Quản lý thương mại và đầu tư xuyên biên giới trong bối cảnh kinh tế biến động
Ngày 26 và 27/6/2024, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), với sự hỗ trợ kỹ thuật của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), tổ chức chuỗi sự kiện mang tên VIAC SYMPOSIUM 2024 tại Hà Nội. VIAC SYMPOSIUM 2024 là chuỗi sự kiện xoay quanh chủ đề chính về Thương mại và đầu tư xuyên biên giới trong bối cảnh bất ổn kinh tế: Tranh chấp và trọng tài, với sự tham gia của nhiều chuyên gia uy tín, luật sư, luật gia, cũng như các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước đang đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
VIAC SYMPOSIUM 2024 bao gồm 4 sự kiện với các nội dung chính như: lễ ra mắt Nền tảng Quản lý Vụ tranh chấp trực tuyến của VIAC; hội thảo “Doanh nghiệp Việt Nam vươn ra quốc tế: Thách thức và tiềm năng trước bối cảnh kinh tế biến động”; hội thảo “Những khó khăn và rủi ro trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng & phát triển bất động sản trong giai đoạn thị trường biến động”; hội thảo “Bàn về giai đoạn phát triển sắp tới của thị trường ADR tại Việt Nam trong kỉ nguyên số: Rào cản pháp lý, sự thích ứng và chuẩn bị nguồn nhân lực”.
Cũng trong khuôn khổ VIAC SYMPOSIUM 2024, VIAC cùng với các Hiệp hội doanh nghiệp ngành hàng và địa phương sẽ tiến hành ký kết biên bản ghi nhớ để ghi nhận các nội dung hợp tác đồng thời hướng tới triển khai các hoạt động đồng hành cùng doanh nghiệp hội viên hiệp hội nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp nói chung trong việc phòng ngừa rủi ro pháp lý và giải quyết tranh chấp hiệu quả.
Trong đó, trọng tâm của VIAC SYMPOSIUM 2024 là sự kiện ra mắt Nền tảng Quản lý Vụ tranh chấp trực tuyến của VIAC được xây dựng với sự hỗ trợ kỹ thuật của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID). Hiện nay, giải quyết tranh chấp trực tuyến hay ứng dụng công nghệ vào một phần hoặc toàn bộ quá trình giải quyết tranh chấp đã và đang tiếp tục là xu hướng được áp dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, “ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thực hiện chuyển đổi số quốc gia” là chủ trương được Nhà nước thúc đẩy mạnh mẽ. Trong lĩnh vực tư pháp, hệ thống Tòa án hiện đang là đơn vị tiên phong trong việc thực hiện chủ trương trên và bước đầu đã tạo dựng được những nền tảng quan trọng trong quá trình xây dựng Tòa án điện tử.
Là tổ chức cung cấp các phương thức bổ trợ tư pháp – giải quyết tranh chấp thông qua trọng tài, hòa giải và các phương thức khác theo quy định pháp luật, VIAC luôn đặt trọng tâm và dành nguồn lực cho hoạt động nghiên cứu cải tiến quy trình giải quyết tranh chấp tại Trung tâm. Ngay từ đầu năm 2018, VIAC đã thực hiện nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm từ hoạt động chuyển đổi số của Tòa án cũng như kinh nghiệm từ quốc tế và bước đầu hình thành rõ nét ý tưởng về việc xây dựng một nền tảng trực tuyến giúp Hội đồng trọng tài, ban thư ký, các bên tranh chấp và chủ thể liên quan trong một thủ tục trọng tài có thể quản lý một cách hệ thống và hiệu quả các vụ tranh chấp.
Theo đó, với những nỗ lực không ngừng nghỉ và sự đồng hành, hỗ trợ kỹ thuật từ Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), VIAC đã phát triển Nền tảng Quản lý Vụ tranh chấp trực tuyến – một nền tảng với nhiều cải tiến nhằm giúp trải nghiệm tố tụng trọng tài trở nên linh hoạt và thuận lợi hơn nữa, tiết kiệm thời gian và chi phí cho các bên tranh chấp đồng thời nâng cao tính hiệu quả của một phương thức hỗ trợ cho hoạt động thương mại và đầu tư xuyên biên giới. Thêm vào đó, việc cung cấp thêm cách thức tham gia tố tụng trọng tài trực tuyến bên cạnh cách thức truyền thống sẽ góp phần hưởng ứng các chiến dịch phát triển xanh và bền vững, giảm thiểu ảnh hưởng của carbon đối với môi trường thông qua việc giảm thiểu nhu cầu sử dụng giấy trong quá trình giải quyết tranh chấp; từ đó, góp phần bảo vệ tài nguyên rừng và giảm thiểu rác thải giấy và hạn chế tác động của khí thải nhà kính.
TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội chia sẻ: “Là tổ chức trọng tài và hòa giải hàng đầu tại Việt Nam, trong những năm gần đây, bên cạnh việc giải quyết tranh chấp, VIAC đã liên tục tổ chức các sự kiện với các quy mô lớn nhỏ hướng đến nhiều nhóm đối tượng khác nhau với mục tiêu đưa phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài và hòa giải đến gần hơn với cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có thể kể đến như Tuần lễ Trọng tài và Hòa giải Thương mại Việt Nam (VAW), chuỗi sự kiện về Trọng tài (VAS), chuỗi sự kiện về Trọng tài và Hòa giải (AMS), chuỗi sự kiện về quản trị pháp lý (LMS). Tiếp nối thành công của các chuỗi sự kiện trọng điểm trên, VIAC SYMPOSIUM 2024 được tổ chức lần đầu tiên và sẽ tiếp tục trở thành một trong những sự kiện quan trọng của VIAC, tạo diễn đàn để cộng đồng ADR Việt Nam chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm cũng như cung cấp thông tin bổ ích trong việc phòng ngừa rủi ro pháp lý trong kinh doanh tại Việt Nam”.
Ông Douglas Balko - Giám Đốc Chương trình Giáo Dục, Tăng trưởng Kinh tế và Quản trị Nhà nước, USAID Việt Nam, cũng cho biết: “USAID hỗ trợ Việt Nam giải quyết các thách thức phát triển một cách bao trùm thông qua nhiều hoạt động, trong đó có việc hỗ trợ xây dựng một hệ thống trọng tài hiện đại, hiệu quả và minh bạch. Mục tiêu của chúng tôi là giúp Việt Nam đáp ứng tốt hơn nhu cầu của các nhà đầu tư và tăng cường các hoạt động thương mại điện tử đa phương. Đáp ứng được các nhu cầu này sẽ và thúc đẩy các hoạt động thương mại và đầu tư minh bạch tại Việt Nam, từ đó thúc đẩy hơn nữa sự phát triển kinh tế của đất nước”.