Quản lý nhà nước đối với khoáng sản làm VLXD
kịp thời có công cụ quản lý nhà nước đối với các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng (VLXD), Bộ Xây dựng vừa có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm VLXD đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Bảo đảm phát triển bền vững, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, đáp ứng tối đa nhu cầu nguyên liệu sản xuất VLXD cho nền kinh tế.
Tổng hợp hai quy hoạch làm một
Trước khi Luật Quy hoạch có hiệu lực từ ngày 01/01/2019, trên cơ sở nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Xây dựng đã phê duyệt các nhiệm vụ liên quan đến quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm VLXD; quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam; quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm xi măng…
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, để phù hợp với Luật Quy hoạch, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ Xây dựng nghiên cứu, đưa một số nội dung cần thiết của dự thảo Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam vào Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm xi măng đến năm 2025 và định hướng đến năm 2035, để đảm bảo quản lý lĩnh vực xi măng chặt chẽ, cân đối cung cầu theo từng giai đoạn và sử dụng tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường.
Bộ Xây dựng đã có văn bản đề nghị và nhận được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ cho phép tổng hợp Quy hoạch khoáng sản làm xi măng và Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm VLXD thành Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm VLXD.
Hiện, đề cương lập Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm VLXD đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Bộ Xây dựng hoàn thành và đang xin ý kiến các Bộ, ngành và địa phương liên quan.
Tuy nhiên, theo quy định của Luật Quy hoạch (chưa có Nghị định hướng dẫn Luật này), thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm VLXD đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là của Thủ tướng Chính phủ.
Do đó, để đảm bảo có công cụ quản lý nhà nước đối với các loại khoáng sản làm VLXD thuộc danh mục các quy hoạch ngành quốc gia theo quy định của Luật Quy hoạch, Bộ Xây dựng đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm VLXD đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Nhiệm vụ chi tiết
Tại văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng gửi kèm đề cương chi tiết 02 nhiệm vụ: Lập Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm VLXD đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường chiến lược cho quy hoạch này, do Bộ Xây dựng là cơ quan thực hiện.
Một trong những mục tiêu của quy hoạch là: Các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến đá vôi xi măng, đất sét xi măng, phụ gia xi măng, cao lanh, fenspat, đất sét chịu lửa, đất sét trắng, cát trắng, đôlômit, đá ốp lát, đá vôi làm vôi,… bảo đảm phát triển bền vững, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, đáp ứng tối đa nhu cầu nguyên liệu sản xuất VLXD cho nền kinh tế.
Sản phẩm của quy hoạch bao gồm: Báo cáo chính, phụ lục và bản đồ. Trong đó, gồm 3 phụ lục: Phụ lục tổng hợp các mỏ tài nguyên khoáng sản làm VLXD cả nước; Tổng hợp các cơ sở chế biến khoáng sản làm VLXD; Phụ lục quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm VLXD cả nước đến năm 2030 và Phụ lục quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm VLXD cả nước đến năm 2050.
Việc lập Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược cho quy hoạch nhằm đánh giá những vấn đề còn mâu thuẫn giữa các nội dung của quy hoạch với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, đề xuất các biện pháp giảm thiểu tác động xấu đến môi trường trong quá trình thực hiện quy hoạch, từ đó kiến nghị việc thẩm định, phê duyệt quy hoạch.
Quá trình thực hiện đánh giá môi trường chiến lược theo Thông tư số 27/2015/BNMT của Bộ TN&MT, gồm: Khảo sát, thu thập các thông tin liên quan; Lấy mẫu môi trường một số vùng đặc trưng; Lập báo cáo mô tả tóm tắt nội dung quy hoạch, xác định phạm vi không gian, thời gian của môi trường chiến lược, điều kiện môi trường tự nhiên và kinh tế - xã hội, các quan điểm, mục tiêu về bảo vệ môi trường lựa chọn, đánh giá sự phù hợp của quy hoạch với quan điểm, mục tiêu bảo vệ môi trường, xác định những vấn đề môi trường chính, dự báo xu hướng các vấn đề môi trường chính trong trường hợp thực hiện/không thực hiện quy hoạch, nhận xét mức độ chi tiết, độ tin cậy và các vấn đề chưa chắc chắn của các dự báo, tổ chức tham vấn…
Sản phẩm là Báo cáo môi trường chiến lược và Quyết định phê duyệt môi trường chiến lược của Bộ TN&MT.
Thanh Nga
Theo
Link gốc: