Quản lý và kiểm soát chặt việc nuôi nhốt, buôn bán, tiêu thụ trái phép động vật hoang dã

Tình trạng nuôi nhốt, buôn bán, tiêu thụ trái phép ÐVHD không chỉ ảnh hưởng đến công tác bảo tồn đa dạng sinh học (BTÐDSH) mà còn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Nhiều loài ÐVHD mang mầm bệnh có thể lây lan sang người. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định

Ngày 6-3, UBND tỉnh ban hành Công văn số: 174/UBND-VP3 về việc tăng cường quản lý và kiểm soát việc nuôi nhốt, buôn bán, tiêu thụ trái phép động vật hoang dã (ÐVHD). Công văn nêu rõ:

Tình trạng nuôi nhốt, buôn bán, tiêu thụ trái phép ÐVHD không chỉ ảnh hưởng đến công tác bảo tồn đa dạng sinh học (BTÐDSH) mà còn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Nhiều loài ÐVHD mang mầm bệnh có thể lây lan sang người. Các nghiên cứu trên thế giới đã cảnh báo, khoảng 70% bệnh truyền nhiễm từ động vật lây sang con người hiện nay đều có nguồn gốc từ ÐVHD và điều này đã được thấy rõ qua các đại dịch xảy ra trên thế giới như HIV, Ebola, H5N1, SARS, virus đậu mùa, bệnh dại từ dơi xuất hiện ở vùng Amazon, vi rút Marburg ở châu Âu. Ðặc biệt, bệnh dịch COVID-19 đang được xác định có nguồn gốc phát sinh từ ÐVHD, hiện đang lan rộng đe dọa đến sức khỏe con người.

Ðể thực hiện nghiêm Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về ngăn ngừa, chủ động phòng ngừa dịch bệnh, đồng thời tăng cường công tác BTÐDSH, kiểm soát chặt chẽ các hành vi vi phạm pháp luật về BTÐDSH, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền tới công chức, viên chức, người lao động và người dân nghiêm túc thực hiện: Chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về BTÐDSH; không mua, bán, tiêu thụ các loài ÐVHD và các sản phẩm của chúng; không săn bắn, bẫy, bắt, mua, bán, sử dụng các loài chim hoang dã, đặc biệt là loài chim hoang dã di cư; không vận chuyển, buôn bán, phóng sinh các loài ngoại lai xâm hại. Thông tin về các mối nguy cơ lây nhiễm bệnh dịch từ việc tiêu thụ, tiếp xúc với ÐVHD để người dân biết, thực hiện. Thông tin kịp thời tới các lực lượng thực thi pháp luật để ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến bảo tồn các loài động vật nguy cấp, quý, hiếm và vận chuyển, buôn bán, phóng sinh các loài ngoại lai xâm hại. Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các sở, ngành, các địa phương, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thực hiện và giám sát thực hiện Quy hoạch BTÐDSH; kiểm tra công tác bảo vệ các loài ÐVHD nguy cấp, quý, hiếm và hoạt động phóng sinh các loài ngoại lai xâm hại. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện kiểm tra công tác bảo vệ các loài ÐVHD, nguy cấp, quý, hiếm và hoạt động phóng sinh các loài ngoại lai xâm hại; xử lý hoặc kiến nghị các cơ quan có trách nhiệm xử lý các vi phạm theo quy định của pháp luật; tăng cường kiểm tra, kiểm soát các hoạt động vận chuyển ÐVHD trên địa bàn; tăng cường quản lý hoạt động gây nuôi, chế biến, kinh doanh ÐVHD (xử lý nghiêm nếu có vi phạm); hướng dẫn các cơ sở gây nuôi ÐVHD tăng cường công tác kiểm dịch, khử trùng, hạn chế việc tiếp xúc với ÐVHD và thường xuyên liên lạc với các cơ quan quản lý chuyên môn của tỉnh để nắm bắt thông tin về tình hình phát sinh dịch bệnh và lây nhiễm. Công an tỉnh, Bộ đội biên phòng tỉnh, Cục quản lý thị trường tỉnh, Chi cục Hải quan Nam Ðịnh phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, kiểm tra, xử lý nghiêm các hoạt động buôn bán tiêu thụ các loài ÐVHD; tập trung kiểm tra các cơ sở chế biến, cửa hàng bán đồ lưu niệm tại các điểm du lịch, cơ sở buôn bán, bào chế thuốc y học cổ truyền...; thường xuyên tiến hành thanh tra, kiểm tra các nhà hàng, cơ sở kinh doanh, chợ chim hoang dã tự phát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ các loài ÐVHD, nguy cấp; tăng cường kiểm tra, kiểm soát các hoạt động săn bắn, bẫy, bắt, buôn bán, tiêu thụ trái phép các loài chim hoang dã trong mùa di cư; kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vận chuyển, buôn bán, phóng sinh các loài ngoại lai xâm hại; quản lý xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, quá cảnh, nhập nội từ biển, nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng, trồng cấy nhân tạo mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc Phụ lục CITES. UBND các huyện, thành phố chỉ đạo UBND các phường, xã, thị trấn và các phòng ban chuyên môn tổ chức thực hiện tốt các nội dung của Văn bản số 121/UBND-VP3 ngày 5-3-2019 của UBND tỉnh; tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến mọi người dân về chủ trương, chính sách của Nhà nước về bảo vệ và phát triển ÐVHD, thực hiện 5 “không”: Không săn bắt, không vận chuyển, không buôn bán, không nuôi nhốt, không sử dụng trái phép các sản phẩm từ ÐVHD; khuyến khích các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân gây nuôi, phát triển các loài ÐVHD có nguồn gốc hợp pháp, nghiêm cấm việc nuôi ÐVHD không có nguồn gốc hợp pháp hoặc có nguồn gốc săn bắt từ rừng tự nhiên. Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường công tác ngăn chặn, xử lý các hành vi lợi dụng việc cung cấp, sử dụng internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích quảng cáo, tuyên truyền, mua bán hàng hóa, dịch vụ trái phép đối với mẫu vật loài hoang dã; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật và nâng cao nhận thức cho người dân về việc không săn bắt, buôn bán, nuôi nhốt, tiêu thụ trái phép ÐVHD, các mối nguy cơ lây nhiễm bệnh dịch từ việc tiêu thụ, tiếp xúc với ÐVHD để người dân biết, thực hiện. Ðài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Nam Ðịnh phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường đưa tin, phát sóng các thông điệp, phóng sự, bản tin tuyên truyền pháp luật về BTÐDSH, bảo vệ ÐVHD và không vận chuyển, buôn bán, phóng sinh các loài ngoại lai xâm hại./.

Thúy Vy

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5083/202003/quan-ly-va-kiem-soat-chat-viec-nuoi-nhot-buon-ban-tieu-thu-trai-phep-dong-vat-hoang-da-2536150/