Quản lý ô nhiễm không khí, loay hoay đến bao giờ?
Những ngày đầu tháng 3, Hà Nội trở thành một trong những thành phố ô nhiễm nhất thế giới với chỉ số AQI luôn ở mức nguy hại. Kết quả nghiên cứu cho thấy, có tới 29/30 quận, huyện, thị xã có nồng độ bụi PM 2.5 trung bình năm vượt quy chuẩn quốc gia.
Một nghiên cứu giai đoạn 2011- 2015, ô nhiễm không khí khiến mỗi năm hơn 1.000 ca nhập viện do bệnh tim mạch và gần 3.000 ca nhập viện do bệnh hô hấp, gây thiệt hại về kinh tế cho thành phố hàng nghìn tỷ đồng.
Ô nhiễm không khí gia tăng, lo ngại sức khỏe
Chị Bảo Ngọc có tiền sử bị bệnh xoang nhưng do đặc thù công việc thường xuyên phải di chuyển ngoài đường và cảm nhận rất rõ ảnh hưởng của sự gia tăng ô nhiễm không khí đến sức khỏe bản thân và gia đình: "Trong những ngày gần đây, khi chất lượng không khí báo xấu thì tần suất tái phát bệnh xoang cao hơn, cũng như mức độ khó thở nhiều hơn ngày xưa. mình khá lo lắng. Chính vì thế bản thân mình cũng phải thường xuyên để ý sức khỏe đeo khẩu trang mỗi khi ra ngoài".
Trong khi đó, mặc dù học đại học ở Hà Nội gần 1 năm nhưng chị Diệu Thùy, sinh viên trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn vẫn chưa thể thích nghi hoàn toàn với chất lượng không khí ở thủ đô.
Sau mỗi lần ở quê ra Hà Nội, chị Diệu Thùy thường bị ốm mất mấy ngày: "Hà Nội ô nhiễm không khí khiến việc ra ngoài đường hay sinh hoạt bình thường gặp nhiều ảnh hưởng hơn nhất là đến da, đến đường hô hấp, xoang, phổi. Chất lượng không khí ở Hà Nội khác biệt rất lớn so với ở quê, ở Hà Nội nếu bỏ khẩu trang ra đi không được thoải mái lắm".
Theo các chuyên gia, tình trạng mây mờ xuất hiện ở Hà Nội là hiện tượng sương mù dày đặc và nồng độ bụi PM 2.5 cũng ở mức cao. Điều này khiến nhiều người dân phải tìm hiểu các thông tin về chất lượng không khí qua các bản tin thời tiết hoặc trên mạng xã hội trước khi ra khỏi nhà:
"Mấy ngày hôm nay, mình thấy rất khó chịu bởi chất lượng không khí bị ô nhiễm, đường lúc nào cũng trắng mờ. Mỗi lần chạy grap nhiều giờ ngoài đường, cảm thấy rất khó thở, đường hô hấp khó chịu nên mong các cơ quan chức năng quan tâm đến chất lượng không khí của Hà Nội hơn nữa".
"Ngày càng ô nhiễm nhiều hơn, bởi vì càng nhiều xe ô tô càng ô nhiễm. Nhìn phía đằng trước, thấy khói mờ, không khí đâu được tốt như ở vùng quê. Tôi ít ra đường lắm, khói bụi nhiều, ra đường phải đeo khẩu trang".
Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2026-2020 đã cho thấy, nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm của thành phố Hà Nội giai đoạn 2018-2020 vượt khoảng gần 2 lần quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, số ngày có chỉ số chất lượng không khí ở mức kém và xấu năm 2019 chiếm tỷ lệ 30,5% tổng số ngày quan trắc
Còn Báo cáo Hiện trạng bụi PM2.5 giai đoạn 2019-2020 sử dụng dữ liệu đa nguồn, có tới 29/30 quận, huyện thị xã có nồng độ bụi PM 2.5 trung bình năm vượt quy chuẩn quốc gia.
Thạc sỹ. Bác sĩ Vũ Văn Thành, công tác tại Bệnh viện phổi Trung ương cho biết, cơ thể con người có thể bị ảnh hưởng nếu tiếp xúc thường xuyên và lâu dài đối với những hạt bụi mịn có kích thước nhỏ PM2.5: "Các hạt bụi mịn rất phức tạp, khác nhau về kích thước, bản chất hóa học. Bụi từ khí thải xe hơi, từ các nhà máy công nghiệp. Tùy theo phản ứng hóa học đó là chất gì, hợp chất khác nhau nên tác động hoàn toàn khác nhau. Trong môi trường có thể hòa quyện của tất cả. Những hạt bụi mịn từ PM 2.5 đcó thể đi sâu vào tận phế nang, tác động sâu đến toàn bộ tổ chức kẽ, tổ chức phổi".
Một nghiên cứu đã chỉ ra, ô nhiễm không khí là một trong 5 yếu tố hàng đầu gây đầu gây ra gánh nặng bệnh tật và tử vong sớm. Trong năm 2019, phơi nhiễm với PM2.5 gây ra 37.457 ca tử vong sớm tại Việt Nam, tương đương 38,87 ca trên 100.000 dân.
Còn theo nghiên cứu của Đại học y tế Công cộng, năm 2019, Hà Nội có gần 2.900 ca tử vong sớm do ô nhiễm bụi PM 2.5. Bên cạnh gánh nặng về bệnh tật và tử vong sớm, ô nhiễm không khí còn gây ra thiệt hại về kinh tế do phải chi trả chi phí khám chữa bệnh, tương đương khoảng 2 nghìn tỷ đồng/ năm cho giai đoạn 2011-2015.
Đầu tư thêm hệ thống quan trắc
TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho rằng, tình trạng ô nhiễm không khí những ngày gần đây có cả yếu tố sương mù và hệ quả của quá trình đô thị hóa, phát triển kinh tế- xã hội. Hiện tượng sương mù là yếu tố tự nhiên rất khó kiểm soát, do vậy để cải thiện chất lượng không khí, Hà Nội cần tập trung vào những giải pháp giảm nồng độ bụi PM 2.5: "Các cấp, các ngành phải kiểm soát tốt các nguồn phát thải, kiểm soát tốt các cơ sở sản xuất công nghiệp, đặc biệt những cơ sở không tuân thủ quy định Luật bảo vệ môi trường, người ta không có các thiết bị xử lý khí thải. Ngoài ra, đẩy mạnh phát triển giao thông xanh, tăng cường các hệ thống giao thông công cộng;đi bộ nhiều hơn, thu gom và xử lý rác tốt hơn".
Giao thông là một trong những nguồn phát thải chính gây ô nhiễm không khí, nhất là ở các đô thị lớn như Hà Nội và Tp.HCM có hàng chục triệu phương tiện cá nhân. Dẫn chứng về kinh nghiệm của Thái Lan, Đài Loan trong kiểm soát khí thải phương tiện, ThS. Đinh Trọng Khang, Giám đốc chuyên ngành Môi trường, Viện Khoa học Công nghệ GTVT cho rằng bên cạnh việc chuẩn bị nguồn lực và đẩy mạnh tuyên truyền, ần xây dựng những chính sách để kiểm soát nguồn thải này: "Các chính sách về kiểm định khí thải, xe máy thì trước hết là phải quy định trong luật. Thứ hai nữa là xây dựng các chính sách rất cụ thể. Ví dụ như tiêu chuẩn về khí thải, về tiêu chuẩn về trạm kiểm định, tiêu chuẩn về thiết bị, tiêu chuẩn về nhân lực, các chính sách hỗ trợ cho người có thu nhập thấp, các chính sách xử lý chế tài các xe mà vi phạm về khí thải ... nhất là về chính sách thì sẽ có rất nhiều các chính sách cần phải cụ thể quá trình thực hiện mới có thể triển khai được".
Giáo sư Hoàng Xuân Cơ, hiện đang công tác tại Hội kinh tế môi trường Việt Nam cho rằng, hiện nay, Hà Nội có ít các trạm quan trắc chất lượng không khí chuẩn và dữ liệu về chất lượng không khí chưa đầy đủ nên rất khó để đưa ra những cảnh báo kịp thời cho người dân. Trong khi đó, một số tỉnh như Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Dương đã đầu tư số lượng trạm chuẩn nhiều hơn. Bởi vậy trong thời gian tới, để kiểm soát ô nhiễm không khí, đòi hỏi chính quyền thành phố cần quan tâm, đầu tư xây dựng nhiều hơn đến việc nghiên cứu về chất lượng không khí cũng như đầu tư thêm các trạm quan chắc không khí.
"Chất lượng không khí Hà Nội suy giảm, nhưng chất lượng không khí của Hà Nội phụ thuộc vào nhiều tỉnh xung quanh, thậm chí nước ngoài. Do vậy, các giải pháp mang tính tổng thể, liên tỉnh, mỗi một tỉnh phải có những kế hoạch, ý thức kiểm soát ô nhiễm", Giáo sư Hoàng Xuân Cơ nói.
Tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội diễn ra từ nhiều năm nay. Trong cuộc họp mới đây của thành phố Hà Nội về quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã chỉ ra một trong 5 điểm nghẽn phát triển của thành phố là ô nhiễm không khí đáng báo động. Thời gian tới, chính quyền thành phố Hà Nội cần có thêm nhiều giải pháp mạnh mẽ, đồng bộ hơn nữa để kiểm soát và quản lý chất lượng không khí.
Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/quan-ly-o-nhiem-khong-khi-loay-hoay-den-bao-gio-post1085485.vov