Quản lý rác thải điện tử: Nước sắp đến chân
Mặc dù những tiến bộ khoa học mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế và bảo vệ môi trường, song nó cũng đặt ra nhiều thách thức đối với quá trình xử lý rác thải điện tử.
Mục tiêu đẩy nhanh quá trình số hóa nền kinh tế và thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo đã đặt ra thách thức lớn cho các quốc gia trên toàn cầu trong việc quản lý, tái chế rác thải điện tử một cách hiệu quả.
Chất thải điện tử được đề cập đến là các thiết bị và linh kiện điện tử bị loại bỏ khi hết thời gian sử dụng. Những sản phẩm này thường chứa các chất gây nguy hiểm như chì, thủy ngân, cadmium và chất chống cháy brom.
Theo quy định tại Malaysia, có 6 loại sản phẩm được định nghĩa là rác thải điện tử, bao gồm điện thoại di động, máy tính/máy tính xách tay, vô tuyến, điều hòa, tủ lạnh và máy giặt/máy sấy. Rác thải điện tử nếu không được xử lý có thể sẽ gây ô nhiễm nguồn nước, không khí và đất. Ngoài ra, chất độc cũng có thể xâm nhập vào hệ thực vật, làm tăng nguy cơ ung thư, tổn thương thận, cũng như các bệnh về đường hô hấp.
Các chuyên gia Jason Loh và Juhi Todi tại trung tâm nghiên cứu EMIR ở Malaysia cho rằng do những tác động tiêu cực đến môi trường và sức khỏe của người dân, nhiều quốc gia đã đẩy mạnh xuất khẩu rác thải điện tử. Hàng năm, khoảng 60–90% rác thải điện tử được vận chuyển trái phép đến các nước đang phát triển hoặc kém phát triển.
Hiện nay, ngày càng nhiều công ty trên toàn cầu tuân theo các quy định của Tiêu chuẩn ESG (Môi trường – Xã hội – Quản trị, là cơ sở để nhận biết các công ty có trách nhiệm xã hội), qua đó hướng tới việc thiết lập một nền kinh tế bền vững.
Tuy nhiên, mục tiêu số hóa và phát triển năng lượng xanh đã khiến số lượng các linh kiện điện tử, thiết bị công nghệ được sản xuất ngày càng nhiều, từ đó gây tác động tiêu cực đến môi trường nếu không được xử lý hoặc quản lý phù hợp. Mặc dù những tiến bộ khoa học mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế và bảo vệ môi trường, song nó cũng đặt ra nhiều thách thức đối với quá trình xử lý rác thải điện tử.
Theo bà Teh Chai Peng, Giám đốc điều hành công ty công nghệ thông tin Complete Human Network (CHN), trên toàn cầu hiện có 420,3 triệu tấn rác thải điện tử, chủ yếu là các thiết bị công nghệ đã lỗi thời và Malaysia cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc xử lý khoảng 365.000 tấn rác thải được tạo ra hàng năm.
Tuy nhiên, chỉ có khoảng 20% rác thải điện tử được tái chế. Bên cạnh đó, mặc dù chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong việc thu gom, cũng như ban hành Quy định về Chất lượng môi trường, song những nỗ lực này chỉ chủ yếu tập trung vào việc giải quyết số lượng rác thải điện tử hiện có. Điều này cho thấy Malaysia cần có những biện pháp chủ động hơn để hạn chế rác thải điện tử được tạo ra trong tương lai, đặc biệt là ngay tại các doanh nghiệp - nguồn gây ra rác thải điện tử chính.
Vấn đề toàn cầu
Ông Chang Kwok Boon, Giảng viên tại Đại học Quản lý và Công nghệ Tunku Abdul Rahman (TAR UMT) ở Malaysia, cho hay hợp tác quốc tế là biện pháp rất quan trọng hiện nay do đây là vấn đề mang tích chất toàn cầu. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi các nước tăng cường hợp tác quốc tế liên quan đến Sáng kiến Phát triển Toàn cầu (GDI), nhằm đạt được 17 Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) trong Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Hai lĩnh vực trọng tâm chính theo GDI là số hóa và phát triển xanh và mục tiêu này phù hợp với Kế hoạch Malaysia lần thứ 12. Tuy nhiên, phát triển xanh không chỉ nhấn mạnh vào việc sử dụng năng lượng tái tạo mà cũng ưu tiên đến việc quản lý hiệu quả rác thải điện tử.
Theo thông tin từ Cổng thống kê dữ liệu Statista năm 2019, rác thải điện tử đã tăng khoảng 60% trong thập kỷ qua và không có dấu hiệu chậm lại do quá trình số hóa đang phát triển nhanh chóng. Dự kiến đến năm 2030, số lượng rác thải điện tử hàng năm ước tính đạt tới 75 triệu tấn. Do đó, Trung Quốc có thể hợp tác với Malaysia để chia sẻ thông tin về thực trạng, công nghệ và kinh nghiệm nhằm cải thiện hệ thống quản lý chất thải điện tử.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã tích cực thúc đẩy phát triển xanh, tăng cường khả năng tiếp cận nguồn vốn cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Theo số liệu từ Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương), tính đến năm 2022, nước này đã giải ngân khoản vay lên tới 18.070 tỷ nhân dân tệ (2.710 tỷ USD) cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phát triển xanh. Theo đó, Malaysia và Trung Quốc cần tăng cường hợp tác quốc tế, đặc biệt là trong việc tận dụng nguồn tài chính để giải quyết tình trạng rác thải điện tử nhằm hướng tới mục tiêu chuyển đổi xanh.
Yếu tố then chốt
Để quản lý rác thải điện tử hiệu quả, điều quan trọng là các doanh nghiệp cần nâng cao trách nhiệm trong mua sắm trang thiết bị. Nhiều tổ chức ở Malaysia đang phải đối mặt với tình trạng dư thừa khi nhiều nhóm độc lập mua các thiết bị tương tự nhau, dẫn đến việc tích lũy sản phẩm dư thừa và từ đó tạo ra nhiều rác thải điện tử hơn.
Bên cạnh đó, các công ty sản xuất xe điện (EV) của Malaysia đang phát triển nhanh chóng và điều này đồng nghĩa với việc cần phải có quy định, phương pháp tái chế, quản lý rác thải điện tử hiệu quả, đặc biệt là đối với pin lithium đã hết thời hạn sử dụng. Khi xe điện trở nên phổ biến hơn trong những năm tới và hầu hết các nhà sản xuất đều cung cấp bảo hành pin khoảng 8 năm, Malaysia cần phải chuẩn bị các phương án tái chế, xử lý rác thải điện tử phù hợp.
Để giải quyết vấn đề này, các doanh nghiệp nên ưu tiên mua hàng tại các nhà sản xuất tuân thủ các nguyên tắc Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR). Đây là sáng kiến để quản lý rác thải điện tử, được khuyến nghị theo Công ước Basel về kiểm soát vận chuyển qua biên giới các phế thải nguy hiểm và việc tiêu hủy chúng. EPR quy định rằng các nhà sản xuất và nhập khẩu hàng điện tử phải chia sẻ trách nhiệm thu gom và xử lý hàng hóa, đồng thời khuyến khích các nhà sản xuất tạo ra những sản phẩm có tuổi thọ cao hơn, đồng thời sử dụng các nguyên vật liệu có thể được xử lý và tái chế hiệu quả.
EPR đã được triển khai thành công ở nhiều quốc gia phát triển. Năm 2022, Nhật Bản đã triển khai chương trình thu hồi rác thải điện tử, trong đó người tiêu dùng phải trả phí thu gom và tái chế rác thải điện tử bắt buộc khi mua hàng hóa. Malaysia cũng nỗ lực triển khai nhiều chính sách theo khuôn khổ EPR, trong đó quy định người bán sẽ gửi phí xử lý rác thải đến Bộ Môi trường, sau đó số tiền này sẽ được phân bổ lại cho các trung tâm thu gom rác thải dưới hình thức trợ cấp.
Rào cản lớn
Một cuộc khảo sát tại thành phố Shah Alam, bang Selangor cho thấy 43% số người được hỏi không biết rác thải điện tử là gì và phần lớn cũng không biết cách xử lý an toàn loại rác thải này. Hầu hết các chương trình của Ủy ban Truyền thông và Đa phương tiện Malaysia (MCMC) và Bộ Môi trường đều tập trung vào người dân ở các khu vực thành thị. Tính đến tháng 5/2021, ứng dụng MyEwaste dùng để tìm các trung tâm thu gom rác thải chỉ được tải xuống 449 lần. Điều này cho thấy ứng dụng này chỉ được một bộ phẩn nhỏ người dân biết tới, dẫn đến chỉ có 5% người tiêu dùng tại Malaysia xử lý rác thải đúng cách (gửi đi tái chế hoặc trả lại nhà sản xuất), 57% vứt cùng các loại rác thải khác hoặc cất vào kho.
Hiện nay, người tiêu dùng đang tạo ra nhiều rác thải điện tử hơn do nhu cầu sử dụng các sản phẩm công nghệ ngày càng tăng, đặc biệt là khi họ phải làm việc tại nhà trong thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát. Chính phủ và các doanh nghiệp cần hợp tác để thành lập các trung tâm thu gom rác thải điện tử để người dân ở cả khu vực thành thị và nông thôn dễ dàng tiếp cận.
Malaysia có 195 trung tâm thu gom rác thải điện tử, song được phân bố không đều ở trong cả nước. Đáng chú ý, đảo Labuan, bang Sabah không có trung tâm thu gom rác thải điện tử, gây khó khăn cho người tiêu dùng trong việc vứt bỏ các thiết bị và linh kiện không sử dụng. Việc nâng cao nhận thức trong cộng đồng về tầm quan trọng của quản lý chất thải điện tử là rất cần thiết. Mặc dù một số trung tâm thương mại đã cung cấp các thùng tái chế, song người dân thường không quan tâm và vứt vào đó những món đồ không phải là rác thải điện tử. Trong thời gian tới, Malaysia cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục để người dân hiểu được hậu quả của việc vứt rác không đúng quy định, đồng thời khuyến khích họ tham gia vào các chương trình tái chế, đặc biệt là liên quan đến rác thải điện tử.
Bên cạnh đó, các quốc gia đang phát triển, trong đó có Malaysia đang gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý chất thải điện tử do cần nguồn vốn lớn cùng công nghệ hiện đại, dẫn đến tình trạng các cơ sở xử lý bất hợp pháp ngày càng phát triển. Chính phủ Malaysia đã nỗ lực giải quyết tình trạng này, song sự thành công còn phụ thuộc nhiều vào nhận thức của người tiêu dùng, trong đó có việc không bán cho các cơ sở tái chế bất hợp pháp hay xử lý rác thải đúng cách.
Tương lai bền vững
Theo ông Chang Kwok Boon, để hỗ trợ các nỗ lực phát triển bền vững, Trung Quốc đã ban hành hướng dẫn tài chính xanh, trong đó kêu gọi các ngân hàng và công ty bảo hiểm tạo điều kiện thuận lợi cho những nhà khai thác chất thải điện tử có thể dễ dàng tiếp cận nguồn vốn để mở rộng hoạt động. Ngoài ra, Chính phủ Malaysia cũng có thể cung cấp các ưu đãi, miễn giảm thuế cho những doanh nghiệp quản lý chất thải điện tử mới thành lập. Ngoài ra, việc đảm bảo nguồn vốn cũng khuyến khích các doanh nghiệp thành lập trung tâm thu gom trên toàn quốc, qua đó giúp người dân tăng cường khả năng tiếp cận cũng như nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc quản lý chất thải điện tử hiệu quả.
Cuối cùng, thông qua việc thúc đẩy quản lý và tái chế chất thải điện tử có trách nhiệm, các quốc gia trên thế giới có thể đảm bảo vừa tận dụng được lợi ích từ việc số hóa và phát triển năng lượng bền vừng, vừa đảm bảo không gây hại cho môi trường cũng như sức khỏe của con người. Ngoài ra, điều này còn tạo ra các cơ hội kinh doanh mới, trong đó có việc thu hồi và tái chế các nguồn tài nguyên quý giá từ các thiết bị điện tử không sử dụng.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/quan-ly-rac-thai-dien-tu-nuoc-sap-den-chan/320754.html