Quản lý và sử dụng cán bộ, công chức minh bạch, hiệu quả

Dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) quy định rõ việc đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ, công chức phải căn cứ vào yêu cầu của vị trí việc làm và năng lực, kết quả, hiệu quả thực thi nhiệm vụ của cán bộ, công chức; bỏ quy định thi nâng ngạch, thay vào đó là cơ chế bổ nhiệm vào ngạch tương ứng với yêu cầu vị trí việc làm.

Sáng 28/4, tiếp tục Chương trình Phiên họp 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về Dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi).

Quang cảnh Phiên họp. Ảnh: VPQH

Quang cảnh Phiên họp. Ảnh: VPQH

Bỏ thi nâng ngạch, bỏ kiểm định chất lượng đầu vào

Trình bày Tờ trình Dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, các quy định của Dự thảo Luật đã bám sát chủ trương của Đảng về sắp xếp, tinh gọn bộ máy, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, liên thông trong công tác cán bộ, thống nhất một chế độ công vụ từ Trung ương đến cấp xã; sắp xếp, tinh gọn hợp nhất cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ.

Cùng với đó hoàn thiện các quy định nhằm thực hiện chủ trương xây dựng một nền công vụ thống nhất, liên thông, đồng bộ từ Trung ương đến cấp xã; quy định chuyển tiếp để cán bộ, công chức cấp xã được bầu hoặc tuyển dụng trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành, nếu đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện thì được chuyển thành cán bộ, công chức theo quy định của Luật này.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung các quy định về cơ chế quản lý và sử dụng cán bộ, công chức theo hướng minh bạch, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu cải cách nền hành chính.

Theo đó, chuyển đổi phương thức quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm. Cụ thể là quy định rõ việc đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ, công chức phải căn cứ vào yêu cầu của vị trí việc làm và năng lực, kết quả, hiệu quả thực thi nhiệm vụ của cán bộ, công chức; bỏ quy định thi nâng ngạch, thay vào đó là cơ chế bổ nhiệm vào ngạch tương ứng với yêu cầu vị trí việc làm được giao đảm nhiệm theo năng lực, kết quả thực thi nhiệm vụ.

Đồng thời, đổi mới công tác tuyển dụng công chức theo hướng người được tuyển chọn phải đáp ứng ngay yêu cầu của vị trí việc làm, sau khi trúng tuyển được bổ nhiệm, xếp lương ở ngạch công chức tương ứng với vị trí việc làm trúng tuyển và không phải thực hiện chế độ tập sự; bỏ quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức thống nhất ở cấp quốc gia để thực hiện chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý công chức.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà báo cáo tại Phiên họp. Ảnh: VPQH

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà báo cáo tại Phiên họp. Ảnh: VPQH

Ngoài ra, nâng cao hiệu quả đánh giá, sử dụng và sàng lọc cán bộ, công chức, trong đó quy định việc đánh giá cán bộ, công chức phải căn cứ vào kết quả thực hiện nhiệm vụ, sản phẩm công việc cụ thể theo yêu cầu của vị trí vệc làm đang đảm nhiệm, thay vì dựa trên các tiêu chí chung, hình thức hay cảm tính. Đồng thời, quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong việc quản lý, đánh giá và sử dụng công chức đúng năng lực, đúng vị trí việc làm.

Dự thảo cũng thể chế hóa chính sách thu hút, trọng dụng đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ; bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung theo đúng chủ trương của Đảng.

Khắc phục cảm tính, nể nang trong đánh giá cán bộ, công chức

Thẩm tra Dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Ủy ban cơ bản tán thành việc tiếp tục giữ nguyên tắc quản lý cán bộ, công chức là “kết hợp giữa tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế”, đồng thời hoàn thiện quy định về vị trí việc làm và ngạch công chức làm căn cứ tiếp tục đổi mới công tác quản lý cán bộ, công chức; sửa đổi các quy định về đánh giá công chức để có cơ chế sàng lọc, khắc phục chế độ “biên chế suốt đời”.

Tuy nhiên, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cũng nhận thấy, các quy định của Dự thảo Luật về đánh giá cán bộ, công chức cơ bản kế thừa quy định của Luật hiện hành, chưa có giải pháp đột phá để khắc phục một trong những hạn chế phổ biến trong công tác đánh giá cán bộ, công chức thời gian qua, đó là còn hình thức, cảm tính, chưa thực chất, tâm lý nể nang, dĩ hòa vi quý dẫn tới việc đánh giá xếp loại công chức chưa phản ánh đúng thực chất. Vì vậy, đề nghị nghiên cứu, bổ sung các quy định về đánh giá cán bộ, công chức để khắc phục hạn chế này.

Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính Lê Quang Mạnh phát biểu tại Phiên họp. Ảnh: VPQH

Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính Lê Quang Mạnh phát biểu tại Phiên họp. Ảnh: VPQH

Phát biểu thảo luận tại Phiên họp, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính Lê Quang Mạnh lưu ý, Dự thảo Luật bổ sung nhiều chính sách mới về quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, trong đó có nhiều chính sách đòi hỏi phải sử dụng ngân sách nhà nước như: cải cách tiền lương theo vị trí việc làm, trọng dụng nhân tài, ưu đãi cho công chức làm việc ở vùng đặc biệt khó khăn, kinh phí giải quyết chế độ cho công chức cấp xã sau sắp xếp...

Để các chính sách này có thể đi vào thực tiễn, ông Lê Quang Mạnh đề nghị, Cơ quan soạn thảo cần có đánh giá cụ thể về tác động của việc thực hiện các chính sách nêu trên với ngân sách nhà nước hằng năm, giai đoạn 5 năm, tránh tạo bị động cho ngân sách trong bối cảnh từ năm 2026 -2030 phải bố trí cho nhiều khoản chi lớn, trên nhiều lĩnh vực khác nhau.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, UBTVQH tán thành việc tiếp tục giữ nguyên tắc quản lý cán bộ, công chức kết hợp giữa tiêu chuẩn chức danh với vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế để bảo đảm tính ổn định của đội ngũ cán bộ, công chức trong điều kiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện quy định về vị trí việc làm và ngạch công chức để làm căn cứ tiếp tục đổi mới công tác quản lý cán bộ, công chức trong thời gian tới.

UBTVQH cũng tán thành việc quy định một số nội dung mang tính nguyên tắc về chính sách thu hút đối với người có tài năng vào làm việc trong cơ quan nhà nước và trọng dụng cán bộ, công chức có phẩm chất, năng lực nổi trội trong hoạt động công vụ, quy định khái quát vào Luật và giao Chính phủ quy định chi tiết khung chính sách để bảo đảm thực hiện linh hoạt.

Bên cạnh đó, UBTVQH đề nghị bổ sung quy định về thẩm quyền xây dựng, phê duyệt vị trí việc làm để làm cơ sở cho việc triển khai thực hiện; tiếp tục hoàn thiện, làm rõ hơn quy định về đánh giá cán bộ, công chức và xử lý kỷ luật cán bộ, công chức như ý kiến của cơ quan thẩm tra; làm rõ hơn các vấn đề liên quan đến tài chính, ngân sách trong Tờ trình.

Dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9 sắp tới./.

ĐĂNG KHOA -THANH THỦY

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/quan-ly-va-su-dung-can-bo-cong-chuc-minh-bach-hieu-qua-39871.html