Quản lý khách sạn: Tự làm hay nhượng quyền cho Tây

Tự quản lý vận hành hay nhượng quyền thương hiệu khách sạn, khu nghỉ dưỡng phụ thuộc vào mong muốn, tiềm lực và kinh nghiệm của mỗi chủ đầu tư để cân bằng bài toán lợi ích.

Ngày càng nhiều các khách sạn, khu nghỉ dưỡng của Việt Nam lựa chọn đơn vị quản lý vận hành nước ngoài. Ảnh: Hoàng Anh.

Ngày càng nhiều các khách sạn, khu nghỉ dưỡng của Việt Nam lựa chọn đơn vị quản lý vận hành nước ngoài. Ảnh: Hoàng Anh.

Bài toán tự vận hành

Mặc dù chiếm số lượng áp đảo trên thị trường là các khách sạn, khu nghỉ dưỡng hợp tác với đơn vị quản lý vận hành quốc tế, song theo bà Thu Lê, Tổng giám đốc Sovico Hospitality Group, ngày càng nhiều các chủ đầu tư trong nước có xu hướng tự quản lý vận hành các khách sạn, khu nghỉ dưỡng của mình.

Nhiều thương hiệu Việt đã định hình trong lĩnh vực khai thác vận hành khách sạn, khu nghỉ dưỡng có thể kể đến như Vinpearl, OCH Corporation, H&K Hospitality, FLC Hotels & Resorts, Crystal Bay Hospitality.

Không phủ nhận việc mang lại lợi ích lớn cho các dự án, song việc thuê đơn vị vận hành quốc tế cũng có những hạn chế nhất định.

Nỗi đau của nhà đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng

Theo đó, mỗi đơn vị quản lý vận hành ngoại sẽ có những tiêu chuẩn khác nhau về diện tích, quy mô phòng, không gian, tiện ích, dịch vụ, thiết kế nội thất, phong cách khách sạn.

Chính vì vậy, khi hợp tác với các đơn vị này, chủ đầu tư trong nước sẽ cần đảm bảo những tiêu chuẩn đầu tư rất khắt khe, đồng bộ mà đơn vị nhượng quyền thương hiệu đưa ra.

Điều này đồng nghĩa chủ đầu tư phải có nguồn tài chính rất lớn, không phải doanh nghiệp trong nước nào cũng đủ tiềm lực.

Mặt khác, theo bà Thu, trong quá trình hợp tác với đơn vị quản lý vận hành quốc tế, khả năng xảy ra những mâu thuẫn giữa hai bên là rất lớn. Quá trình hợp tác, cùng phát triển một dự án trong suốt thời gian dài là không dễ dàng. Điều này tiềm ẩn những nguy cơ gây tắc nghẽn, chông chênh trong công tác quản lý vận hành.

Trong khi đó, lợi thế của việc tự vận hành là các dự án rất linh hoạt, hiểu thói quen, sở thích của khách du lịch để phục vụ, thay vì tuân thủ theo các quy định quản lý chặt chẽ có phần cứng nhắc của đơn vị quốc tế.

Một yếu tố khác khi nhượng quyền thương hiệu là lợi nhuận của chủ đầu tư sẽ phải chia sẻ cho đơn vị quản lý. Việc tự quản lý cũng giúp chủ đầu tư dự án có sự chủ động trong phát triển, tối ưu hóa được doanh thu và lợi nhuận, không có sự chia sẻ cho bên thứ ba.

Nhượng quyền thương hiện vẫn là xu hướng

Mặc dù có sự xuất hiện của nhiều khu nghỉ dưỡng, khách sạn tự quản lý vận hành, song có thể thấy một thực tế là con số này vẫn hoàn toàn "lép vế" so với các thương hiệu ngoại.

Nhiều năm qua, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam đã chứng kiến mức độ gia tăng nhanh chóng của các dự án. Trong đó, phần lớn các dự án cao cấp 5 sao đều do các tập đoàn nổi tiếng trên thế giới quản lý, vận hành.

Các thương hiệu quản lý vận hành nổi tiếng thế giới như Wyndham Hotels and Resorts, Accor Hotels, Intercontinental Hotels Group, Hilton Worldwide, Absolute Hotels Services... đều đã gia nhập thị trường Việt Nam. Ngày càng nhiều các khách sạn, khu nghỉ dưỡng của Việt Nam lựa chọn đơn vị quản lý vận hành nước ngoài.

Lý giải cho xu hướng này, ông Eudo Chan, Giám đốc phát triển Wyndham Hotels & Resorts cho rằng, đây sẽ là xu hướng đang phát triển mạnh mẽ tại trong nước và trên thế giới.

Xắn tay xốc lại du lịch Phú Quốc

Khi nhượng quyền thương hiệu, các khách sạn Việt sẽ được các đơn vị quản lý vận hành quốc tế đồng hành cùng các chủ đầu tư từ khâu thiết kế, xây dựng dự án, đến hoàn thiện quy trình vận hành, đào tạo nhân sự, kiểm duyệt chất lượng, chăm sóc khách hàng, quảng cáo thương hiệu...

Thay vì tự làm, thiếu đồng bộ, các khu nghỉ dưỡng, khách sạn của Việt Nam sẽ được áp dụng quy trình chuẩn hóa, mang đến trải nghiệm tầm cỡ quốc tế cho khách hàng.

Đặc biệt, khi hợp tác với các thương hiệu quản lý quốc tế, các khách sạn Việt sẽ được hưởng lợi thế từ hệ thống khách hàng toàn cầu. Gắn thương hiệu quốc tế cho khách sạn là một trong những yếu tố hấp dẫn khách thuê, do mỗi thương hiệu đã có sẵn một lượng khách hàng trung thành.

Từ đó, việc lựa chọn "đứng trên vai người khổng lồ" sẽ giúp hoạt động kinh doanh của khách sạn, khu nghỉ dưỡng đó được đảm bảo bền vững.

Đây chính là yếu tố khiến sự xuất hiện của các thương hiệu quản lý khách sạn quốc tế đã giúp thị trường du lịch nghỉ dưỡng Việt Nam được nâng tầm, cạnh tranh với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Đầu năm 2022, một ông lớn trong lĩnh vực nghỉ dưỡng là Vinpearl đã hợp tác chuyển giao quyền quản lý 12 khách sạn, khu nghỉ dưỡng cho Melía Hotels International ít nhất trong 10 năm. Công ty này cho biết, việc hợp tác với Tập đoàn khách sạn Melía nằm trong chiến lược nâng tầm và quốc tế hóa thương hiệu Vinpearl trong lĩnh vực khách sạn – nghỉ dưỡng.

Bên cạnh lượng khách, sự hợp tác với đơn vị vận hành quốc tế cũng giúp mang lại doanh thu tốt hơn cho khu nghỉ dưỡng.

Theo Savills Việt Nam, các sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng được quản lý, vận hành bởi các thương hiệu danh tiếng luôn có giá bán bình quân cao hơn 31%, giá chào thuê phòng cũng cao hơn từ 30-50% so với dự án khác. Do vậy, các bất động sản nghỉ dưỡng sẽ trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư.

Doanh nghiệp phát triển dự án bất động sản nghỉ dưỡng không chỉ thu hút được khách du lịch đến lưu trú mà còn dễ nương theo thương hiệu nước ngoài để truyền thông, bán bất động sản.

Theo bà Uyên Nguyễn, Trưởng bộ phận tư vấn Savills Hotels Châu Á - Thái Bình Dương, các nhà đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng trước khi xuống tiền luôn tìm hiểu rất kỹ lưỡng về dự án và đơn vị phát triển, vận hành kinh doanh sau này.

Nhà đầu tư cần quan tâm đến khả năng vận hành kinh doanh của dự án vì đây là yếu tố ảnh hưởng đến thu nhập tương lai và khả năng sinh lời của khoản đầu tư. Người mua cần biết đơn vị vận hành, thương hiệu của dự án, cấu trúc hợp tác cho thuê, các tiện ích cung cấp.

Chính vì vậy, các dự án có đơn vị quản lý vận hành nước ngoài sẽ là yếu tố khiến nhà đầu tư tin tưởng, lựa chọn đầu tư.

Tuy nhiên, ông Eudo cũng thừa nhận rằng, việc tự quản lý vận hành hay nhượng quyền thương hiệu đều có những điểm mạnh và yếu riêng. Việc thuê đơn vị quản lý vận hành nước ngoài hay không tùy thuộc vào mong muốn, tiềm lực, kinh nghiệm của mỗi chủ đầu tư để cân bằng bài toán lợi ích của mỗi dự án. Câu chuyện nhượng quyền thương hiệu không dành cho tất cả các doanh nghiệp.

Theo bà Thu, việc thuê đơn vị quản lý vận hành chỉ phù hợp với các chủ đầu tư nhỏ, chưa có nhiều tên tuổi trên thị trường, nhằm nương vào thương hiệu quốc tế để hấp dẫn du khách.

Trong khi đó, các chủ đầu tư có tiềm lực, giàu kinh nghiệm hiện đang có xu hướng tự quản lý các khách sạn, khu nghỉ dưỡng của mình.

Phương Linh

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/quan-ly-khach-san-tu-lam-hay-nhuong-quyen-cho-tay-1700351404122.htm