Quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ: Sắp xếp các đề án theo hướng tinh gọn

Công tác quản lý nhà nước cũng như hành lang pháp lý về khoa học và công nghệ (KH&CN) đang từng bước đổi mới toàn diện và đồng bộ, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH&CN.

Chủ động tạo đột phá

Trên cơ sở Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 đã được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII thông qua, Bộ KH&CN đang xây dựng Chiến lược phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030. Trong đó, nhấn mạnh đến việc tháo gỡ các cản trở, vướng mắc từ cơ chế, chính sách kinh tế, đầu tư, thương mại, mua sắm công… đồng thời, khẳng định phải quan tâm xây dựng cơ chế vượt trội trong hoạt động KH&CN, đổi mới sáng tạo.

 Tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ

Tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ

Chiến lược cũng sẽ làm rõ vai trò và nội hàm của KH&CN và đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số. Khung chính sách và triển khai chính sách KH&CN, đổi mới sáng tạo được điều chỉnh để tăng cường hỗ trợ ứng dụng, áp dụng, hấp thụ công nghệ thay vì quá tập trung vào nghiên cứu và phát triển (R&D).

Ông Huỳnh Thành Đạt - Bộ trưởng Bộ KH&CN - cho biết, hiện nay các đơn vị chức năng của Bộ đang xây dựng cơ chế thí điểm khoán đến sản phẩm cuối cùng cho các nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước theo nguyên tắc tôn trọng đặc thù của hoạt động nghiên cứu cho phép thử và sai, chấp nhận rủi ro và độ trễ trong khoa học.

Cùng với đó, hiện nay Bộ KH&CN đang hoàn thiện tái cơ cấu các chương trình KH&CN quốc gia, không chỉ sắp xếp lại các chương trình cấp quốc gia mà còn đề xuất các giải pháp đổi mới cách thức triển khai nhiệm vụ KH&CN quốc gia, làm thế nào để đạt hiệu quả, thuận lợi nhất.

“Thời gian tới, các Sở KH&CN cần tiếp tục đề xuất các chính sách để các bộ, ngành trung ương xem xét ban hành; chủ động xây dựng các đề án đổi mới, sắp xếp lại hệ thống theo hướng gọn, đáp ứng được yêu cầu quản lý, khả năng hoạt động hiệu quả, thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao của ngành KH&CN” - Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nói.

Lan tỏa tinh thần đổi mới

Từ góc độ địa phương, ông Nguyễn Hồng Sơn - Giám đốc Sở KH&CN Hà Nội - chia sẻ, Hà Nội đang tập trung xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù của Thủ đô trong thúc đẩy việc ứng dụng, chuyển giao công nghệ, làm chủ công nghệ mới và hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp. Trước hết là các chính sách thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ mới, triển khai một số mô hình kinh tế mới, mô hình hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thu hút nguồn lực xã hội đầu tư cho KH&CN và đổi mới sáng tạo.

Ông Nguyễn Việt Dũng - Giám đốc Sở KH&CN TP. Hồ Chí Minh - cho hay, giai đoạn đầu của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (phát triển ý tưởng thành sản phẩm, hoàn thiện sản phẩm, ươm tạo, thử nghiệm sự phù hợp của sản phẩm với thị trường…) gần như không có nguồn lực tư nhân nào tham gia, đây cũng là giai đoạn thất bại nhiều nhất của các doanh nghiệp này, do đó nhà nước đóng vai trò hỗ trợ chính thông qua các tổ chức hỗ trợ và ươm tạo.

Trước vấn đề này, ông Hoàng Bá Nam, Giám đốc Sở KH&CN Quảng Ninh - cho rằng, có những vấn đề phải vượt qua những ràng buộc trong cơ chế hiện nay mới tạo ra đột phá. Thời gian tới, ngành KH&CN cần tiếp tục đi sâu vào cải cách thể chế, có thể thành lập Tổ công tác rà soát lại những thông tư, nghị định, văn bản dưới luật…

Theo thống kê của các Sở KH&CN, trong giai đoạn 2016-2020, các địa phương đã triển khai thực hiện trên 2.732 nhiệm vụ KH&CN các cấp. 70% kinh phí sự nghiệp KH&CN từ ngân sách nhà nước được các địa phương dành cho nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ.

Nga Nguyễn

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/quan-ly-nha-nuoc-ve-khoa-hoc-va-cong-nghe-sap-xep-cac-de-an-theo-huong-tinh-gon-156145.html