Quản lý kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ và phòng, chống dịch bệnh động vật
Ngày 31/7, Sở NN&PTNT có văn bản gửi UBND các huyện, thành phố về việc tăng cường các biện pháp quản lý kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ và phòng, chống dịch (PCD) bệnh động vật.
Sở NN&PTNT cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn tỉnh xuất hiện một số loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên gia súc, gia cầm, song đã được kiểm soát, góp phần ổn định phát triển chăn nuôi. Tuy nhiên, thời gian gần đây, theo báo cáo của một số địa phương đang có hiện tượng mua bán lợn giống trên môi trường mạng (người mua và người bán không biết nhau; liên hệ qua zalo, facebook hoặc sim rác, con giống không có nguồn gốc rõ ràng, hình thức thanh toán tiền qua trung gian thuê vận chuyển,… dẫn đến nguy cơ làm gia tăng lây lan dịch bệnh động vật trên địa bàn). Một số cơ sở đã tái phát bệnh dịch tả lợn Châu Phi do mua phải lợn giống bị bệnh về nuôi.
Để tăng cường các biện pháp quản lý kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ và PCD bệnh động vật, Sở NN&PTNT đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị liên quan, chính quyền cơ sở tiếp tục thực hiện các nội dung của Kế hoạch số 228/KH-UBND, ngày 29/11/2022 của UBND tỉnh triển khai công tác PCD bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản năm 2023, trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 15/2021/QĐ-UBND, ngày 24/5/2021 của UBND tỉnh quy định về kiểm soát giết mổ động vật trên cạn; kinh doanh, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch số 131/KH-UBND, ngày 7/9/2020 của UBND tỉnh về phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, giai đoạn 2020-2025. Trong đó chú trọng nguyên tắc nuôi tái đàn và yêu cầu nuôi tái đàn lợn; kiểm soát vận chuyển, buôn bán lợn để nuôi thương phẩm; kiểm soát giết mổ lợn và tiêu thụ các sản phẩm từ lợn.
Chủ động các biện pháp PCD bệnh xâm nhập vào địa bàn, thường xuyên kiểm tra tình hình dịch bệnh tại các khu vực trọng điểm chăn nuôi gia súc, gia cầm, nơi có ổ dịch cũ và có nguy cơ phát sinh dịch nhằm phát hiện sớm các ổ dịch để xử lý kịp thời, hiệu quả, không để dịch bệnh lây lan diện rộng.
Tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; tổ chức ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép, không rõ nguồn gốc; chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật, chế biến các sản phẩm động vật không bảo đảm yêu cầu về PCD bệnh, an toàn thực phẩm từ các địa phương khác vào địa bàn.
Tổ chức, cá nhân chăn nuôi phải kê khai với chính quyền cơ sở trước khi thực hiện việc nuôi tái đàn, tăng đàn theo quy định của Luật Chăn nuôi; hướng dẫn người chăn nuôi thường xuyên vệ sinh, khử trùng, tiêu độc tại các cơ sở chăn nuôi và môi trường bằng các loại hóa chất sát trùng, vôi bột nhằm tiêu diệt mầm bệnh; thực hiện các biện pháp PCD theo quy định… Không kinh doanh, buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm nhập lậu; không buôn bán, giết mổ động vật, sản phẩm động vật bị bệnh để chế biến làm thực phẩm; không vứt xác động vật ra ngoài môi trường làm phát sinh lây lan dịch bệnh…