Quản lý 'hồ treo' ở Thanh Vân

Nước là nguồn sống quý giá của bà con ở vùng Cao nguyên đá. Giải bài toán có nước sinh hoạt hàng ngày luôn là nỗi trăn trở của các cấp ủy, chính quyền nơi đây. Mô hình quản lý nước sạch và 'hồ treo' ở xã Thanh Vân (Quản Bạ) đã giải quyết được các vấn đề về bảo vệ nguồn nước và sử dụng hiệu quả các công trình thủy lợi.

Hộ anh Giàng Mí Cư, thôn Lùng Cúng, xã Thanh Vân (Quản Bạ) được dùng nước sạch từ “hồ treo”.

Hộ anh Giàng Mí Cư, thôn Lùng Cúng, xã Thanh Vân (Quản Bạ) được dùng nước sạch từ “hồ treo”.

Đến Lùng Cúng, một thôn có địa hình núi đá hiểm trở và gặp nhiều khó khăn do thiếu nước sinh hoạt. Hiện nay, nhờ việc quản lý và sử dụng hiệu quả các công trình thủy lợi nên đã phần nào giúp người dân có nước sinh hoạt hàng ngày. Anh Giàng Mí Páo - hộ dân trong thôn đang được dùng nước sạch, chia sẻ: Cách đây mấy năm, khi chưa có “hồ treo”, các hộ trong thôn phải đi tìm nước cực khổ lắm; nhà nào có điều kiện thì mua ống nước cắm vào khe đá để dẫn nước về dùng; nhà nào không có tiền thì phải tự xách can đi lấy nước hoặc tận dụng nước mưa trên mái nhà để dùng. Từ khi Nhà nước xây dựng “hồ treo” để tích nước thì bà con trong thôn đã có nước dùng thoải mái hơn trước, xong vào mùa khô, cũng chỉ đáp ứng được gần 80% nhu cầu của người dân.

“Hồ treo” thôn Lùng Cúng được người dân bảo vệ tốt.

“Hồ treo” thôn Lùng Cúng được người dân bảo vệ tốt.

Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Vân, Lục Giang Bằng, cho biết: Toàn xã có 3 “hồ treo”, điều tiết nước sinh hoạt cho người dân ở 7 thôn. Thực hiện việc quản lý các “hồ treo”, xã thành lập 7 tổ quản lý, vận hành và bảo dưỡng các công trình thủy lợi ở 7 thôn; các thành viên trong tổ do người dân bầu ra. Hàng tháng, các tổ thường xuyên đi kiểm tra nguồn nước, đường ống dẫn nước để kịp thời bảo dưỡng và sửa chữa những hỏng hóc nhỏ. Vào mùa khô, các nguồn nước cạn dần thì tổ có trách nhiệm đi tìm nguồn nước; kinh phí hoạt động cho tổ được người dân đóng góp là 50 nghìn đồng/hộ/năm. Để quản lý và sử dụng hiệu quả các công trình thủy lợi, người dân ở các thôn đã họp, bàn và đưa ra các quy định về cách sử dụng và bảo vệ nguồn nước cho người dân.

Lùng Cúng là một trong những thôn có cách quản lý hiệu quả nguồn nước từ “hồ treo”. Theo Bí thư Chi bộ thôn Lùng Cúng, Giàng Mí Cư: “Tổ quản lý của thôn được thành lập từ năm 2016, gồm 7 người là thành viên trong Ban Quản lý thôn. Hàng tuần, chúng tôi chia theo nhóm đi kiểm tra đường ống và nguồn nước và kiêm luôn việc bảo vệ rừng. Từ khi có “hồ treo”, thôn đã tổ chức họp bàn, thống nhất với bà con đề ra các quy định chung về việc bảo vệ và dùng nước. Trong đó, cho phép các hộ cắm đường ống dẫn nước từ “hồ treo” về nhà dùng hoặc nhà nào có điều kiện thì tự mua máy bơm để bơm nước về. Tuy nhiên, các hộ không được phép giặt giũ, tắm rửa trực tiếp ở hồ treo và hạn chế người ra, vào khu vực “hồ treo” để đảm bảo vệ sinh nguồn nước; phạt 100 nghìn đồng đối với người nào vi phạm quy định, làm bẩn nước “hồ treo”. Nhờ có các quy định cụ thể, rõ ràng; nên việc quản lý và sử dụng nguồn nước đã đem lại hiệu quả thiết thực, người dân được sử dụng nguồn dùng nước sạch.

Từ việc quản lý hiệu quả “hồ treo” đã phát huy được ý thức chung của cộng đồng trong việc bảo dưỡng, quản lý các công trình thủy lợi do Nhà nước đầu tư. Bên cạnh đó, người dân còn có ý thức bảo vệ và phát triển rừng để giữ gìn nguồn nước cho cộng đồng.

Bài, ảnh: Lê Hải

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/201907/quan-ly-ho-treo-o-thanh-van-747378/