Quản lý hiệu quả chợ truyền thống

Trong những năm qua, công tác phát triển và quản lý chợ trên địa bàn tỉnh đáp ứng nhu cầu, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho nhân dân, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, hoạt động của hệ thống chợ hiện nay đang gặp không ít khó khăn, công tác quản lý, khai thác vẫn còn nhiều bất cập.

Chợ Trung tâm thành phố Sơn La.

Vướng mắc trong quản lý hoạt động chợ

Trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 90 chợ; trong đó có 10 chợ hạng 2 và 80 chợ hạng 3. Nhiều chợ được đầu tư hàng tỷ đồng, nhưng không phát huy hiệu quả công năng sử dụng; đa số chợ hoạt động theo hình thức chợ phiên, nên nguồn thu từ chợ thấp, không đủ duy trì công tác quản lý chợ, nhất là việc đảm bảo các quy định về phòng cháy, chữa cháy.

Tại Thành phố, hiện có 13 chợ, gồm 2 chợ hạng II và 10 chợ hạng III. Các chợ cơ bản đáp ứng nhu cầu mua sắm hàng hóa của người dân trên địa bàn. Trong đó, chợ Trung tâm và chợ 7/11 giao cho Ban quản lý chợ Thành phố quản lý; các chợ còn lại giao cho UBND các xã, phường thành lập Ban quản lý.

Tuy nhiên, mạng lưới chợ trên địa bàn Thành phố còn nhiều bất cập, như: Chợ Chiềng Cọ, chợ Chiềng Đen, số lượng các hộ kinh doanh ít, nguồn thu không đủ chi trả cho công tác quản lý, do nhu cầu mua sắm tập trung của nhân dân không cao; chợ Noong Đúc, phường Chiềng Sinh đã xuống cấp, nhưng chưa được đầu tư. Một số chợ hiện nay có quy mô diện tích nhỏ, chưa đáp ứng nhu cầu địa điểm kinh doanh của người dân, như: Chợ phường Quyết Thắng, chợ Quyết Tâm, chợ Noong Đúc, chợ 7/11, dẫn đến tình trạng lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh tại khu vực xung quanh chợ, lắp thêm các mái che, bạt che lấn chiếm hành lang giao thông, ảnh hưởng đến công tác PCCC.

Nhân dân mua sắm tại chợ Trung tâm thành phố Sơn La.

Nhân dân mua sắm tại chợ Trung tâm thành phố Sơn La.

Ông Đoàn Mạnh Cường, Trưởng Ban quản lý chợ Thành phố, chia sẻ: Ban đang quản lý chợ Trung tâm và chợ 7/11. Trong đó, chợ Trung tâm Thành phố được đầu tư xây dựng từ năm 1991, với 267 hộ kinh doanh; chợ 7/11 đầu tư xây dựng năm 2003, với 158 hộ kinh doanh. Do được đầu tư xây dựng từ lâu, nên cơ sở vật chất không đồng bộ, một số hạng mục đã xuống cấp, thấm dột. Mặc dù năm 2022, chợ Trung tâm được cải tạo, một số trang thiết bị PCCC được đầu tư mới theo quy định, nhưng chưa đầy đủ, đồng bộ, lối thoát nạn chưa đảm bảo. Hơn nữa, các hộ kinh doanh gặp khó khăn do thương mại điện tử phát triển, nhiều hộ phải sáp nhập quầy; nhiều người bán hàng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để họp chợ, kinh doanh buôn bán, ảnh hưởng tới các hộ kinh doanh trong chợ...

Còn tại huyện Mường La có 7 chợ; trong đó 4 chợ đã hoạt động tại thị trấn Ít Ong và các xã Mường Bú, Mường Trai, Chiềng Hoa; 2 chợ đang triển khai đầu tư, gồm chợ xã Ngọc Chiến, chợ tiểu khu 5, thị trấn Ít Ong; chợ xã Chiềng Lao đang chuẩn bị hoạt động. Đối với chợ tại thị trấn Ít Ong đã đi vào hoạt động ổn định, 3 chợ còn lại tại các xã Mường Bú, Mường Trai, Chiềng Hoa có quy mô nhỏ, mật độ lưu thông, trao đổi hàng hóa thấp, hầu hết các chợ được tổ chức họp 2 phiên/tuần, nên nguồn thu tại các chợ thấp; việc xã hội hóa đầu tư xây dựng cải tạo, nâng cấp chợ, tạo nguồn thu từ chợ gặp nhiều khó khăn.

Quy định mới về quản lý và phát triển chợ

Ngày 5/6/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 60/2024/NĐ-CP về phát triển và quản lý chợ, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2024, với một số điểm mới, như: Cho phép địa phương chủ động cân đối nguồn vốn ngân sách nhà nước để đầu tư, hoặc hỗ trợ vốn đầu tư phát triển chợ dân sinh, chợ đầu mối trên địa bàn. Làm rõ chợ được quản lý bởi doanh nghiệp, HTX đầu tư, kinh doanh, khai thác, quản lý, hoặc đối tượng được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng chợ đối với tài sản do nhà nước đầu tư... thay vì ban quản lý như trước đây. Điều này sẽ đáp ứng được yêu cầu phát triển chợ trong tình hình hiện nay, góp phần tháo gỡ các khó khăn, bất cập liên quan đến đầu tư chợ của các địa phương.

Nhân dân mua sắm tại chợ phiên xã Chiềng Hoa, huyện Mường La.

Triển khai thực hiện Nghị định 60/2024/NĐ-CP, Sở Công Thương đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các sở ngành, đơn vị liên quan và tham mưu ban hành quyết định công bố thủ tục hành chính mới ban hành trong lĩnh vực tài sản kết cấu hạ tầng chợ thuộc chức năng quản lý của Sở Công Thương. Đồng thời, Sở Công Thương tham mưu cho UBND tỉnh về việc phân cấp quản lý chợ, giao tài sản kết cấu hạ tầng chợ và xử lý tài sản kết cấu hạ tầng chợ do nhà nước đầu tư; quyết định về việc ban hành nội quy mẫu về chợ; phối hợp với Sở Tài chính, UBND các huyện, thành phố rà soát, kiểm kê tài sản kết cấu hạ tầng chợ.

Ông Phạm Trung Kiên, Phó trưởng Phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương, thông tin: Triển khai thực hiện Nghị định số 60/2024/NĐ-CP sẽ tạo sự chủ động cho tỉnh trong đầu tư, phát triển chợ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc, khai thác nguồn lực để quản lý, phát triển mạng lưới chợ theo hướng văn minh, hiện đại, bảo đảm an toàn thực phẩm, góp phần thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa. Hiện nay, Sở đang tiếp tục đề xuất, kiến nghị với Bộ Công Thương và cấp có thẩm quyền để giải quyết vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định.

Các cấp, ngành địa phương trong tỉnh tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý trật tự đô thị, giảm dần tình trạng họp chợ lấn chiếm lòng, lề đường gây mất trật tự, an toàn giao thông. Khảo sát, quy hoạch, xây dựng chợ bài bản, đánh giá thực tiễn về nhu cầu để thiết kế quy mô chợ cho phù hợp, tránh gây lãng phí nguồn đầu tư; phổ biến, hướng dẫn ứng dụng thương mại điện tử và các phương thức kinh doanh mới để nâng cao hiệu quả hoạt động của các chợ truyền thống trong tình hình mới.

Bài, ảnh: Thủy Ngân

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/xa-hoi/quan-ly-hieu-qua-cho-truyen-thong-H8ZdBmeIR.html