Quản lý xe kinh doanh vận tải: Cần sự thống nhất
Từ ngày 1-8, khi quy định xe kinh doanh vận tải (KDVT) phải gắn biển số màu vàng thì hiện một chiếc xe phải gắn đủ bộ 3 gồm: biển số màu vàng do Bộ Công an cấp, tem kiểm định màu xanh do Cục Đăng kiểm (thuộc Bộ GT-VT) cấp và phù hiệu do Bộ GT-VT cấp.
Cụ thể, xe KDVT phải gắn phù hiệu như xe hợp đồng, xe taxi hay xe cố định theo quy định tại Nghị định 10/2020. Đồng thời, xe KDVT phải mang biển số màu vàng được quy định tại Thông tư 58/2020 do Bộ Công an quản lý. Các xe này cũng phải dán tem đăng kiểm được quy định tại Thông tư 70/2015 của Bộ GT-VT do Cục Đăng kiểm quản lý.
Chưa hết, Quốc hội đang lấy ý kiến về việc tách đôi Luật Giao thông đường bộ sửa đổi và Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ. Trong dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi, quy trình sát hạch, thi, cấp bằng lái xe được chuyển giao sang Bộ Công an thì Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, Bộ GT-VT cũng đề xuất lái xe KDVT cần được cấp chứng chỉ hành nghề... Những điều này khiến cho dư luận cho rằng có quá nhiều thủ tục, gây khó đến hoạt động của các doanh nghiệp, lái xe.
Như vậy, một chiếc xe KDVT phải chịu nhiều quản lý từ các đơn vị khác nhau. Cùng quản lý một chiếc xe nhưng mỗi công tác lại giao cho một bộ, ngành khác nhau.
Vẫn biết, việc quản lý chặt chẽ các xe KDVT là điều cần thiết bởi đây là ngành nghề có điều kiện, tuy nhiên hiệu quả của những quy định trên sẽ được thể hiện thế nào là điều cần được kiểm chứng. Song không thể phủ nhận được sự lo lắng của doanh nghiệp. Bởi, để được làm nghề, họ vốn đã phải chịu nhiều điều kiện khắt khe, thêm các quy định mới sẽ khiến họ thêm tốn kém thời gian làm thủ tục cũng như gặp rắc rối khi thiếu một trong những yêu cầu nêu trên.
Theo các chuyên gia, để thuận tiện hơn trong công tác quản lý, Bộ Công an và Bộ GT-VT cần bàn bạc để thống nhất đưa tất cả các thủ tục quản lý xe KDVT về một đầu mối nhằm giảm bớt thủ tục cho người dân và các doanh nghiệp KDVT, tránh phát sinh thêm các chi phí không cần thiết.
Thời đại công nghệ phát triển, việc quản lý phương tiện vận tải cần có sự thống nhất và đơn giản, thuận tiện, thay vì quá nhiều thủ tục như vậy. Muốn đơn giản, thuận tiện trong quản lý cần ứng dụng giải pháp công nghệ, nếu không thì KDVT đường bộ, một ngành lâu nay được coi là đi trước trong nền kinh tế lại cứ mãi “lẽo đẽo đuổi theo sau”!