Quản lý thị trường Thanh Hóa kiểm tra, xử lý, tuyên truyền về an toàn thực phẩm tại các trường học

Lực lượng QLTT tỉnh Thanh Hóa đã và đang nỗ lực thực hiện nhiều hoạt động kiểm tra, xử lý, tuyên truyền nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm tại khu vực trường học.

An toàn thực phẩm (ATTP), đặc biệt trong môi trường học đường đang là một vấn đề đáng lo ngại, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của thế hệ trẻ. Tại Thanh Hóa, lực lượng Quản lý thị trường đã và đang nỗ lực thực hiện nhiều hoạt động kiểm tra, xử lý, tuyên truyền nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm tại khu vực các trường học.

Triển khai đồng bộ các giải pháp

Thời gian qua, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả được nâng lên, các sở ngành, lực lượng chức năng đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động quần chúng Nhân dân tích cực tham gia phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm tại cộng đồng dân cư, qua đó cũng góp phần hạn chế sự gia tăng của hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo vệ sinh ATTP.

Lực lượng chức năng phát hiện một số hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn thực phẩm. Ảnh: QLTT Thanh Hóa.

Lực lượng chức năng phát hiện một số hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn thực phẩm. Ảnh: QLTT Thanh Hóa.

Để ngăn chặn tình trạng hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm… kinh doanh tại các khu vực quanh trường học, Cục QLTT tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các Đội QLTT trực thuộc tham mưu cho các cấp chính quyền địa phương, BCĐ 389 huyện, thị xã, thành phố triển khai nhiều biện pháp.

Cụ thể, phối hợp các cơ quan báo chí làm tốt công tác tuyên truyền sâu rộng các quy định của pháp luật về ATTP, nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm và phòng ngừa ngộ độc thực phẩm nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, lưu thông và tiêu dùng thực phẩm. Đưa tin kịp thời về diễn biến tình hình thị trường, cung cầu giá cả hàng hóa, kết quả kiểm tra, kiểm soát thị trường, một số vụ điển hình về hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng quá hạn sử dụng, hàng không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; công khai tổ chức, cá nhân vi phạm ATTP.

Lồng ghép công tác tuyên truyền, hướng dẫn, giải thích phổ biến pháp luật thông qua công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường đến người kinh doanh, người dân để nắm được các quy định của pháp luật khi tham gia kinh doanh, nâng cao ý thức trách nhiệm của các cơ sở sản xuất kinh doanh chấp hành chính sách pháp luật.

Phối hợp cơ quan chức năng: Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Công an và các tổ chức, đoàn thể tổ chức các hội nghị, tọa đàm để tuyên truyền, vận động các bậc phụ huynh, giáo viên và học sinh cùng tham gia giám sát, phản ánh các trường hợp vi phạm. Tổ chức các buổi tập huấn cho cán bộ, giáo viên và học sinh về kiến thức về ATTP, về tác hại của việc sử dụng hàng giả, hàng kém chất lượng, đặc biệt là đối với sức khỏe của trẻ em, không mua, không dùng thực phẩm không có nhãn hàng hóa, không có tiếng Việt Nam, hàng hóa không có ngày sản xuất, hạn sử dụng. Tăng cường quản lý học sinh, thực hiện quản lý học sinh về không ăn quà vặt trong giờ học và giờ ra chơi.

Thực hiện tốt công tác quản lý địa bàn năm chắc các cơ sở kinh doanh xung quanh các trường học đồng thời tiến hành ký cam kết đối “Không sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và hàng hóa không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm”

Chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng trên tăng cường công tác giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm bán cho các trẻ em, học sinh xung quanh trường học, phát hiện những trường hợp vi phạm tiến hành kiểm tra, đột xuất xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

Lực lượng Quản lý thị trường tiêu hủy hàng hóa vi phạm về an toàn thực phẩm. Ảnh: QLTT Thanh Hóa

Lực lượng Quản lý thị trường tiêu hủy hàng hóa vi phạm về an toàn thực phẩm. Ảnh: QLTT Thanh Hóa

Với sự tăng cường lực lượng kiểm tra, giám sát, trong 8 tháng đầu năm 2024 lực lượng QLTT tỉnh Thanh Hóa đã kiểm tra 312 vụ, xử lý vi phạm 289 vụ, xử phạt hành chính với số tiền 1.199,205 triệu đồng, trị giá hàng hóa bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc tiêu hủy hơn 320 triệu đồng. Trong đó, lực lượng QLTT tỉnh Thanh Hóa đã kiểm tra 9 vụ về ATTP tại khu vực trường học, xử lý vi phạm 9 vụ, xử phạt vi phạm hành chính số tiền 15,5 triệu đồng, trị giá hàng hóa bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc tiêu hủy là 1,13 triệu đồng.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật

Ngoài nhiệm vụ tăng cường hoạt động kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm tại khu vực các trường học, thời gian tới Cục QLTT tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục phối hợp với Đài Phát thanh & Truyền hình tỉnh; Báo Thanh Hóa và các cơ quan thông tấn báo trí trung ương và địa phương làm tốt công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật về ATTP, nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm và phòng ngừa ngộ độc thực phẩm nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, lưu thông và tiêu dùng thực phẩm; công khai tổ chức, cá nhân vi phạm để tạo sức răn đe, giáo dục.

Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 7, Cục QLTT tỉnh Thanh Hóa hướng dẫn học sinh nhận biết hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn thực phẩm. Ảnh: QLTT Thanh Hóa.

Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 7, Cục QLTT tỉnh Thanh Hóa hướng dẫn học sinh nhận biết hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn thực phẩm. Ảnh: QLTT Thanh Hóa.

Tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan, các nhà trường tổ chức các buổi tập huấn cho cán bộ, giáo viên và học sinh, phụ huynh học về kiến thức về ATTP, nguy cơ và tác hại của việc sử dụng hàng hóa không đảm bảo ATTP, không rõ nguồn gốc xuất xứ; chỉ rõ cho các em học sinh nên mua những hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có nhãn bằng tiếng việt và lưu ý khi mua phải xem hạn sử dụng… Nhà trường thực hiện tốt việc quản lý học sinh về không ăn quà vặt trong giờ học và giờ ra chơi.

Tăng cường công tác giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm bán cho các trẻ em, học sinh xung quanh trường học, phát hiện những trường hợp vi phạm tiến hành kiểm tra, đột xuất xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật, đặc biệt là các cơ sở kinh doanh đã thực hiện cam kết.

Có thể nói, đảm bảo ATTP tại khu vực quanh trường học là một nhiệm vụ lâu dài, ngoài sự nỗ lực của lực lượng QLTT; sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, nhà trường thì rất cần sự chung tay của các bậc phụ huynh và cộng đồng xã hội. Có như vậy thì công tác ATTP nói chung và ATTP tại khu vực trường học nói riêng mới được giải quyết triệt để, góp phần xây dựng một môi trường học đường an toàn, lành mạnh.

Hà Linh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/quan-ly-thi-truong-thanh-hoa-kiem-tra-xu-ly-tuyen-truyen-ve-an-toan-thuc-pham-tai-cac-truong-hoc-344216.html