Quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư: Hà Nội bàn nhiều giải pháp mạnh

Sáng 26/9, Thành ủy Hà Nội tổ chức hội nghị quán triệt, thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TU ngày 28/6/2019 của Ban Thường vụ Thành ủy về 'Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước đối với việc quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn TP. Hà Nội'.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tồn tại nhiều hạn chế, yếu kém

Theo Nghị quyết của Ban Thường vụ Thành ủy, trong thời gian qua, công tác quản lý nhà nước đối với việc quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư đã được các cấp, các ngành Thành phố triển khai thực hiện, đạt được một số kết quả nhất định.

Tuy nhiên, công tác trên vẫn còn đang bộc lộ không ít hạn chế, yếu kém, như: Việc quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư chưa được thực hiện nghiêm túc; công tác tổ chức hội nghị nhà chung cư, việc bầu và công nhận ban quản trị còn chưa được đôn đốc kịp thời và không ít trường hợp chậm so với quy định; việc lựa chọn đơn vị quản lý, vận hành nhà chung cư còn bất cập và hạn chế; tranh chấp sở hữu chung - riêng, khiếu kiện trong quá trình quản lý, sử dụng nhà chung cư còn khá phổ biến; việc thành lập và kiện toàn tổ dân phố, chi bộ Đảng, ban công tác mặt trận và các chi hội đoàn thể đồng bộ với việc hình thành nhà chung cư, khu chung cư còn chưa kịp thời...

Trên cơ sở đó, Nghị quyết của Thành ủy xác định rõ quan điểm, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước đối với việc quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư là một nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết hiện nay của cả hệ thống chính trị Thành phố để ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, đồng thời, góp phần bảo đảm an ninh trật tự và an toàn xã hội trên địa bàn.

Nghị quyết 26-NQ/TU đề ra 2 mục tiêu: Thứ nhất, xác định rõ trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, các cơ quan quản lý nhà nước và người đứng đầu từ thành phố đến cơ sở trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thực thi các nhiệm vụ được giao liên quan đến quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn.

Thứ hai, kịp thời đề ra và triển khai quyết liệt các giải pháp cần thiết để chấn chỉnh và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn thành phố, góp phần xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, đồng thời ngăn chặn và giảm thiểu các tranh chấp, khiếu kiện phức tạp phát sinh trong công tác trên.

Nghị quyết đề ra 6 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu: Tăng cường phổ biến, tuyên truyền đầy đủ, kịp thời các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý của chính quyền và cơ quan chuyên môn các cấp; nâng cao trách nhiệm của chủ đầu tư và người mua nhà; tăng cường và nâng cao hiệu quả phối hợp của cấp ủy, chính quyền và các ngành trong công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội Thành phố.

Kiến nghị xử lý hình sự với vi phạm nghiêm trọng

Trình bày dự thảo Kế hoạch của UBND Thành phố triển khai Nghị quyết 26-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục cho biết UBND Thành phố đề ra 5 nhiệm vụ trọng tâm; trong đó, đáng chú ý là UBND Thành phố yêu cầu triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý, phân bố dân cư hợp lý, đảm bảo tuân thủ đúng quy chuẩn xây dựng, tiêu chuẩn thiết kế và khả năng đáp ứng của hệ thống kết cấu hạ tầng.

Chỉ xem xét, phê duyệt đầu tư dự án các khu chung cư, nhà cao tầng khi phù hợp với quy hoạch, đáp ứng yêu cầu và quy định về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.

Kiên quyết không cho phép các nhà đầu tư đã vi phạm nghiêm trọng (hoặc đang vi phạm mà chưa được xử lý triệt để) trong đầu tư, quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư được tham gia đầu tư các dự án phát triển nhà ở mới trên địa bàn Thành phố.

Ngoài ra, xác định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu các cấp chính quyền, nhất là cấp cơ sở trong công tác quản lý nhà nước về quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư, bao gồm việc chủ động nắm bắt và kịp thời giải quyết các bất đồng, tranh chấp, khiếu kiện của cư dân, ban quản trị, chủ đầu tư và các tổ chức, cá nhân có liên quan phát sinh trong quá trình quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư; chú trọng giải quyết tốt những vấn đề dân sinh bức xúc, các vụ việc phức tạp, nhạy cảm về trật tự an toàn xã hội liên quan đến quản lý chung cư.

Kế hoạch của UBND Thành phố cũng yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và thanh tra của các cấp, các ngành đối với công tác quản lý nhà nước nói riêng và hoạt động quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư nói chung để kịp thời phát hiện, công bố công khai và kiên quyết xử lý nghiêm minh, dứt điểm các hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của pháp luật, kể cả xử lý hình sự đối với các hành vi ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, quyền và lợi ích chính đáng của cư dân.

Quỹ bảo trì: Kiến nghị tách riêng khi nộp tiền

Tham luận tại Hội nghị, Giám đốc Công an Thành phố Đoàn Duy Khương cho biết: Hiện nay, trên địa bàn Thành phố tồn tại 2 dạng công trình không đáp ứng các yêu cầu về PCCC: một là các công trình đưa vào sử dụng trước năm 2011 khi chưa có Luật PCCC nên chưa được thẩm định, việc khắc phục gặp nhiều khó khăn; hai là các khu nhà trọ, chung cư mini do các doanh nghiệp, hộ cá nhân tự xây dựng, nằm xen kẽ trong khu dân cư...

Cũng theo Giám đốc Công an Thành phố, quy định của pháp luật liên quan đến trách nhiệm người đứng đầu cơ sở và các đơn vị liên quan vẫn chưa phân định rõ, dẫn đến tình trạng đùn đẩy, né tránh; đặc biệt chế tài xử lý với các vi phạm trong lĩnh vực này còn chưa đủ sức răn đe, nhất là quy định tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động đối với các chung cư đã đưa vào hoạt động là rất khó khăn do liên quan đến vấn đề dân sinh, an sinh xã hội và trật tự an toàn xã hội…

Từ thực trạng trên, Công an Thành phố đề xuất cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết, quy định của Trung ương, Thành ủy, Kế hoạch, Đề án của UBND TP. Hà Nội về công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ trong các công trình nhà chung cư; nghiên cứu đề xuất UBND Thành phố trình HĐND Thành phố ban hành Nghị quyết quy định về quản lý, sử dụng và các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC đối với nhà chung cư, nhà cao tầng trên địa bàn Thành phố; tham mưu với UBND Thành phố xây dựng đề án kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của lực lượng dân phòng trên địa bàn thành phố để phát huy tốt phương châm “4 tại chỗ”; nghiên cứu xây dựng quy trình, phương án tổ chức cưỡng chế đối với các chủ đầu tư có công trình còn nhiều tồn tại, vi phạm về PCCC, cố tình chây ỳ không chấp hành; chuyển hồ sơ của các công trình vi phạm cho cơ quan cảnh sát điều tra để xem xét, xử lý theo quy định pháp luật; kiên quyết xử lý, tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động các công trình, hạng mục công trình chung cư, nhà cao tầng vi phạm nghiêm trọng không khắc phục các tồn tại về PCCC, cứu nạn cứu hộ được các cơ quan có thẩm quyền yêu cầu…

Một số ý kiến của các quận Hà Đông, Thanh Xuân, Cầu Giấy nêu những khó khăn trong công tác quản lý nhà chung cư, nhất là bàn giao quỹ bảo trì, bàn giao hồ sơ, tách bạch phần sử dụng chung - riêng, bàn giao nhà sinh hoạt cộng đồng...

Trên cơ sở đó, các quận kiến nghị khi người mua nhà nộp tiền cho chủ đầu tư nên tách riêng phần quỹ bảo trì, nộp vào tài khoản phong tỏa do chính quyền quản lý để sau này bàn giao cho ban quản trị; phân định rõ phần diện tích chung - riêng ngay từ đầu để quản lý, tránh sử dụng sai mục đích...

PL

HNP

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/quan-ly-van-hanh-su-dung-nha-chung-cu-ha-noi-ban-nhieu-giai-phap-manh-92675.html