Quản lý thị trường: Đẩy mạnh tuyên truyền văn minh thương mại
Thời gian qua, bên cạnh công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Lạng Sơn đã chú trọng, đẩy mạnh tuyên truyền văn minh thương mại (VMTM). Qua đó, góp phần hạn chế các hành vi vi phạm do thiếu hiểu biết pháp luật về thương mại, giữ ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện Kế hoạch số 261 ngày 18/3/2021 của Cục QLTT tỉnh về việc tiếp tục lãnh đạo công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật thương mại và tuyên truyền thực hiện VMTM cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh giai đoạn năm 2021 – 2025, các phòng nghiệp vụ, đội QLTT các huyện, thành phố tăng cường phối hợp với UBND các huyện, xã, ban quản lý các chợ, trung tâm thương mại… tuyên truyền thực hiện VMTM, góp phần nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trong việc chấp hành quy định của pháp luật về thương mại; tạo môi trường sản xuất kinh doanh bình đẳng; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh. Đặc biệt là tạo niềm tin cho người tiêu dùng, khách du lịch khi đến tham quan, mua sắm trên địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Cục trưởng, Cục QLTT tỉnh cho biết: Để nâng cao hiệu quả tuyên truyền về VMTM, các hội nghị tuyên truyền được cục triển khai bằng nhiều hình thức đa dạng như: tuyên truyền bằng các video, clip hướng dẫn thực hiện quy định của pháp luật trong hoạt động sản xuất kinh doanh, những quy định trong thực hiện VMTM; tuyên truyền qua hệ thống loa tại các chợ, tuyên truyền trực tiếp qua các buổi kiểm tra… Bên cạnh đó, cục chỉ đạo các đội QLTT phụ trách các huyện, thành phố thiết lập đường dây nóng tại các điểm chợ, điểm kinh doanh buôn bán, nhà hàng… để tiếp nhận thông tin về hoạt động buôn lậu, kinh doanh hàng hóa vi phạm trên địa bàn và tổ chức vận động các hộ kinh doanh ký cam kết thực hiện VMTM.
Kết quả, tính từ năm 2021 đến nay, Cục QLTT đã chủ động phối hợp với Trường Cao đẳng Kinh tế – Kỹ thuật Thương mại Hà Nội, UBND các huyện, thành phố tổ chức 29 hội nghị tuyên truyền về VMTM cho hơn 4.000 lượt người tham gia; cấp phát hơn 3.000 tờ rơi; vận động, tổ chức ký cam kết chấp hành pháp luật đối với gần 6.000 tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa; ký quy chế phối hợp quản lý địa bàn tại 173 lượt xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Cùng đó, cục đã tuyên truyền trực tiếp thông qua kiểm tra, kiểm soát thị trường cho 2.500 lượt tổ chức, cá nhân; tuyên truyền thông qua phương tiện thông tin đại chúng như loa phát thanh, xe lưu động được 469 lượt với khoảng 13.000 người nghe…
Nhờ đó, hoạt động kinh doanh thương mại trên địa bàn tỉnh tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Việc kinh doanh hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ giảm nhiều so với trước đây. Việc thực hiện niêm yết giá hàng hóa, bán theo giá niêm yết đã được các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh quan tâm, chú trọng thực hiện.
Nếu như năm 2021, Cục QLTT tỉnh kiểm tra 2.908 cuộc, phát hiện 2.375 vụ vi phạm, xử lý vi phạm hành chính hơn 33 tỷ đồng, thì năm 2022, Cục QLTT tỉnh kiểm tra gần 2.800 cuộc; phát hiện 942 vụ vi phạm, giảm 1.415 vụ vi phạm so với năm 2021; xử lý vi phạm hành chính trên 23 tỷ đồng.
Bà Hoàng Thị Liên, Trưởng Ban Quản lý chợ Thất Khê (huyện Tràng Định) cho biết: Hiện nay, chợ trung tâm thị trấn Thất Khê có gần 160 hộ kinh doanh. Để thực hiện tốt VMTM tại chợ, chúng tôi thường xuyên chủ động phối hợp với Đội QLTT số 7 phụ trách địa bàn huyện Tràng Định tuyên truyền, vận động các hộ kinh doanh chấp hành các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh thương mại như: niêm yết giá và bán theo đúng giá niêm yết, không bán hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm… Trong năm 2022, chợ trung tâm thị trấn Thất Khê không có vụ việc nào bị đơn vị chức năng xử lý do vi phạm quy định của pháp luật về thương mại, hay người dân phản ánh về VMTM.
Với nỗ lực của lực lượng QLTT cùng sự phối hợp với các cấp, ngành, chính quyền cơ sở trong tuyên truyền VMTM, hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển theo hướng văn minh, góp phần nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, đồng thời góp phần thu hút du khách, phát triển “du lịch mua sắm” vốn là thế mạnh của Lạng Sơn từ nhiều năm qua.