Quản lý, xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm
Ngày 25/7, Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị đánh giá công tác quản lý, xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2023.
Giai đoạn 2020-2023, công tác xây dựng thương hiệu sản phẩm được triển khai phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, góp phần nâng cao uy tín, chất lượng và hiệu quả sản xuất, kinh doanh, nâng cao giá trị của sản phẩm; nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, HTX, tạo được nhiều việc làm cho người nông dân, nâng cao thu nhập, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
2 năm qua, toàn tỉnh có thêm 5 sản phẩm được cấp văn bằng bảo hộ, nâng số lượng sản phẩm được cấp văn bằng bảo hộ lên 26 sản phẩm. Trong đó, có 2 sản phẩm đăng ký bảo hộ tại nước ngoài; 3 sản phẩm được bảo hộ dưới hình thức chỉ dẫn địa lý; 3 sản phẩm được bảo hộ dưới hình thức nhãn hiệu tập thể; 20 sản phẩm nông sản được bảo hộ dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận.
Hiện nay, Sở Khoa học và Công nghệ đang phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện xây dựng và phát triển thương hiệu cho 3 sản phẩm, gồm: Rượu Hang Chú Bắc Yên, Gạo Phù Yên, Thanh long Sơn La. Đồng thời, tiếp tục triển khai các nội dung phát triển nhãn hiệu, như xây dựng các phóng sự về sản phẩm; tập huấn nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình về quản lý, sử dụng nhãn hiệu; nâng cao chất lượng sản phẩm; cách thức, kỹ năng quảng bá, giới thiệu sản phẩm; tổ chức đưa các doanh nghiệp, HTX tìm hiểu thị trường tiêu thụ sản phẩm ngoài tỉnh và tiếp cận với các siêu thị, cửa hàng tiện ích tạo mối liên kết đưa sản phẩm vào tiêu thụ.
Tại hội nghị, đại diện các sở, ngành, doanh nghiệp, địa phương đã chia sẻ các giải pháp xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu; định hướng, giải pháp để hỗ trợ trong tiêu thụ sản phẩm nông sản được cấp văn bằng bảo hộ; công tác phát triển chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm nông sản trong xây dựng nông thôn mới…
Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ đề nghị các đơn vị, địa phương, doanh nghiệp, HTX tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp về quản lý, quy hoạch vùng sản xuất, xúc tiến thương mại để phát triển các nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đạt hiệu quả. Xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý, quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp VietGAP, GlobalGAP và nghiên cứu, phát triển sản phẩm có giá trị tăng cao từ sản phẩm được cấp văn bằng bảo hộ.
Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, quảng bá về các sản phẩm đã được bảo hộ nhãn hiệu, các sản phẩm đang trong quá trình xây dựng nhãn hiệu; tăng cường đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ tiên tiến; nghiên cứu cải tiến một số khâu trong sản xuất để đa dạng hóa sản phẩm đã có nhãn hiệu, nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.