Quản lý, thúc đẩy xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc

Ngày 7.12, Tổ điều hành Diễn đàn Thông tin kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì tổ chức Diễn đàn Kết nối nông sản 970 với chủ đề 'Xây dựng cơ sở, mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm thúc đẩy xuất khẩu'.

Diễn đàn được tổ chức theo hình thức trực tiếp, kết hợp trực tuyến với 300 điểm cầu tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố. Tham dự diễn đàn bao gồm đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội, hợp tác xã...

Diễn đàn Kết nối nông sản 970 tại đầu cầu Hà Nội

Diễn đàn Kết nối nông sản 970 tại đầu cầu Hà Nội

Phát biểu khai mạc, Phó Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam Trần Văn Cao cho biết, năm 2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký nhiều Nghị định thư yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với các mặt hàng nông sản như sầu riêng, chuối, chanh dây, khoai lang và tổ yến. Điều này mở ra cơ hội rộng lớn cho nông sản Việt Nam xuất khẩu sang thị trường đông dân nhất thế giới. Tuy nhiên, cơ hội cũng đi kèm thách thức khi thị trường Trung Quốc ngày càng siết chặt về chất lượng an toàn thực phẩm.

Diễn đàn Kết nối nông sản 970 tổ chức để kịp thời cung cấp thông tin đến các hợp tác xã, doanh nghiệp và cơ quan quản lý. Đồng thời, đánh giá 1 năm triển khai đáp ứng Lệnh 248, “Quy định Quản lý và đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, thực phẩm vào thị trường Trung Quốc” và Lệnh 249 “Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu của Trung Quốc”.

Phó Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam Trần Văn Cao phát biểu khai mạc diễn đàn

Phó Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam Trần Văn Cao phát biểu khai mạc diễn đàn

Từ đầu năm 2022, Trung Quốc đã áp dụng hệ thống khung pháp lý với quy định kiểm nghiêm ngặt gồm biện pháp quản lý thực phẩm xuất nhập khẩu (Lệnh 249) và quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu thực phẩm vào Trung Quốc (Lệnh 248) trên "Hệ thống quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất nước ngoài nhập khẩu thực phẩm".Theo đó, những doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có Việt Nam, muốn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, bắt buộc tuân thủ những quy định mới.

Phó Giám đốc Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (SPS Việt Nam) Ngô Xuân Nam cho biết, sau 1 năm áp dụng Lệnh 248, đã có 2.426 mã sản phẩm được cấp phép nhập khẩu vào Trung Quốc. Trong đó, 1.236 mã sản phẩm thuộc nhóm 18 mặt hàng đăng ký qua cơ quan thẩm quyền (chiếm 50,9%) và phần còn lại 1.190 mã sản phẩm không thuộc danh mục phải đăng ký qua cơ quan thẩm quyền. Trong đó, các sản phẩm thủy sản được thông qua nhiều nhất, tiếp đến là sản phẩm hạt (hạt điều, cà phê...) và các sản phẩm dầu thực vật, bánh bột...

Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam Ngô Xuân Nam

Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam Ngô Xuân Nam

Theo đại diện Cục Bảo vệ thực vật, bên cạnh việc kiểm soát chặt chẽ hàng hóa qua biên giới, đặc biệt là hình thức biên mậu, tiểu ngạch; Trung Quốc cũng yêu cầu phải đàm phán mở cửa đối với từng loại sản phẩm, yêu cầu khai báo mã vùng trồng và cơ sở đóng gói. Hiện nay, Việt Nam có 7 loại trái cây xuất khẩu truyền thống (xoài, thanh long, nhãn, vải, dưa hấu, chôm chôm, mít) và 5 loại xuất khẩu theo hình thức ký kết Nghị định thư (măng cụt, thạch đen, sầu riêng, chuối và khoai lang) được phép xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Trung Quốc cũng sửa đổi các quy chuẩn, tiêu chuẩn mới quy định về an toàn thực phẩm, tăng 81 loại; giới hạn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tăng 2.985 loại. Thiết lập 1.742 giới hạn dư lượng cho 87 loại thuốc bảo vệ thực vật chưa đăng ký sử dụng ở Trung Quốc…

Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam Lê Thanh Hòa nhận định, việc triển khai đáp ứng hai Lệnh 248, 249 trong 1 năm qua đã cơ bản thỏa mãn được yêu cầu từ phía Trung Quốc. Những khó khăn, vướng mắc đều được Văn phòng SPS nhanh chóng kết nối với Hải quan Trung Quốc để tháo gỡ. Tuy vậy, thời gian tới, Trung Quốc sẽ kiểm tra rất nghiêm ngặt mức độ ô nhiễm vi sinh vật, ô nhiễm hóa chất trong các sản phẩm thực phẩm nhập khẩu. Các doanh nghiệp, đơn vị đã được cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói cần chủ động cập nhật, nghiên cứu, điều chỉnh kịp thời để đáp ứng các yêu cầu từ đối tác.

Trang Nhung

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/doi-song/quan-ly-thuc-day-xuat-khau-nong-san-sang-thi-truong-trung-quoc-i310433/