Quản lý thị trường chuyển cơ quan điều tra 162 vụ có dấu hiệu tội phạm trong 11 tháng

11 tháng đầu năm 2024, lực lượng QLTT đã kiểm tra 65.881 vụ, phát hiện, xử lý 45.045 vụ vi phạm với tổng số tiền xử lý là 841 tỷ đồng. Trong đó, chuyển cơ quan điều tra 162 vụ có dấu hiệu tội phạm, tổng thu nộp ngân sách Nhà nước trên 518 tỷ đồng.

11 tháng: Phát hiện, xử lý 45.045 vụ vi phạm

Báo cáo của Bộ Công thương về kết quả công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường cho thấy,tháng 11/2024, từ ngày 15/10/2024 đến 14/11/2024, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) đã kiểm tra 4.809 vụ, phát hiện, xử lý 3.300 vụ vi phạm, thu nộp NSNN trên 36 tỷ đồng.

11 tháng đầu năm 2024, từ ngày 15/12/2023 đến 14/11/2024, lực lượng QLTT đã kiểm tra 65.881 vụ, phát hiện, xử lý 45.045 vụ vi phạm với tổng số tiền xử lý là 841 tỷ đồng. Trong đó, xử phạt vi phạm hành chính trên 437 tỷ đồng, trị giá hàng hóa tịch thu trên 203 tỷ đồng, trị giá hàng hóa buộc tiêu hủy gần 201 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra 162 vụ có dấu hiệu tội phạm; tổng thu nộp ngân sách Nhà nước trên 518 tỷ đồng.

Chuyển công an điều tra chủ tài khoản Facebook bán thực phẩm giả. Ảnh: DMS.

Chuyển công an điều tra chủ tài khoản Facebook bán thực phẩm giả. Ảnh: DMS.

Trong 11 tháng năm 2024, số hành vi vi phạm hành chính trong các lĩnh vực hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, lĩnh vực y tế, giá, niêm yết giá, tiêu chuẩn đo lường, nhãn hàng hóa được lực lượng QLTT phát hiện giảm so với cùng kỳ năm 2023.

Trong khi đó, các hành vi vi phạm về nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT), an toàn thực phẩm, nông nghiệp, đặc biệt, lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT) tăng so với cùng kỳ năm 2023.

Hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả và vi phạm quyền SHTT được đối tượng tập kết tại khu vực biên giới hoặc các kho hàng trung chuyển trên tuyến lưu thông để thẩm lậu vào tiêu thụ nội địa. Vi phạm chủ yếu phát hiện đối với nhóm hàng có nhu cầu cao như thời trang, mỹ phẩm, thiết bị điện, thực phẩm.

Lĩnh vực TMĐT, trong 11 tháng năm 2024, lực lượng QLTT tập trung giám sát, kiểm tra trong lĩnh vực này và phát hiện nhiều vi phạm trên phạm vi cả nước, đa số đối tượng tổ chức kho hàng gần cửa khẩu, thiết lập các điểm livestream tiếp nhận đơn và chuyển hàng đặt ở nhiều địa điểm khác nhau trên cả nước.

Hàng hóa vi phạm được trà trộn, vận chuyển trong các kiện hàng, sử dụng số điện thoại không chính chủ để giao dịch, mua bán và gửi tới khách hàng thông qua các đơn vị dịch vụ giao nhận, chuyển phát nhanh, rất khó phát hiện.

Trong thời gian qua, số vụ vi phạm và xử lý trên môi trường TMĐT không ngừng gia tăng, với tính chất vi phạm và diễn biến phức tạp. Không chỉ hàng hóa tiêu dùng thông thường, mà nhiều mặt hàng là thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thuốc chữa bệnh, sản phẩm thuốc lá điện tử bị làm giả với số lượng lớn để kinh doanh trên nền tảng TMĐT, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng.

Cơ quan chức năng đang tăng cường thanh kiểm tra để ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại. Ảnh: DMS.

Cơ quan chức năng đang tăng cường thanh kiểm tra để ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại. Ảnh: DMS.

Cảnh báo hàng giả "tấn công" thị trường Tết

Ông Nguyễn Quang Huy, Phó cục trưởng Cục QLTT TP.HCM cho hay, dịp cận tết Nguyên đán, lợi dụng nhu cầu mua sắm của người dân các đối tượng đang đẩy mạnh hoạt động kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc.

Để ngăn chặn hàng lậu tràn vào thị trường, ông Huy cho biết, Cục Quản lý thị trường TP.HCM đang triển khai kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2024, dịp trước, trong và sau tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025.

Đại diện Cục Quản lý thị trường TP.HCM cảnh báo, các địa điểm nổi cộm về hàng giả, hàng kém chất lượng hiện nay trên địa bàn đang tập trung ở những khu vực Saigon Square, chợ Bến Thành, chợ Nga... Cục Quản lý thị trường cũng đã có kế hoạch tập trung đấu tranh, phòng chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp và gian lận thương mại tại các địa bàn nổi cộm, trung tâm thương mại khu vực quận 1 từ nay đến hết cao điểm trước, trong và sau tết Nguyên đán năm 2025.

Theo ông Huy, thời gian tới sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát hàng hóa tại các trung tâm thương mại, chợ đầu mối, chợ dân sinh, các tuyến phố buôn bán, các cơ sở sản xuất, cơ sở giết mổ gia súc gia cầm; chú trọng kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân lợi dụng nhu cầu tiêu dùng tăng cao vào dịp Tết để tăng giá bất hợp lý, gây bất ổn thị trường, nhất là đối với các mặt hàng được tiêu dùng nhiều trong dịp Tết dương lịch và tết Nguyên đán năm 2025.

Không chỉ TP.HCM, nhiệm vụ triển khai kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2024, dịp trước, trong và sau tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, cũng được Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh yêu cầu tất cả các địa phương trên cả nước đồng loạt thực hiện.

Mới đây, Phó thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình, Trưởng ban Chỉ đạo 389 quốc gia cũng đã ký ban hành Kế hoạch số 133/KH-BCĐ389 cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Ngăn chặn kịp thời phương tiện vận chuyển gần 15.000 sản phẩm nhập lậu tại Quảng Trị. Ảnh: DMS.

Ngăn chặn kịp thời phương tiện vận chuyển gần 15.000 sản phẩm nhập lậu tại Quảng Trị. Ảnh: DMS.

Theo đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tăng cao vào dịp cuối năm và tết Nguyên đán, dự báo tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, gian lận thương mại và hàng giả đối với các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, hàng cấm, hàng xuất nhập khẩu có điều kiện sẽ có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn mới tinh vi, khó phát hiện trên tất cả các tuyến, lĩnh vực; nhất là tuyến biên giới đất liền phía Bắc, miền Trung, Tây Nam Bộ, vùng biển, cảng biển, cảng hàng không quốc tế và địa bàn nội địa trọng điểm trong cả nước.

Cụ thể, Ban Chỉ đạo 389 Bộ Công thương chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường tập trung tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về đầu cơ găm hàng, niêm yết giá, thương mại điện tử, kinh doanh, vận chuyển, tàng trữ hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng... chú trọng các mặt hàng thiết yếu, mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp cuối năm và tết Nguyên đán như: Hàng điện tử, điện lạnh, vàng, quần áo, giầy dép, bánh kẹo, đường cát, hoa quả, thuốc lá điếu, thuốc lá thế hệ mới, rượu, bia, nước giải khát, gia súc, gia cầm, các mặt hàng thực phẩm tươi sống.

Ban Chỉ đạo 389 các địa phương chỉ đạo các đơn vị, lực lượng chức năng, chính quyền địa phương các cấp nắm chắc tình hình địa bàn quản lý, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, không để phát sinh các kho, bãi, điểm trung chuyển hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm quyền SHTT và các hoạt động lợi dụng môi trường TMĐT để buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả...

Ngọc Diệp

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/quan-ly-thi-truong-chuyen-co-quan-dieu-tra-162-vu-co-dau-hieu-toi-pham-trong-11-thang-192241215202630348.htm