hóa về nội dung; thực hiện các hiệp định, chương trình hợp tác về giáo dục và đào tạo với nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế;
Hợp tác song phương với các nước Bắc Âu được tăng cường, với 41 văn bản cấp Bộ và cấp cơ sở giáo dục đại học, doanh nghiệp Việt Nam và các đối tác nước ngoài đã được ký kết; hợp tác đa phương được củng cố thiết lập quan hệ hợp tác giáo dục với hơn 100 quốc gia và lãnh thổ; công tác quản lý các chương trình liên kết đào tạo được tăng cường.