Quản lý hoạt động kinh doanh bán hàng đa cấp ngày càng hiệu quả
Năm 2019 đánh dấu nhiều chuyển biến tích cực của ngành bán hàng đa cấp, từ hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) đến việc xây dựng và thực thi pháp luật của cơ quan quản lý Nhà nước.
Thông tin được ông Trịnh Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thuơng) - khẳng định tại Hội nghị Tổng kết công tác quản lý hoạt động bán hàng đa cấp khu vực miền Nam năm 2019, diễn ra chiều ngày 30/9, tại TP. Hồ Chí Minh.
Nhiều chuyển biến tích cực
Từ diễn biến phức tạp của hoạt động bán hàng đa cấp, gây nhiều tiêu cực cho vấn đề trật tự xã hội vào những năm 2016 trở về trước, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Cục CT&BVNTD) đã phối hợp với các cơ quan liên quan từ Trung ương tới địa phương, thực hiện hàng loạt các biện pháp quản lý mạnh mẽ và đồng bộ, qua đó đã hạn chế và kiểm soát tốt hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.
Theo Cục CT&BVNTD, năm 2019 đánh dấu nhiều chuyển biến của ngành bán hàng đa cấp, từ hoạt động kinh doanh của các DN đến việc xây dựng và thực thi pháp luật của cơ quan quản lý Nhà nước. Trong đó, công tác quản lý Nhà nước về hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp tại Việt Nam đã có nhiều kết quả tích cực.
Từ số lượng 30 DN hoạt động đầu năm 2019, đến nay số lượng DN hoạt động chính thức chỉ còn 21 DN, với hơn 1.105.000 người tham gia bán hàng đa cấp, giảm khoảng 12% so với năm 2018. Nhưng doanh thu của ngành bán hàng đa cấp được ghi nhận vẫn tăng 1.793 tỷ đồng, tăng hơn 16% so với năm 2018. Các DN đã nộp thuế đạt 1.661 tỷ đồng, tăng 21,7% so với năm 2018.
Ông Trịnh Anh Tuấn đánh giá, hiện nay hoạt động bán hàng đa cấp về cơ bản đã được chấn chỉnh, quản lý tốt, số lượng vụ việc vi phạm và những vấn đề phát sinh từ bán hàng đa cấp đã giảm, không còn nhiều trường hợp nghiêm trọng như những năm trước.
Trong năm 2019, Cục CT&BVNTD đã phối hợp với các cơ quan liên quan Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) hoàn thành thanh tra chuyên ngành việc chấp hành pháp luật về bán hàng đa cấp và xử phạt 4 DN vi phạm với tổng số tiền phạt hơn 1,8 tỷ đồng, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp của 1 DN vi phạm nghiêm trọng. Ở cấp địa phương, tống số tiền phạt của các cơ quan quản lý tại địa phương hơn 1,1 tỷ đồng.
Ngoài ra, Cục CT&BVNTD phối hợp các cơ quan quản lý liên quan khác thực hiện nhiều biện pháp tuyên truyền, cảnh báo về các hành vi có dấu hiệu hoạt động bán hàng đa cấp trái phép. Qua đó, nâng cao nhận thức đồng thời ngăn ngừa được các thiệt hại không đáng có cho người dân.
Ứng dụng công nghệ, nâng cao hiệu quả công tác quản lý
Tại Hội nghị “Tổng kết công tác quản lý hoạt động bán hàng đa cấp khu vực miền Nam”, Cục CT&BVNTD cũng giới thiệu một số ứng dụng công nghệ thông tin, nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả công tác quản lý bán hàng đa cấp.
Cụ thể, Cục CT&BVNTD giới thiệu và ông bố dịch vụ công trực tuyến trong quản lý hoạt động bán hàng đa cấp như cấp và sửa đổi, bổ sung giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp: https://banhangdacap.dvctt.gov.vn.
Bên cạnh đó, Cục giới thiệu trang thông tin điện tử quản lý bán hàng đa cấp (mới nâng cấp) với nhiều chức năng và ứng dụng mới, http://bhdc.vcca.gov.vn/ có thể hỗ trợ cung cấp các số liệu cập nhật, minh bạch, đầy đủ về lĩnh vực bán hàng đa cấp, giúp tăng cường trao đổi thông tin, tương tác giữa cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương tới các địa phương, qua đó nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động bán hàng đa cấp.
Cục CT&BVNTD cũng công bố ứng dụng iMLM, nằm hỗ trợ cung cấp và tiếp nhận thông tin về quản lý lĩnh vực bán hàng đa cấp tại Việt Nam một cách cập nhật và tiện lợi nhất.
Tại hội nghị, đại diện Sở Công Thương một số tỉnh, thành như TP. Hồ Chí Minh, Sóc Trăng, Bến Tre, Tây Ninh,… Hiệp hội Bán hàng đa cấp, các DN bán hàng đa cấp đã trao đổi và cùng đưa ra những giải pháp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật của các cơ quan quản lý tại địa phương…
Theo đánh giá của các Sở Công Thương, nhiều DN bán hàng đa cấp đã hoạt động nghiêm túc hơn so với thời gian trước. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng một vài “con sâu làm rầu nồi canh”. Đơn cử như, người đại diện công ty bán hàng đa cấp tại địa phương không nắm thông tin DN, một số DN không thực hiện báo cáo hoạt động định kỳ cho cơ quan quản lý địa phương theo Nghị định 40/2018/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh đa cấp.
“Các ý kiến, kiến nghị tại hội nghị sẽ được tổng hợp làm cơ sở để các cơ quan có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về bán hàng đa cấp hiện hành cho phù hợp với yêu cầu thực tế” - Phó Cục trưởng Cục CT&BVNTD nhấn mạnh.