Quản lý thị trường: Tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm
Dự báo tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong thời gian tới còn diễn biến phức tạp, do vậy công tác quản lý thị trường trên địa bàn Bình Thuận sẽ tiếp tục được tăng cường.
Theo ghi nhận của Cục Quản lý thị trường Bình Thuận, thời gian qua tại địa phương vẫn còn xảy ra tình trạng vi phạm trong hoạt động kinh doanh, tập trung ở một số mặt hàng: Thuốc lá, thực phẩm, thời trang, phụ kiện điện thoại, xăng dầu… Với hoạt động thương mại điện tử, chủ yếu là các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu. Hay như không đăng ký hệ thống phân phối với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định, không thông báo website thương mại điện tử bán hàng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định trước khi bán hàng đến người tiêu dùng…
Thực thi nhiệm vụ, trong năm qua lực lượng quản lý thị trường Bình Thuận tiến hành kiểm tra 555 trường hợp và phát hiện 226 vụ vi phạm (giảm 35 vụ so năm 2023), hiện đã xử lý 225 vụ. Được biết tổng số tiền nộp ngân sách nhà nước trên 5,1 tỷ đồng, trong đó tiền xử phạt vi phạm hành chính hơn 3,66 tỷ đồng và tiền bán hàng hóa tịch thu gần 1,27 tỷ đồng...
Đặc biệt với một số mặt hàng nổi cộm, lực lượng chức năng tập trung kiểm tra mặt hàng xăng dầu và phát hiện 37/76 vụ vi phạm. Chủ yếu là các hành vi: Không đăng ký hệ thống phân phối với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định; không xây dựng, duy trì và áp dụng có hiệu lực hệ thống quản lý chất lượng theo quy định. Còn mặt hàng LPG (khí dầu mỏ hóa lỏng) đã kiểm tra và phát hiện 19/72 vụ vi phạm, nhiều nhất là hành vi sử dụng người quản lý, nhân viên làm việc tại cửa hàng bán lẻ LPG chai không được huấn luyện về kỹ thuật an toàn, phòng cháy, chữa cháy theo quy định.
Ngoài ra, lực lượng quản lý thị trường còn kiểm tra mặt hàng thực phẩm và phát hiện, xử lý 9/101 vụ vi phạm, trong khi mặt hàng thời trang có 52/56 vụ vi phạm bị phát hiện xử lý. Bên cạnh đó cũng đã kiểm tra mặt hàng mỹ phẩm (phát hiện và xử lý 11/16 vụ vi phạm), mặt hàng điện tử (phát hiện xử lý 3/23 vụ vi phạm), mặt hàng phân bón (phát hiện 7/41 vụ vi phạm)... Riêng ở lĩnh vực thương mại điện tử tiến hành kiểm tra 24 trường hợp và đã phát hiện, xử lý 22 vụ vi phạm.
Bước vào năm mới 2025, Cục Quản lý thị trường Bình Thuận dự báo tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả còn diễn biến phức tạp, nhất là thời điểm giáp Tết Nguyên đán Ất Tỵ do nhu cầu tiêu dùng tăng cao. Mặt khác, các đối tượng luôn tìm cách thay đổi phương thức, thủ đoạn hoạt động theo hướng ngày càng tinh vi hơn. Điều này không chỉ diễn ra ở kênh bán hàng truyền thống mà còn ở cả kênh thương mại điện tử, tập trung vào một số mặt hàng: Thực phẩm, thực phẩm chức năng, sản phẩm thời trang, mỹ phẩm...
Thế nên tới đây, lực lượng chức năng của tỉnh sẽ tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm, đó là tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường trong đợt cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đồng thời triển khai thực hiện Kế hoạch kiểm tra định kỳ cũng như Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ năm 2025. Đẩy mạnh đấu tranh, kiểm tra kiểm soát tình hình buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng vi phạm xuất xứ và gian lận thương mại điện tử. Trong đó tập trung vào những mặt hàng quan trọng như thực phẩm, đường cát, xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, phân bón, vật tư nông nghiệp, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền, sản phẩm thuốc lá mới, rượu, vàng...
Trong năm nay, lực lượng quản lý thị trường cũng sẽ tăng cường công tác quản lý địa bàn, nắm vững diễn biến tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo lĩnh vực, địa bàn. Qua đó kịp thời phát hiện, nhận diện những vấn đề nổi cộm cũng như các lĩnh vực mặt hàng vi phạm mới nổi để kịp thời đấu tranh ngăn chặn hiệu quả.
Đối với mặt hàng thuốc lá và thuốc lá điện tử, năm qua lực lượng chức năng đã kiểm tra 35 trường hợp và phát hiện 4 vụ vi phạm (trong đó có 1 vụ chuyển xử lý hình sự). Qua đó xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 112 triệu đồng và buộc tiêu hủy 1.450 bao thuốc lá điếu các loại trị giá gần 25 triệu đồng…