Quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội

Với nhiệm vụ tập trung nguồn lực nhằm thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách xã hội, cấp ủy, chính quyền, các ngành, các cấp của tỉnh Quảng Trị đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi để Ngân hàng Chính sách xã hội hoàn thành các nhiệm vụ được giao, nhất là quan tâm bố trí nguồn vốn ủy thác cho vay, giúp các hộ nghèo và đối tượng chính sách khác phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Đây cũng chính là tiền đề quan trọng để thực hiện Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW về 'Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tín dụng chính sách xã hội'.

Có thể nói, những năm qua, nhờ sự vào cuộc kịp thời của cả hệ thống chính trị đã giúp cho hoạt động tín dụng chính sách ngày càng phát huy hiệu quả. Các chương trình tín dụng được mở rộng, hiện có 18 chương trình được triển khai trên địa bàn tỉnh, nhiều hơn 5 chương trình so với thời điểm bắt đầu thực hiện Chỉ thị số 40-CT/ TW. Tăng trưởng tín dụng không ngừng phát triển qua các năm, tốc độ tăng trưởng bình quân trên 16%/năm.

Chỉ tính trong 8 năm qua, từ nguồn vốn ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, đã có gần 225.000 lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh được vay vốn để phát triển kinh tế với số tiền 7.900 tỉ đồng. Trong đó các hộ vay vốn với mục đích phát triển kinh tế để thoát nghèo; sinh viên, học sinh có hoàn cảnh khó khăn vay vốn để trang trải chi phí, mua sắm dụng cụ học tập; nhiều hộ khác vay vốn để sửa chữa nhà ở; xây mới, cải tạo công trình nước sạch, vệ sinh môi trường…

Điều đáng ghi nhận nữa là nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần giúp cho các huyện, thị xã, thành phố đạt được nhiều kết quả nổi bật trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và triển khai thành công Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cũng như hỗ trợ vốn vay tạo công ăn việc làm cho người dân gặp khó khăn trong đợt dịch bệnh COVID-19.

Các chương trình tín dụng chính sách xã hội đã bám sát vào mục tiêu phát triển KT - XH của tỉnh, góp phần thực hiện có hiệu quả các mục tiêu giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, điều đáng quan tâm hiện nay là tỉ trọng nguồn vốn địa phương chuyển sang Ngân hàng Chính sách xã hội so với tổng nguồn vốn tín dụng chính sách còn thấp và thấp hơn so với bình quân chung cả nước (Quảng Trị 4%, bình quân chung cả nước năm 2022 đạt hơn 10%). Công tác lồng ghép các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao khoa học công nghệ của các cơ quan nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội gắn với nguồn vốn tín dụng chính sách ở nhiều nơi vẫn còn hạn chế, hiệu quả sử dụng vốn của người dân chưa cao.

Để tiếp tục thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW, Kết luận 06-KL/TW của Ban Bí thư; Quyết định số 1630/ QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Chương trình hành động số 117-CTHĐ của Tỉnh ủy; Chỉ thị 17- CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Kế hoạch số 22/KH-UBND của UBND tỉnh, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp cần tiếp tục xác định nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình, kế hoạch, hoạt động thường xuyên của các cấp ủy, các ngành, địa phương và cơ quan, đơn vị.

Các sở, ban, ngành liên quan tham mưu cơ quan cấp trên phương án bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội nhằm bổ sung nguồn vốn cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn trên cơ sở khả năng cân đối ngân sách và tình hình thực tế. Thực hiện tốt việc huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn; chú trọng chất lượng tín dụng, chất lượng hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn; nâng cao hiệu quả hoạt động của các điểm giao dịch tại các xã, phường, thị trấn.

Để nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội, đảm bảo tính chất nhân văn của chính sách này, Mặt trận Tổ quốc có vai trò quan trọng trong thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội đối với việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà ước về giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội cũng như đối với hoạt động tín dụng chính sách do Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện.

Các sở, ngành, địa phương thường xuyên rà soát, bổ sung hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn làm căn cứ vay vốn. Các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện đầy đủ và có hiệu quả các nội dung được ủy thác; làm tốt công tác tư vấn, hướng dẫn xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh điển hình, giúp nhau vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.

Và một nhiệm vụ, giải pháp quan trọng nữa, đó là tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, tập huấn, phổ biến quy trình nghiệp vụ theo các quy định của Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam, đặc biệt là triển khai hiệu quả hoạt động truyền thông chính sách xã hội, sử dụng hiệu quả vốn tín dụng chính sách, nhấn mạnh các dự án, mô hình triển khai có kết quả tốt, các gương điển hình tiên tiến trong việc sử dụng vốn đạt hiệu quả cao cần nhân rộng.

Cùng với đó, từ thực tiễn hoạt động, các cơ quan hữu quan và Ngân hàng Chính sách xã hội cần tham mưu cho tỉnh kiến nghị với các bộ, ngành trung ương xem xét, trình Chính phủ bổ sung thêm chương trình tín dụng đối với hộ gia đình có mức sống trung bình được vay vốn để mở rộng đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần đẩy lùi và từng bước xóa bỏ nạn “tín dụng đen”.

Phương Minh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/van-de-binh-luan/quan-ly-su-dung-co-hieu-qua-nguon-von-tin-dung-chinh-sach-xa-hoi/179191.htm