Quản lý kinh doanh đa cấp còn khó khăn, bất cập
ĐBP - Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 12 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp được xác nhận đang hoạt động; trong đó không có doanh nghiệp nào có trụ sở trên địa bàn tỉnh. Người tham gia bán hàng đa cấp khoảng 3.133 người. Doanh thu hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn tỉnh trong năm 2020 là trên 29 tỷ đồng; tổng hoa hồng, tiền thưởng trả cho nhà phân phối là 5,15 tỷ đồng. Tuy nhiên, công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động này còn gặp một số khó khăn do các văn bản pháp luật còn nhiều bất cập. Mạng lưới những người tham gia hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn rộng và phân bổ rải rác; nhận thức của nhiều người tham gia hoạt động bán hàng đa cấp còn hạn chế. Đa số người thực hiện bán hàng đa cấp trên địa bàn tỉnh là người đại diện cho doanh nghiệp, được doanh nghiệp cử đi bán, khi có vấn đề liên quan thì người đủ tư cách pháp nhân, chịu trách nhiệm giải quyết công việc lại không có mặt tại địa phương.
Thông tin từ Sở Công Thương, việc quản lý hoạt động bán hàng đa cấp được áp dụng theo quy định tại Nghị định số 40/2018/NĐ-CP ngày 12/3/2018 của Chính phủ. Qua thời gian áp dụng đã bộc lộ một số khó khăn, bất cập trong chính sách quản lý Nhà nước về lĩnh vực này. Đặc biệt, khi người dân tham gia vào mạng lưới của hoạt động bán hàng đa cấp gặp các vấn đề khó khăn cần giải quyết thì người đại diện cho công ty đa cấp ở địa phương không có thẩm quyền giải quyết. Trong khi đó một số quy định tại Nghị định khi áp dụng vào thực tế chưa phù hợp, gây khó khăn cho cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương. Cụ thể, theo Khoản 1, Điều 3, Nghị định 40 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp thì “Kinh doanh theo phương thức đa cấp là hoạt động kinh doanh…”. Trong khi đó, theo Khoản 16, Điều 4, Luật Doanh nghiệp 2014 thì: “Kinh doanh là việc thực hiện liên tục một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình đầu tư, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi”. Quy định trên khiến cơ quan chức năng gặp lúng túng khi xác định các hoạt động huy động vốn (trong hoạt động kinh doanh đa cấp) có hay không phải là hoạt động kinh doanh do các hoạt động này nằm ngoài phạm vi “từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ”. Bên cạnh đó, việc xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này theo quy định tại Nghị định số 141/2018/NĐ-CP ngày 8/10/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp cũng gặp vướng mắc. Cụ thể, Nghị định này không có quy định nào về xử phạt đối với những hành vi kinh doanh theo phương thức đa cấp bị cấm, bao gồm những hành vi như huy động vốn, cho vay, mua bán ngoại tệ, “tiền ảo”… theo phương thức đa cấp.
Thực tế từ những bất cập, vướng mắc, một số doanh nghiệp và cá nhân đã lợi dụng kẽ hở của pháp luật, lợi dụng danh nghĩa hoạt động bán hàng đa cấp chân chính để biến tướng thành phương thức bán hàng đa cấp bất chính với nhiều hành vi và thủ đoạn tinh vi. Hậu quả là gây hoang mang trong dư luận xã hội và gây thiệt hại về tài sản cho người dân, gây khó khăn cho công tác quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực này.
Nhằm đảm bảo an ninh - trật tự và quyền lợi của người dân, tăng cường quản lý Nhà nước, đồng thời tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh theo phương thức đa cấp hoạt động theo đúng quy định, Sở Công Thương đã có kiến nghị Bộ Công Thương bổ sung vào dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung một số điều, như: Bổ sung điều kiện học vấn với người tham gia bán hàng đa cấp; bổ sung doanh nghiệp hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp tại địa phương bắt buộc phải có địa điểm, trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện; người đứng đầu trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện tại địa phương - nơi doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp phải là người có đầy đủ tư cách pháp nhân chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động.