Quản lý rừng - Cần đề xuất chính sách thúc đẩy cộng đồng hợp tác

Việt Nam có 6.858.735 ha rừng đặc dụng và phòng hộ chiếm khoảng 46.7% tổng diện tích rừng trên toàn quốc. Việc bảo vệ những diện tích rừng này hơn bao giờ hết chính là bảo vệ sinh kế của hàng triệu con người sống bên trong và xung quanh những khu rừng

Tất cả đất đai và mọi tài nguyên thiên nhiên đều thuộc sở hữu của toàn dân do nhà nước Việt Nam đại diện và thống nhất quản lý. Tuy nhiên, nhà nước công nhận quyền sử dụng lâu dài, có thể chuyển nhượng được đối với cả đất đai và tài nguyên.

Mới đây, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ tổ chức Hội nghị chuyên đề “Hợp tác quản lý rừng ở Việt Nam: Thực tiễn và phát triển”.

Nhà nước công nhận quyền sử dụng lâu dài, có thể chuyển nhượng được đối với cả đất đai và tài nguyên. (Ảnh minh họa)

Nhà nước công nhận quyền sử dụng lâu dài, có thể chuyển nhượng được đối với cả đất đai và tài nguyên. (Ảnh minh họa)

Ông Vũ Thanh Liêm, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khai mạc Hội nghị cho biết: Hợp tác quản lý/đồng quản lý được xem là một trong những giải pháp hữu hiệu trong việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ở Việt Nam. Đây là hình thức hợp tác, liên kết tự nguyện giữa Ban quản lý rừng, Công ty lâm nghiệp Nhà nước với cộng đồng hoặc giữa các thành viên trong cộng đồng nhằm tạo sinh kế cho người dân, đồng thời vẫn bảo vệ, phục hồi được nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Cả nước theo thống kê có 167 Ban quản lý rừng đặc dụng được giao quản lý 2.175.082 ha rừng; 216 Ban quản lý rừng phòng hộ được giao 3.059.535 ha rừng; 112 công ty lâm nghiệp nhà nước và một số công ty, doanh nghiệp được giao 1.688.803 ha rừng sản xuất; trên 1 triệu hộ gia đình hộ gia đình, cá nhân trong nước được giao 3.101.858 ha rừng, chủ yếu là rừng sản xuất; khoảng 10.000 cộng đồng hiện đang quản lý và sử dụng 989.827 ha rừng; 377.202 ha rừng được giao cho các tổ chức là lực lượng vũ trang, khoa học công nghệ; 15.213 ha đất rừng sản xuất cho các doang nghiệp đầu tư nước ngoài thuê để trồng rừng; 3.337.770 ha rừng nghèo, rừng nghèo kiệt, đất chưa có rừng chưa giao hiện tạm để UBND xã quản lý.

Ở Việt Nam cho thấy có 4 hình thức cộng đồng hợp tác quản lý gồm: Quản lý rừng cộng đồng; cộng đồng ký hợp đồng khoán bảo vệ rừng; cộng đồng tuần tra rừng; đồng quản lý rừng. Tương ứng với mỗi loại hình quản lý này cũng đã có những chính sách, hướng dẫn triển khai. Tuy nhiên, khi triển khai trên thực tế, phương thức hợp tác quản lý vẫn còn những bất cập, khó khăn cần phải được tháo gỡ từ chính sách.

Các chuyên gia tại hội nghị, nhà quản lý đã chia sẻ về các mô hình và bài học thực tiễn về đồng quản lý/hợp tác quản lý rừng; xác định vấn đề cần giải quyết, đặc biệt là về chính sách để đưa ra đề xuất để thúc đẩy, thể chế hóa hợp tác quản lý tài nguyên rừng tại Việt Nam.

Phó Chủ tịch Hội chủ rừng Việt Nam, PGS.TS. Nguyễn Bá Ngãi đã đưa ra một số đề xuất chính sách để thúc đẩy cộng đồng hợp tác quản lý rừng. Cụ thể, cần sửa đổi, bổ sung nội dung về giao đất rừng sản xuất, đất rừng phòng hộ, đất rừng tín ngưỡng được giao cho cộng đồng dân cư vào Luật đất đai. Bổ sung vào các văn bản dưới luật của Luật đất đai quy định về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng, quyền sở hữu rừng trồng và tài sản khác gắn liền với đất rừng cho cộng đồng dân cư nói riêng và các chủ rừng khác nói chung.

Đồng thời, cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung một số quy định cho phép mở rộng quyền sử dụng rừng đặc dụng và một số quy định về hợp tác quản lý rừng đặc dụng. Khuyến khích cộng đồng thành lập Tổ hợp tác cộng đồng quản lý rừng theo Nghị định 77/2019/NĐ-CP. Ngoài ra, xây dựng, thực hiện Chương trình Quốc gia về quản lý, sử dụng có hiệu quả 3 triệu ha đất rừng và rừng đang được UBND cấp xã quản lý.

Tiếp cận đáp ứng nhu cầu sinh kế cộng đồng một cách có hệ thống cần được nghiên cứu, áp dụng thành quy trình thực hiện khi bàn về chia sẻ lợi ích trong các sáng kiến thúc đẩy cộng đồng hợp tác tham gia quản lý bảo vệ rừng. Bằng cách đó, các cơ chế hợp tác-điều phối đa bên có thể được thiết lập để kết nối và huy động các nguồn lực quan trọng, hướng đến giải quyết các nhu cầu trước mắt và lâu dài theo cách giảm thiểu mất và suy thoái rừng.

Huyền Diệu

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/quan-ly-rung-can-de-xuat-chinh-sach-thuc-day-cong-dong-hop-tac-74679.html