Quản lý và bảo vệ xuất xứ nông sản
Mới đây, mã số vùng trồng của Hợp tác xã (HTX) xoài Mỹ Xương (huyện Cao Lãnh, Ðồng Tháp) đã bị một số doanh nghiệp mạo danh và tùy tiện sử dụng để xuất khẩu xoài sang Trung Quốc. Sự việc chỉ được phát giác khi tháng 6 vừa qua, phía Hải quan Trung Quốc phát hiện 220 lô xoài tươi nhập khẩu từ Việt Nam nhiễm sâu gây hại, trong đó có nhiều lô gắn các mã số vùng trồng của HTX xoài Mỹ Xương.
Mới đây, mã số vùng trồng của Hợp tác xã (HTX) xoài Mỹ Xương (huyện Cao Lãnh, Ðồng Tháp) đã bị một số doanh nghiệp mạo danh và tùy tiện sử dụng để xuất khẩu xoài sang Trung Quốc. Sự việc chỉ được phát giác khi tháng 6 vừa qua, phía Hải quan Trung Quốc phát hiện 220 lô xoài tươi nhập khẩu từ Việt Nam nhiễm sâu gây hại, trong đó có nhiều lô gắn các mã số vùng trồng của HTX xoài Mỹ Xương.
Ðiều đáng nói là vào thời điểm đó, sản phẩm xoài ở HTX này đã hết vụ mùa. Hơn nữa, đại diện phía HTX xoài Mỹ Xương cũng xác nhận, các đối tác ký hợp đồng với HTX không có đơn vị nào xuất khẩu hàng sang Trung Quốc. Nguyên nhân của sự việc này một phần do hầu hết các mã số vùng trồng được cấp đều đang được công bố công khai, ai cũng có thể tra cứu, thậm chí dễ dàng lấy sử dụng. Trong khi đó, hiện chưa có văn bản hướng dẫn hoặc quy định nào về việc quản lý, bảo vệ các mã số vùng trồng. Ðiều này đang tạo lỗ hổng lớn cho những doanh nghiệp mạo danh vùng trồng có thương hiệu để gắn lên sản phẩm không đủ tiêu chuẩn, chất lượng nhằm thu lợi bất chính. Từ đó ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín, thương hiệu của xoài Mỹ Xương nói riêng và nông sản Việt Nam nói chung; tác động tiêu cực đến niềm tin của các nhà nhập khẩu đối với các doanh nghiệp sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản của Việt Nam.
Thực tế, ở nước ta, vấn nạn giả mạo, nhập nhèm nguồn gốc nông sản xuất khẩu không mới nhưng ngày càng trở nên phổ biến hơn khi hầu hết các quốc gia nhập khẩu nông sản trên thế giới đều đã có yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng, mã số nhà đóng gói… Chính vì thế, sự việc xảy ra với xoài Mỹ Xương là hồi chuông cảnh báo đối với tất cả các vùng trồng nông sản đã được cấp mã số trong việc bảo vệ nguồn gốc xuất xứ của mình. Ðồng thời cũng đặt ra yêu cầu đối với các cơ quan chức năng về việc hoàn thiện các biện pháp quản lý, bảo mật, bảo vệ mã số vùng trồng; xây dựng các biện pháp cụ thể, chế tài xử lý khi có vi phạm xảy ra để xử phạt đơn vị vi phạm cũng như nhanh chóng "minh oan" cho vùng trồng bị hại, nhằm bảo đảm hoạt động sản xuất và xuất khẩu của họ không bị gián đoạn. Ðây là nhiệm vụ phải làm sớm, làm ngay bởi xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang nhiều quốc gia hiện đang được thúc đẩy mạnh mẽ thông qua việc tham gia vào các hiệp định thương mại tự do. Mới đây, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực, tạo cơ hội lớn cho nông sản Việt Nam tăng trưởng xuất khẩu vào thị trường châu Âu, nhất là các nhóm hàng như rau quả, cà-phê, hạt tiêu, gạo, thủy sản... với thuế suất về 0%. Theo đó, EU sẽ bảo hộ nhiều chỉ dẫn địa lý liên quan tới nông sản, thực phẩm của Việt Nam. Chính vì vậy, hơn lúc nào hết, công tác quản lý, bảo vệ các vấn đề liên quan đến thương hiệu nông sản như mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lý, mã số nhà đóng gói, bao bì, nhãn mác… càng cần được triển khai thực hiện nhanh chóng, nghiêm ngặt và hiệu quả để giữ uy tín và giá trị cho các mặt hàng nông sản chất lượng mà nhiều nông dân, doanh nghiệp trong nước đã dày công vun đắp, xây dựng.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/cung-suy-ngam/quan-ly-va-bao-ve-xuat-xu-nong-san-614032/