Quản lý thị trường: Mô hình mới, tạo niềm tin cho người dân và doanh nghiệp

Với nỗ lực và quyết tâm cao, năm 2019, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) đã thực hiện tốt yêu cầu, nhiệm vụ, nhất là yêu cầu mới về tổ chức ngành dọc ngày càng chính quy. Đồng thời, tổ chức nghiệp vụ rất quyết liệt, đã tập trung tấn công và 'đánh trúng' vào những đường dây, ổ nhóm lớn về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả - điều mà trước đây chưa bao giờ làm được.

Hiệu quả từ mô hình ngành dọc

Năm 2019 được đánh giá là năm nhiều dấu ấn đối với lực lượng QLTT khi vừa phải kiện toàn bộ máy theo hệ thống ngành dọc, đồng thời vẫn đảm bảo thực hiện tốt các nghiệp vụ chuyên môn. Ông Trần Hữu Linh – Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT – cho biết, công tác kiện toàn bộ máy tại Tổng cục đã được triển khai rất quyết liệt và kịp thời trong suốt năm vừa qua. Tính đến nay, Tổng cục đã hoàn thành cơ bản việc sắp xếp tổ chức, ổn định công tác cán bộ và hoàn thiện xong bổ nhiệm các cấp từ cục trưởng, phó cục trưởng các cục QLTT địa phương, cho đến trưởng, phó phòng, đặc biệt hệ thống đội trưởng và phó đội trưởng.

 Lực lượng QLTT phối hợp với công an kinh tế đã tịch thu hàng chục tấn thiết bị y tế nghi nhập lậu tại Bắc Ninh

Lực lượng QLTT phối hợp với công an kinh tế đã tịch thu hàng chục tấn thiết bị y tế nghi nhập lậu tại Bắc Ninh

Song song với việc thành lập, Tổng cục cũng thực hiện nghiêm về tinh gọn bộ máy. Theo đó, bộ máy Tổng cục ở trung ương được tổ chức gồm 6 đơn vị, giảm gần một nửa so với trước, trở thành Tổng cục ngành dọc duy nhất hiện nay không thành lập đơn vị sự nghiệp công lập. Các đội QLTT được sắp xếp, tổ chức lại theo hướng sáp nhập thành các đội liên huyện. Mục tiêu đến năm 2020, cả lực lượng QLTT chỉ giữ lại 376 đội QLTT, từ chỗ 641 đội giảm xuống còn 376 đội. Cụ thể, năm 2018, Tổng cục giảm 164 đội, năm 2019 giảm tiếp 94 đội, năm 2020 giảm nốt số còn lại. “Các đội QLTT địa phương nhanh chóng đáp ứng tổ chức bộ máy mới. Qua công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường năm 2019 việc giảm đội không ảnh hưởng tới chất lượng hoạt động, số vụ kiểm tra tăng lên, số thu xử phạt hành chính tăng lên” – ông Trần Hữu Linh nhấn mạnh.

Việc tiếp tục tinh giản bộ máy của lực lượng QLTT đã không đi ngược lại với yêu cầu chính quy hóa mà tăng cường hơn nữa năng lực quản lý của lực lượng QLTT trong thực hiện nhiệm vụ đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả hiện nay. Theo đó, Tổng cục đã xây dựng khóa tập huấn, khóa đào tạo, kiểm soát viên thị trường, kiểm soát viên chính thị trường, kiểm soát viên cao cấp thị trường, cũng như mở các lớp chuyên gia chuyên ngành.

Thực tế này cho thấy, sau một năm hoạt động theo mô hình Tổng cục ngành dọc từ trung ương đến địa phương, QLTT đã thể hiện rõ ưu điểm, tạo sự chuyển biến tích cực rõ rệt trong điều hành, quản lý, nâng cao hiệu quả kiểm tra, kiểm soát, phối hợp giữa các đơn vị trong đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Sự chỉ đạo xuyên suốt từ Bộ, Tổng cục xuống các cục, đội QLTT làm nên thành công của những vụ “đánh trúng” vào đường dây, ổ nhóm lớn mà trước đây chưa bao giờ làm được. Tuy nhiên, kết quả đó cũng có sự đóng góp quan trọng của phối hợp “ngang”, đó là sự phối hợp giữa Tổng cục với bộ đội biên phòng, Công an kinh tế, Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ Thương hiệu Hà Nội (HATAP), Hiệp hội Thông tin tư vấn kinh tế thương mại Việt Nam (VICETA), cũng như với các đơn vị tham mưu thuộc Bộ.

Đơn cử, lực lượng QLTT đã tấn công được vào những điểm nóng, đường dây, ổ nhóm về hàng giả, hàng lậu lớn tại 2 Trung tâm thương mại bán hàng giả ở Móng Cái (Quảng Ninh); các điểm nóng về sản xuất và kinh doanh hàng giả tại Hà Nội (chợ Ninh Hiệp, Phú Xuyên) và tại TP. Hồ Chí Minh (chợ Bến Thành); kiểm tra xử lý các kho, cửa hàng bán hàng giả, hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng thế giới tại Hưng Yên, Hải Phòng, Nha Trang (Khánh Hòa); tạm giữ gần 300 tấn đường cát có dấu hiệu nhập lậu tại Bình Dương; hơn 3.000 chai nước mắm giả tại Nghệ An; hay thu giữ lô tân dược nhập lậu “khủng” trị giá gần 2 tỷ đồng tại Hà Nội; triệt phá cơ sở sản xuất Number One giả tại Đồng Nai…

Có thể nói, năm 2019, năm đầu tiên hoạt động theo mô hình tổ chức mới, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại hàng giả đã đạt kết quả, tín hiệu tích cực. Điều này càng thể hiện sự đúng đắn của việc thay đổi mô hình theo hướng ngành dọc” - ông Trần Hữu Linh nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh: Cam kết trong thời gian tới đây, lực lượng QLTT sẽ tiếp tục làm tốt và sẽ làm tốt hơn nữa trách nhiệm của mình, chủ động phối hợp với các địa phương, các lực lượng chức năng khác trong đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại hiệu quả.

Năm 2020: Tiếp tục tập trung vào những điểm “nổi cộm”

Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, tuy nhiên những kết quả đó còn nhỏ so với yêu cầu của thị trường. Trong khi đó, tình hình sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn diễn biến phức tạp và ngày càng tăng, đặc biệt là tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng liên quan đến sức khỏe người dân, như thuốc chữa bệnh, dược phẩm, thực phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn lưu hành ở nhiều nơi nhất là khu vực đô thị... Đứng trước tình hình đó, ông Trần Hữu Linh cho biết, Tổng cục đã nhận thức và có sự chỉ đạo, đồng thời, yêu cầu các đơn vị trong Bộ, các lực lượng bên ngoài, có kế hoạch triển khai ở một số địa bàn, mặt hàng cụ thể. Đồng thời, phối hợp với các lực lượng khác như hải quan, để kiểm soát ngay từ khâu nhập khẩu, các lực lượng công an, kinh tế trong thị trường nội địa để theo dõi các đối tượng, lần ra các ổ nhóm. “Việc kiểm tra công khai ở ngoài đường không hiệu quả bằng việc tập trung các đường dây, ổ nhóm, tụ điểm, cơ sở sản xuất thì mới tấn công, xử lý 1 cách triệt để” – ông Trần Hữu Linh nhấn mạnh.

Đặc biệt, trong năm 2020, Tổng cục sẽ tập trung vào Kế hoạch đấu tranh phòng ngừa, kiểm tra, xử lý vi phạm tại các địa bàn, tụ điểm nổi cộm về hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Theo đó, lực lượng QLTT tuyên truyền, vận động, ký cam kết và tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trên địa bàn nổi cộm tại 20 tỉnh, thành phố trên cả nước. Mặt hàng tập trung kiểm tra, xử lý vi phạm là trang sức, đồng hồ, mỹ phẩm, quần áo, giày dép, túi ví và các loại mặt hàng khác có xuất hiện tình trạng hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Những hành động cụ thể, đầy quyết tâm và mạnh mẽ của lực lượng QLTT kỳ vọng sẽ là “quả đấm thép” trong chống hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Thu Phương

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/quan-ly-thi-truong-mo-hinh-moi-tao-niem-tin-cho-nguoi-dan-va-doanh-nghiep-130943.html