Quản lý rượu quê: Nấu mấy đời, ai quản đâu?
Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia có hiệu lực một năm nay (từ ngày 1/1/2020) với những điều khoản rõ ràng, có cả những ưu đãi (như giảm thủ tục, miễn phí đăng ký…) để đưa rượu thủ công vào khuôn khổ. Tuy nhiên, công tác quản lý mặt hàng có khối lượng tiêu thụ lên đến 200 triệu lít/năm này vẫn chưa có nhiều biến chuyển…
Ngày bán hàng nghìn lít không nhãn mác
Làng Phú Lộc, xã Cẩm Vũ, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương là một trong những nơi sản xuất rượu vào hàng lớn nhất miền Bắc. Cẩm Vũ hiện có hơn 250 hộ sản xuất, kinh doanh rượu, trong đó, Phú Lộc có tới 200 hộ sản xuất rượu quanh năm. Trung bình, mỗi ngày, một hộ gia đình tại Phú Lộc nấu 20 lít rượu. Một ngày, làng rượu 300 năm tuổi này sản xuất 4.000 lít rượu.
Có mặt tại làng Phú Lộc những ngày gần Tết đập vào mắt chúng tôi là cảnh nhà nhà ủ men, người người nhóm lò nấu rượu. Chúng tôi ghé thăm gia đình bà Đào Thị Thủy, 52 tuổi, người nấu rượu 30 năm nay. Bà Thủy cho biết, xem truyền hình, nghe đài, đọc báo, gia đình đã biết rượu là mặt hàng kinh doanh phải thực hiện theo quy định của pháp luật, nhưng nghe rồi để đấy, việc đăng ký sản xuất không nằm trong suy nghĩ của bà. “Trung bình một tháng nhà tôi nấu được khoảng 700 lít, rượu được gom vào thùng, ai đến mua thì bán, nhưng cơ bản phân phối qua dân buôn rồi bán cho người dân trong và ngoài tỉnh. Khách qua đường, một vài quán nhậu quanh làng thì chỉ được khoảng gần 20 lít mỗi ngày”, bà nói.
Cạnh nhà bà Thủy, gia đình ông Hoàng Văn Chính cũng đang ủ men chuẩn bị cho loạt rượu mới. Ông Chính cho biết, ngày trước, một số đoàn đến hỏi về việc đăng ký sản xuất, nhãn mác rượu, nhưng sau đấy mọi việc lại đâu vào đó. “Làng chúng tôi nấu rượu từ mấy đời nay, có cần đăng ký hay nhãn mác gì đâu. Có người từ Hà Nội xuống mua mấy chục lít rượu về ngâm thuốc, tôi chỉ cho số điện thoại, nếu uống có vấn đề gì thì điện, tôi chịu trách nhiệm”, ông nói.
Theo ông Chính, việc đăng ký sản xuất rượu là thủ tục khá phức tạp với người dân vùng quê. “Trình độ chúng tôi có hạn, đa số người nấu rượu là phụ nữ, làm lúc nông nhàn chứ không phải thường xuyên nên việc đến văn phòng xã, huyện đăng ký rất khó khăn. Hơn nữa, cả làng có hàng trăm người nấu rượu, nếu người đăng ký, người không sẽ nảy sinh tâm lý không hài lòng”, ông nói.
Trong nếp nghĩ của bà Thủy, ông Chính cũng như phần lớn những người ở Phú Lộc, nghề nấu rượu ở đây đã có mấy trăm năm tuổi, nhà nhà vẫn nấu, người người vẫn mua nên không phải đăng kí với dán nhãn mác sản phẩm. Chạy dọc con đường liên xã Cẩm Vũ, phóng viên quan sát thấy, đa số các hộ sản xuất rượu bán can rượu cho khách hàng mà không có nhãn mác. Khi được hỏi về quy định của pháp luật về sản xuất, buôn bán rượu, hầu hết các hộ ở đây đều cho rằng, việc nấu rượu đã có từ lâu, chất lượng được kiểm chứng, không cần đăng ký hay giấy phép. Tuy nhiên, nhìn những tấm bạt phơi cơm rượu đã lên men giữa sân bụi bặm, rồi cơ man nào là rượu được nấu ra, lưu trữ lâu ngày trong các bồn lớn làm bằng nhựa tái chế (dù nhiều nhà khoa học khuyến cáo không nên đựng rượu trong chai, thùng nhựa), chúng tôi không khỏi giật mình.
Vẫn chờ hướng dẫn
Hiện cả xã Cẩm Vũ chỉ có duy nhất hộ kinh doanh do ông Hoàng Hữu Vũ đứng ra thành lập công ty lấy tên là Công ty TNHH Rượu Phú Lộc với khuôn viên rộng khoảng 6.000m2. Trước đây, những hộ nấu rượu ở Phú Lộc khi nấu xong thường nhập cho công ty này để xử lí, dán nhãn mác rồi tung ra thị trường. Nhưng từ khi công ty của ông Vũ có khả năng tự sản xuất rượu, đáp ứng nhu cầu của thị trường, các hộ nấu rượu ở đây trở về với mô hình làm ăn manh mún, nhỏ lẻ. Ông Vũ nói rằng, gia đình ông đã đầu tư khoảng 5 tỷ đồng mua trang thiết bị chưng cất và xử lý độc tố đa tầng. Công ty tạo việc làm cho 8 người với thu nhập hơn 5 triệu đồng/người/tháng, lãi khoảng 600 triệu đồng/năm, có đóng thuế đầy đủ. Theo ông, không nhiều gia đình có đủ điều kiện để đầu tư dây chuyền sản xuất, phần lớn đều nấu bếp thủ công nhỏ.
Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Chủ tịch UBND xã Cẩm Vũ, thừa nhận, hiện xã có hàng trăm hộ sản xuất rượu thủ công, nhưng chỉ duy nhất Công ty Rượu Phú Lộc có đăng ký kinh doanh từ trước. Ông Tuấn cho hay, UBND xã đã chỉ đạo cho thôn tuyên truyền về các quy định của pháp luật đến người dân để họ thực hiện đăng ký nấu và kinh doanh rượu. Tuy nhiên, nhiều người dân lo thủ tục đăng ký rườm rà nên chưa đến đăng ký. “Thủ tục đăng ký rất nhanh gọn. UBND xã luôn mở cửa trong giờ hành chính để làm thủ tục cho các hộ sản xuất rượu thủ công đến đăng ký, nhưng đến nay vẫn chưa có ai đến. Cấp xã làm gì có thẩm quyền, chỉ biết tuyên truyền và chờ sự chỉ đạo tiếp theo của cấp trên”, ông Tuấn nói.
Mới có ¼ số hộ nấu rượu được cấp phép
Ông Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam, cho hay, theo các báo cáo, hiện cả nước mới cấp giấy phép sản xuất cho khoảng 25% số hộ sản xuất rượu thủ công. Ở Ninh Bình, một trong những địa phương đứng đầu cả nước về rượu thủ công, chỉ có 16/2.500 hộ nấu rượu có giấy phép. Quảng Ninh có nhiều rượu “đặc sản” nhưng lại không có một cơ sở nào sản xuất rượu công nghiệp và trong số 1.767 cơ sở sản xuất rượu thủ công, chỉ có 24 cơ sở được cấp phép.
Ông Việt cho hay, khảo sát thực tế tại một số địa phương có nghề nấu rượu thủ công cho thấy, khi nói đến Nghị định số 105/2017/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh rượu, được sửa đổi và bổ sung bởi nghị định 17/2020/NĐ-CP (Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương), phần lớn các hộ dân chuyên sản xuất rượu còn mơ hồ. “Nhiều hộ mặc dù biết hoặc có nghe nói đến Nghị định kinh doanh rượu, quy định hoạt động sản xuất, nhập khẩu, phân phối, bán buôn, bán lẻ rượu, song vẫn phớt lờ”, ông Việt nói.