Quản lý, sử dụng ngân sách tiết kiệm, hiệu quả: Cách làm hay từ Bắc Kạn

Trong chuyến công tác của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng tới một số tỉnh miền núi phía Bắc vừa qua, câu chuyện tiết kiệm chi của tỉnh Bắc Kạn khiến Bộ trưởng hết sức tâm đắc.

Bắc Kạn thực hiện tiết kiệm chi trong nhiều lĩnh vực để đầu tư xây dựng nông thôn mới.

Bắc Kạn thực hiện tiết kiệm chi trong nhiều lĩnh vực để đầu tư xây dựng nông thôn mới.

Bộ trưởng mong muốn nhiều địa phương học hỏi kinh nghiệm này, nhờ tiết kiệm có tiền chi cho đầu tư phát triển, chi cho an sinh xã hội, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay.

Dành nguồn chi xây dựng nông thôn mới

Theo Cục Thuế tỉnh Bắc Kạn, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, dự báo hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục gặp khó khăn nên nguồn thu ngân sách sẽ tác động giảm. Để thực hiện dự toán pháp lệnh được giao là 670 tỷ đồng và dự toán phấn đấu là 720 tỷ đồng, những tháng cuối năm 2020, cơ quan thuế tỉnh sẽ tập trung cho công tác thu ngân sách nhà nước, tăng cường khai thác nguồn thu, chống thất thu.

Là tỉnh có số thu gần như thấp nhất cả nước, bên cạnh việc phấn đấu thu đạt dự toán, tỉnh Bắc Kạn còn có nhiều sáng kiến trong tiết kiệm chi. Theo Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Văn Du, lãnh đạo tỉnh đã quán triệt các đơn vị thực hiện nhiệm vụ chi ngân sách, “phải bám theo dự toán và triệt để tiết kiệm”. “Cắt giảm chi thường xuyên, chủ động sử dụng các nguồn lực để phòng chống dịch, bù đắp cân đối ngân sách. Là tỉnh khó khăn nhất nhưng không vì thế chúng tôi tự ti, cái gì làm được chúng tôi tự làm” - tại cuộc làm việc với Bộ Tài chính, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Du nói như giãi bày.

Ông Nguyễn Văn Du cho biết, ngoài tiết kiệm cắt giảm thêm 10% chi thường xuyên từ nay đến cuối năm, HĐND tỉnh đã biểu quyết nhất trí tiết kiệm thêm 2% chi thường xuyên; với các dự án đầu tư xây dựng cơ bản đấu thầu, trúng thầu, cắt giảm thêm 5%. “Tiền đó để đầu tư xây dựng nông thôn mới. Chúng tôi tiết kiệm chi trên mọi lĩnh vực” - Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bắc Kạn bộc bạch.

Đánh giá cao tinh thần cũng như nỗ lực của một tỉnh dù còn nghèo nhưng có sự quyết tâm, không ỷ lại, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định: “Đây là giải pháp khá tích cực, các địa phương hoàn toàn có thể học theo. Chúng tôi có cơ sở để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các địa phương quyết tâm như thế!”.

Trước đó, trong điều kiện chi tiêu cho chống dịch tăng, Bộ Tài chính đã kiến nghị Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải tăng cường tiết kiệm chi thường xuyên. Trước hết là ngoài cắt giảm 10% chi thường xuyên theo dự toán đã được Quốc hội thông qua, tiếp tục cắt giảm thêm 10%; tiết kiệm thêm 50% công tác phí nước ngoài; 30% kinh phí hội nghị, hội thảo. Số tiền này, theo ước tính của Bộ Tài chính, riêng cơ quan trung ương đã tiết kiệm được khoảng 700 nghìn tỷ đồng.

Song, sau khi tính toán lại, Bộ Tài chính, Chính phủ quyết tâm cao hơn. Trên cơ sở đó, nghị quyết của Quốc hội đã quyết định mức tiết kiệm cao hơn, đó là cắt giảm tối thiểu 70% kinh phí hội nghị, đi công tác trong và ngoài nước còn lại của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2020. Quốc hội giao Chính phủ chủ động trong điều hành NSNN năm 2020 phù hợp thực tế, tập trung thực hiện các giải pháp chống thất thu, tiết giảm chi ngân sách.

Tiết kiệm chi: Làm triệt để, không có ngoại lệ

Trong điều hành chính sách chi NSNN, Bộ Tài chính đã có văn bản đề nghị UBND cấp tỉnh, thành phố chỉ đạo sở tài chính tham mưu, điều hành đảm bảo cân đối ngân sách địa phương; chủ động sắp xếp, cắt giảm, giãn các nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết. Trong đó, chủ động đảm bảo nguồn ngân sách địa phương và sử dụng nguồn ngân sách trung ương bổ sung (nếu có) để thực hiện các chính sách an sinh xã hội.

Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, một số đại biểu Quốc hội khi trả lời phỏng vấn phóng viên TBTCVN đều cho rằng, khi các nguồn thu sụt giảm, thì không thể giữ nguyên các nhiệm vụ chi theo dự toán.

Là chuyên gia tâm huyết trong ngành Tài chính, TS. Vũ Đình Ánh đã nhiều lần đề cập đến việc cơ cấu lại ngân sách, trong đó ông luôn nhấn mạnh đến cơ cấu chi NSNN. Theo ông, thu và chi tương tự như hai mặt của đồng xu. Nếu chi NSNN lãng phí, hiệu quả thấp thì không chỉ làm mất ý nghĩa của những nỗ lực thu NSNN mà còn tác động tới động lực thu và cơ sở tăng thu NSNN một cách bền vững và hợp lý. Chính vì vậy, cơ cấu lại chi NSNN theo hướng tiết kiệm và hiệu quả hướng tới mục tiêu cân đối NSNN cần được thực hiện đồng bộ với cơ cấu lại thu NSNN; cũng như cơ cấu lại nợ công trong mối quan hệ biện chứng với cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế.

Theo TS. Vũ Đình Ánh, cơ cấu lại chi tiêu công nói chung, chi NSNN nói riêng có rất nhiều nội dung, trong đó nên tập trung giảm tỷ lệ chi thường xuyên trong tổng chi NSNN gắn với cải cách hành chính, sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế, cải cách định mức chi thường xuyên và “thực hành tiết kiệm chi thường xuyên một cách triệt để, phổ biến và không có ngoại lệ”. Từ đó, tăng dần tỷ lệ chi đầu tư phát triển từ NSNN, kiên quyết chống tham nhũng, lãng phí thông qua tăng cường công khai minh bạch, trách nhiệm giải trình và gắn quyền với trách nhiệm của cá nhân người đứng đầu trong các quyết định liên quan đến đầu tư công.

Nghị quyết của Quốc hội đã rõ, vấn đề còn lại là tổ chức thực hiện như thế nào. Các bộ, ngành, địa phương bên cạnh việc thực hiện đúng nghị quyết của Quốc hội, rất cần những địa phương mạnh dạn như Bắc Kạn, đã tiết kiệm rồi, có thể tiết kiệm thêm nữa. Với quyết tâm của lãnh đạo tỉnh, chúng tôi tin rằng địa phương sẽ làm được. Thêm một đồng vốn chi cho xây dựng nông thôn mới, sẽ giúp kinh tế địa phương phát triển, đời sống của bà con được cải thiện. Làm được như vậy, câu chuyện tiết kiệm “túi tiền” quốc gia sẽ không còn xa vời, không còn là việc của riêng ai!

Tập trung giảm tỷ lệ chi thường xuyên

Theo TS. Vũ Đình Ánh, cơ cấu lại chi tiêu công nói chung, chi ngân sách nhà nước nói riêng có rất nhiều nội dung, trong đó nên tập trung giảm tỷ lệ chi thường xuyên trong tổng chi ngân sách nhà nước gắn với cải cách hành chính, sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế, cải cách định mức chi thường xuyên và “thực hành tiết kiệm chi thường xuyên một cách triệt để, phổ biến và không có ngoại lệ”.

Minh Anh

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/nhip-song-tai-chinh/2020-08-05/quan-ly-su-dung-ngan-sach-tiet-kiem-hieu-qua-cach-lam-hay-tu-bac-kan-90502.aspx