Quản lý hiệu quả dự án đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin chi cho đầu tư công

Bộ Khoa học và Công nghệ đang dự thảo Nghị định quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Dự án đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng vốn ngân sách nhà nước chi cho đầu tư công thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công

Dự án đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng vốn ngân sách nhà nước chi cho đầu tư công thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công

Dự thảo Nghị định nêu rõ quy định quản lý dự án đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng vốn ngân sách nhà nước chi cho đầu tư công:

Quản lý dự án đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin

Thep dự thảo, dự án đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng vốn ngân sách nhà nước chi cho đầu tư công thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công và các quy định tại Nghị định này. Cụ thể:

a- Lập, thẩm định, quyết định, điều chỉnh, dừng chủ trương đầu tư thực hiện theo quy định tại các điều tại Mục 1 Chương II của Luật Đầu tư công và các văn bản sửa đổi, bổ sung, quy định chi tiết; sơ bộ tổng mức đầu tư dự án hoặc dự kiến tổng mức đầu tư dự án thực hiện theo quy định tại Nghị định này.

b- Thẩm quyền quyết định đầu tư dự án, căn cứ lập, thẩm định, quyết định đầu tư dự án, trình tự lập, thẩm định, quyết định đầu tư dự án thực hiện theo quy định tại Điều 38, Điều 39 và Điều 43 của Luật Đầu tư công và các văn bản sửa đổi, bổ sung, quy định chi tiết.

c- Trình tự lập, thẩm định, phê duyệt chi phí chuẩn bị dự án, dự toán nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư thực hiện theo quy định tại Điều 44 của Luật Đầu tư công và các văn bản sửa đổi, bổ sung, quy định chi tiết.

d- Trình tự, thủ tục quyết định đầu tư đối với dự án đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin khẩn cấp thực hiện theo quy định tại Điều 45 của Luật Đầu tư công và các văn bản sửa đổi, bổ sung, quy định chi tiết; việc quản lý chi phí, quản lý chất lượng dự án đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin khẩn cấp thực hiện theo các quy định tại Nghị định này;

đ- Trình tự, thủ tục quyết định đầu tư đối với dự án đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin đặc biệt thực hiện theo quy định tại khoản 21 Điều 7 Luật số 90/2025/QH15; việc quản lý chi phí, quản lý chất lượng dự án đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin đặc biệt thực hiện theo các quy định tại Nghị định này.

e- Điều chỉnh dự án thực hiện theo quy định tại Điều 46 của Luật Đầu tư công và các văn bản sửa đổi, bổ sung, quy định chi tiết.

g- Thiết kế dự án, nội dung báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, hồ sơ quyết định dự án, nội dung, thời gian thẩm định, quyết định dự án, quản lý chi phí, quản lý chất lượng và tổ chức quản lý thực hiện dự án thực hiện theo quy định tại Nghị định này.

Dự án đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin có hạng mục đầu tư thuộc công trình viễn thông, xây dựng công trình và các lĩnh vực khác thì việc quản lý chi phí, quản lý chất lượng hạng mục đầu tư đó thực hiện theo quy định của pháp luật về công trình viễn thông, xây dựng và các chuyên ngành liên quan.

Dự án trong lĩnh vực khác có hạng mục ứng dụng công nghệ thông tin thì việc quản lý chi phí, quản lý chất lượng hạng mục ứng dụng công nghệ thông tin đó thực hiện theo quy định tại Nghị định này.

Trường hợp một dự án gồm nhiều dự án thành phần hoặc tiểu dự án, trong đó nếu từng dự án thành phần hoặc tiểu dự án có thể độc lập vận hành, khai thác hoặc thực hiện theo phân kỳ đầu tư được ghi trong chủ trương đầu tư thì mỗi dự án thành phần hoặc tiểu dự án đó được thực hiện ngay từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư (trừ bước lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư) như một dự án đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin độc lập.

Dự án thành phần hoặc tiểu dự án thuộc nhóm nào thì trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt dự án được thực hiện theo trình tự, thủ tục của dự án nhóm đó.

Việc bố trí vốn thực hiện dự án tuân thủ theo các quy định của Luật Đầu tư công. Việc lựa chọn nhà thầu, thương thảo, ký kết hợp đồng được thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu.

Các hình thức quản lý dự án

Dự thảo quy định, cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư quyết định lựa chọn một trong các hình thức quản lý dự án sau: Trực tiếp quản lý dự án khi chủ đầu tư có đủ điều kiện, năng lực; thuê tổ chức tư vấn quản lý dự án.

Chủ đầu tư thành lập Ban quản lý dự án trong trường hợp trực tiếp quản lý dự án để giúp chủ đầu tư làm đầu mối quản lý dự án.

Đối với dự án có tổng mức đầu tư từ 20 tỷ đồng trở xuống, chủ đầu tư có thể không thành lập Ban quản lý dự án mà sử dụng bộ máy chuyên môn của mình để quản lý, điều hành dự án hoặc thuê người có chuyên môn, kinh nghiệm để hỗ trợ quản lý dự án.

Đối với dự án đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin khẩn cấp và dự án đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin đặc biệt:

Cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư dự án quyết định việc tổ chức quản lý dự án; tổ chức giám sát thực hiện và nghiệm thu bàn giao dự án hoàn thành phù hợp với quy định của pháp luật về đầu tư công và pháp luật khác có liên quan.

Cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư dự án có thể ủy quyền cho chủ đầu tư quyết định, chịu trách nhiệm về việc tổ chức quản lý thực hiện dự án từ giai đoạn lập dự án đến giai đoạn hoàn thành đưa dự án vào khai thác, sử dụng và chịu trách nhiệm về việc ủy quyền đó.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Minh Hiển

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/quan-ly-hieu-qua-du-an-dau-tu-ung-dung-cong-nghe-thong-tin-chi-cho-dau-tu-cong-102250722143449691.htm