Quản lý thuế trong hoạt động livestream sao cho phù hợp?
Hoạt động livestream bán hàng nở rộ trên các sàn thương mại điện tử cũng như các trang mạng xã hội và dẫn đến nhiều khó khăn về mặt quản lý nhà nước, nhất là về vấn đề quản lý thuế.
(KTSG) – Hoạt động livestream bán hàng nở rộ trên các sàn thương mại điện tử cũng như các trang mạng xã hội và dẫn đến nhiều khó khăn về mặt quản lý nhà nước, nhất là về vấn đề quản lý thuế.
Ngành thuế dường như đã chậm đi vài nhịp trong việc quản lý thuế đối với nguồn thu nhập phát sinh từ hoạt động bán hàng trực tuyến bằng cách phát video theo thời gian thực trên các nền tảng mạng xã hội (hay còn gọi là livestream). Ngày 4-6 vừa qua, Tổng cục Thuế đã có công điện số 01/CĐ-TCT để kiểm tra việc kê khai, nộp thuế đối với các cá nhân livestream bán hàng hóa. Trong bài viết này, tác giả sẽ đưa ra một số ý kiến về việc quản lý thuế trong hoạt động livestream bán hàng để phù hợp với thực tế.
Bản chất của hoạt động livestream bán hàng
Hình ảnh những người có sức ảnh hưởng (KOL), những người tiêu dùng chủ chốt (KOC) livestream bán hàng không còn xa lạ với cơ quan thuế. Tuy nhiên, các cá nhân này thường không phải người trực tiếp bán hàng trên các mạng xã hội, sàn thương mại điện tử. Nhiệm vụ của họ là tương tác với người theo dõi tại các livestream để xúc tiến việc “chốt đơn” cho các nhãn hàng(1). Họ thường không phải là những người mua hàng về để bán, cũng như không phải là đơn vị trực tiếp cung ứng sản phẩm tới tay người tiêu dùng.
Trên thực tế, thu nhập của các KOL, KOC được trả thông qua việc được “book” và hoa hồng dựa trên giá trị các đơn hàng thành công. Có thể thấy rằng, đây là hoạt động nhằm giới thiệu sản phẩm, môi giới bán hàng chứ không phải trực tiếp bán hàng hóa cho người mua.
Trong thời đại thương mại điện tử bùng nổ, hình thức livestream ngày càng phát triển về mặt quy mô số lượng người tham gia cũng như về doanh thu đem lại cho các nhãn hàng. Nhiều buổi livestream đạt doanh số hàng chục tới hàng trăm tỉ đồng, theo một số báo đã loan tin. Mặc dù chưa xác định được mức doanh thu này là thật hay ảo (doanh thu này đã bao gồm các đơn đặt “ảo” hoặc bị hủy, hoàn trả), nhưng hiện tượng này đã phần nào dấy lên các vấn đề về quản lý thuế.
Tại công điện số 01/CĐ-TCT, Tổng cục Thuế đã yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền ở địa phương rà soát, kiểm tra việc kê khai, nộp thuế, sử dụng hóa đơn điện tử của các tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên sàn giao dịch thương mại điện tử, tiếp thị liên kết, livestream bán hàng. Điều đó cho thấy rằng, hoạt động livestream bán hàng đang rất phát triển và vấn đề quản lý thuế đối với hoạt động này đang là một vấn đề “nóng”.
Thu nhập của người livestream dưới góc độ pháp luật thuế
Thu nhập của người bán hàng livestream, các KOL, KOC có thể phải chịu các sắc thuế cũng như các mức thuế suất khác nhau. Các khoản thu nhập này khi phát sinh cho các cá nhân không đăng ký kinh doanh thì có thể được xem là khoản thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công và thuế suất áp dụng cho loại thu nhập này dựa trên biểu thuế lũy tiến 07 cấp tại Luật Thuế thu nhập cá nhân.
Đối với cá nhân có đăng ký thành lập hộ kinh doanh, khi nhận được khoản thu nhập được trả, khoản thu nhập đó được xem là khoản thu nhập phát sinh từ hoạt động kinh doanh. Thu nhập của cá nhân có đăng ký hộ kinh doanh có thể hưởng thuế suất thấp hơn so với mức thuế suất áp dụng cho thu nhập của cá nhân không đăng ký kinh doanh.
Theo phụ lục I Thông tư 40/2021/TT-BTC hướng dẫn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, thuế suất đối với hoạt động phân phối hàng hóa có thể là 1,5% hoặc 7% đối với hoạt động của KOL, KOC.
Hiện nay, việc quản lý thuế với cá nhân livestream bán hàng đang gặp nhiều khó khăn. Có nhiều lý do dẫn đến việc này, nhưng theo tác giả, việc khó khăn trong quản lý thuế đối với các cá nhân livestream bán hàng đến từ ba nguyên nhân chính sau đây:
Thứ nhất, phần lớn các chủ thể tham gia livestream bán hàng hoặc các KOL, KOC đều là các cá nhân. Các đối tượng này chưa dành sự quan tâm đúng mực đến các vấn đề về thuế, hoặc chưa nắm vững các quy định pháp luật về thuế, bởi các vấn đề trên là tương đối phức tạp. Vì vậy, các chủ thể này thường dễ rơi vào tình huống vi phạm các quy định pháp luật về quản lý thuế, dẫn đến việc bị truy thu, chịu các chế tài khác trong lĩnh vực thuế(2).
Thứ hai, thu nhập của cá nhân từ các buổi livestream là một vấn đề mới phát sinh và nổi cộm trong một vài năm gần đây. Do đó, pháp luật về quản lý thuế chưa có các quy định cụ thể về việc cung cấp thông tin người tham gia livestream của các sàn thương mại điện tử. Như chúng ta đều biết, sàn thương mại điện tử là đầu mối, là cánh cửa kết nối giữa các nhãn hàng, KOL, KOC và người tiêu dùng, do đó, các đơn vị này là người nắm rõ nhất các thông tin về các nhãn hàng, sản phẩm và các KOL, KOC tham gia livestream bán hàng.
Vì vậy, các sàn thương mại điện tử có thể tham gia vào việc thu thập và cung cấp cho cơ quan thuế thông tin về các cá nhân bán hàng của chính mình trên livestream hoặc các KOL, KOC tham gia. Tuy nhiên, quy định pháp luật hiện hành chỉ mới yêu cầu các sàn thương mại điện tử cung cấp các thông tin của người bán hàng thông qua chức năng đặt hàng trực tuyến của sàn(3).
Thứ ba, việc quản lý thuế đối với hoạt động livestream, mua bán hàng hóa của cá nhân trên các nền tảng mạng xã hội cũng có nhiều khó khăn. Bởi lẽ, pháp luật chưa có quy định cụ thể về việc quản lý thuế đối với các cá nhân này. Thêm vào đó, một số nền tảng mạng xã hội vẫn chưa thiết lập hiện diện thương mại tại Việt Nam, dẫn đến khó khăn trong việc cung cấp thông tin.
Mặc dù cơ quan thuế có thể truy cập thông tin trên các nền tảng mạng xã hội và yêu cầu người livestream cung cấp sao kê ngân hàng, và thông tin sử dụng dịch vụ của đơn vị vận chuyển để yêu cầu cá nhân livestream nộp thuế(4). Tuy nhiên, giải pháp này khó áp dụng trên diện rộng, và cho dù cơ quan thuế có yêu cầu cung cấp sao kê ngân hàng, rất khó để xác định được giao dịch chuyển tiền nào là hoạt động kinh doanh, giao dịch nào là giao dịch dân sự thông thường khác.
Giải pháp nào phù hợp?
Để việc quản lý thuế đối với hoạt động livestream trở nên có hiệu quả, giải pháp chủ yếu theo tác giả vẫn là tăng cường vai trò quản lý, sự phối hợp của các sàn thương mại điện tử, các đơn vị có liên quan.
Thứ nhất, các sàn thương mại điện tử có thể thay mặt các cá nhân livestream kê khai, đóng thuế. Hiện nay, Bộ Tài chính đang có đề xuất sửa đổi các quy định pháp luật theo hướng yêu cầu các sàn thương mại điện tử phải kê khai, nộp thuế thay cho các cá nhân kinh doanh trên sàn, trong đó có cả hoạt động livestream. Theo đó, các sàn thương mại điện tử sẽ nắm vai trò là đầu mối kê khai và nộp thuế cho hàng ngàn cá nhân.
Theo chúng tôi, đề xuất này là hợp lý. Bởi lẽ, các quy định về kê khai, nộp thuế là các vấn đề rất phức tạp để một cá nhân có thể nắm bắt và thực hiện được. Hơn nữa, các cá nhân hoạt động livestream bán hàng thường xuyên ký kết các hợp đồng với nhiều nhãn hàng khác nhau, do đó rất khó để các chủ thể này có thể quản lý việc kê khai và nộp thuế. Các sàn thương mại điện tử là các tổ chức có tiềm lực về nhân lực và tài chính, có thể hỗ trợ các cơ quan thuế cũng như các cá nhân có hoạt động livestream trong việc quản lý, kê khai và nộp thuế.
Thứ hai, có thể tận dụng vai trò đầu mối của các sàn thương mại điện tử, bổ sung quy định cung cấp thông tin về người livestream của sàn thương mại điện tử. Các sàn thương mại điện tử, với vai trò là đầu mối, là đơn vị trung gian giữa các bên trong hoạt động thương mại điện tử, có thể nắm bắt thông tin về hoạt động của các bên trong buổi livestream.
Do đó, có thể sửa đổi các quy định về thương mại điện tử cho phép các sàn thương mại điện tử yêu cầu các nhãn hàng đăng ký thông tin về các KOL, KOC có tham gia các buổi livestream bán hàng trên tài khoản các nhãn hàng đó. Đồng thời, bổ sung quy định về việc các sàn thương mai điện tử phải cung cấp thông tin người livestream, các KOL, KOC có tham gia cho cơ quan thuế. Từ đó, cơ quan thuế có thể nắm được tình hình hoạt động livestream của các cá nhân này trên các sàn thương mại điện tử.
Thứ ba, cơ quan thuế cần tích cực phối hợp với các đơn vị cung cấp nền tảng mạng xã hội, các công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, truyền dẫn, cung cấp hạ tầng mạng… để trao đổi, thu thập, nắm bắt thông tin của các cá nhân có hoạt động bán hàng livestream trên mạng xã hội để thực hiện việc kiểm tra, truy thu thuế. Đây là biện pháp các cơ quan thuế có thể tạm thời áp dụng để quản lý các cá nhân bán hàng livestream trên các trang mạng xã hội.
Tóm lại, hoạt động livestream bán hàng ngày càng nở rộ về số bên tham gia và doanh số mang lại. Để quản lý, cần phải đề cao vai trò của các bên làm trung gian cho các hoạt động livestream như sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, các đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông…
Do đó, việc bổ sung các quy định pháp luật theo hướng cho phép các sàn thương mại điện tử kê khai, nộp thuế thay cho các cá nhân livestream, cho phép các sàn thương mại điện tử thu thập và cung cấp thông tin cá nhân livestream bán hàng cho các cơ quan quản lý, và phối hợp với các đơn vị cung cấp nền tảng mạng xã hội, các công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, truyền dẫn, cung cấp hạ tầng mạng là hướng đi cần thiết trong thời gian tới.
(*) Công ty Luật TNHH HM&P
(1) Nhãn hàng ở đây là các cá nhân, doanh nghiệp trực tiếp bán hàng hóa cho khách hàng hoặc là “người bán” trên sàn thương mại điện tử theo điều 24.3 Nghị định 52/2013/NĐ-CP
(3) Khoản 8 điều 27 Nghị định 126/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung bởi khoản 7 điều 1 Nghị định 91/2022/NĐ-CP