Quản lý xuất bản tại thành phố Hồ Chí Minh: Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả
Trong bối cảnh hội nhập và phát triển kinh tế - xã hội, Thành Phố Hồ Chí Minh đã có những bước tiến đáng kể về quản lý và phát triển ngành xuất bản. Thành phố đã tập trung vào việc áp dụng và đề xuất điều chỉnh các văn bản pháp luật, áp dụng các biện pháp quản lý phù hợp, cải thiện thủ tục hành chính, tạo ra những điểm sáng trong hoạt động xuất bản.
Tóm tắt: Trong bối cảnh hội nhập và phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động xuất bản tại Thành Phố Hồ Chí Minh đã đạt được những bước tiến quan trọng trong việc quản lý và phát triển ngành này. Thành phố đã tập trung vào điều chỉnh pháp luật, tạo ra những điểm sáng trong chất lượng sản phẩm xuất bản và cải thiện thủ tục hành chính. Có 7 nhóm giải pháp được đề xuất để nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động xuất bản tại Thành phố Hồ Chí Minh trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Từ khóa: Ngành xuất bản, Thành phố Hồ Chí Minh, Hội nhập kinh tế, Hội nhập xã hội, Quản lý xuất bản, Phát triển bền vững
Summary: In the context of economic and social integration, publishing activities in Ho Chi Minh City have achieved significant progress in their management and development. The city has focused on legal regulation, creating highlights in the quality of publishing products, and streamlining administrative procedures. Seven solution groups have been proposed to enhance the effectiveness of publishing management in Ho Chi Minh City in the context of international integration.
Key word: Publishing Industry, Ho Chi Minh City, Economic Integration, Social Integration, Publishing Management, Sustainable Development.
Trong bối cảnh hội nhập và phát triển kinh tế - xã hội, Thành Phố Hồ Chí Minh đã có những bước tiến đáng kể về quản lý và phát triển ngành xuất bản. Thành phố đã tập trung vào việc áp dụng và đề xuất điều chỉnh các văn bản pháp luật, áp dụng các biện pháp quản lý phù hợp, cải thiện thủ tục hành chính, tạo ra những điểm sáng trong hoạt động xuất bản.
Những thành tựu
Thứ nhất, thực tiễn cho thấy, việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản liên quan về hoạt động xuất bản được Đảng và Nhà nước điều chỉnh, bổ sung kịp thời. Bên cạnh đó, các cấp quản lý theo từng chức năng, nhiệm vụ cũng ban hành văn bản hướng dẫn, triển khai các văn bản của cấp trên đối với cấp dưới. Cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và Sở TTTT Tp. Hồ Chí Minh đã xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách theo đúng quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, khả thi, phù hợp với thực tiễn hoạt động của ngành XB tại Tp. Hồ Chí Minh. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật được sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung kịp thời nhằm đáp ứng định hướng của Đảng và Nhà nước, đáp ứng nhu cầu thực tiễn và xu hướng phát triển của ngành XB. Các cơ quan chủ quản cũng chủ động đẩy mạnh việc xây dựng các chương trình, dự án, đề án nhằm hoàn thiện cơ chế chính sách, giúp công tác quản lý nhà nước hiệu quả hơn.
Thứ hai, tổ chức tham mưu xây dựng và thực hiện pháp luật đối với HĐXB, UBND Tp. Hồ Chí Minh đã chủ động, tích cực tham gia xây dựng chính sách về XB, tập trung kiến nghị, đề xuất ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành Luật Xuất bản. Sau khi Luật Xuất bản có hiệu lực, một số cơ quan chủ quản đã quan tâm hơn đến việc kiện toàn bộ máy tổ chức nhà XB và đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, đặc biệt là các cán bộ lãnh đạo kế cận, không để xảy ra tình trạng thiếu hụt nhân sự lãnh đạo nhà xuất bản như trước đây. Đội ngũ tham gia công tác XBIPH ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng, vững vàng về chính trị, chuyên sâu về nghiệp vụ. Về cơ bản, các đơn vị thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích hoạt động, phù hợp với chức năng nhiệm vụ của cơ quan chủ quản, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhiệm vụ chính trị của từng ngành, từng địa phương trên cả nước, góp phần khẳng định vị trí quan trọng của HĐXB trong đời sống xã hội.
Thứ ba, công tác thực hiện thủ tục hành chính trong hoạt động xuất bản cũng đã có những cải thiện đáng kể.Thành phố đã chú trọng cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành của cơ quan quản lý nhà nước về HĐXB, đặc biệt là trong việc ứng dụng công nghệ để công khai minh bạch thông tin về đăng ký xuất bản và lưu chiểu XBP đã hỗ trợ nhiều cho công tác quản lý cũng như cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xuất bản. Việc giải quyết các thủ tục hành chính nhanh chóng đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị trong tình hình cạnh tranh mạnh mẽ hiện nay.
Trong 10 năm qua, Sở TTTT Tp. Hồ Chí Minh đã cấp phép nhập khẩu XBP không kinh doanh với hơn trên 100 triệu bản xuất bản phẩm; Cấp phép xuất bản tài liệu không kinh doanh với trên 150 triệu bản XBP và nhóm cấp phép, xác nhận đăng ký hoạt động in và gia công in XBP cho nước ngoài. Trong đó, việc thẩm định và cấp phép thủ tục nhập khẩu XBP không kinh doanh được tiến hành trung bình khoảng 120.000 giấy phép cho các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh.
Thứ tư, công tác thông tin, tuyên truyền phổ biến pháp luật được tiến hành có hiệu quả từ cấp độ, quy mô của Tp. Hồ Chí Minh và các thành phố, quận, huyện trực thuộc, hiệu quả thấy rõ từ việc các Nxb do Tp. Hồ Chí Minh quản lý, Nxb của đại học, trường đại học tại Tp. Hồ Chí Minh trong thời gian gần đây hầu như không có những vi phạm lớn.
Thứ năm, công tácthanh tra, kiểm tra trong QLNN đối với HĐXB phát huy được hiệu quả, kịp thời. Công tác thanh tra, kiểm tra đã từng bước chuẩn hóa, chuyên nghiệp hơn, được tiến hành thực hiện đồng bộ và có nhiều đổi mới về phương thức, quy trình, thủ tục và có kế hoạch cụ thể hàng năm và đột xuất. Các cơ quan chức năng đã nghiêm túc thực hiện Quyết định số 283-QĐ/TW ngày 26/1/2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Quy định về sự phối hợp giữa Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông với các cơ quan đảng, cấp ủy, tổ chức đảng các cơ quan nhà nước, tổ chức đoàn thể trong công tác chỉ đạo, quản lý hoạt động xuất bản, Thông tư liên tịch số 16/2009/TTLT-BTTTT-BCA ngày 12/5/2009 của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an về Phối hợp phòng, chống in lậu. Thống kê số lần thanh tra, kiểm tra từ trung ương đến địa phương và quyết định xử lý vi phạm cho thấy các cấp quản lý đã có nhiều cố gắng trong việc thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm hành chính trong HĐXB.
Quá trình tổ chức xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách đã góp phần quan trọng vào sự ổn định, phát triển của HĐXB tại Tp. Hồ Chí Minh. Trong những năm gần đây, hầu hết các Nxb thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị trọng tâm của mình trong công tác xuất bản. Do đó, HĐXB vẫn giữ được sự ổn định và hàng năm có sự tăng trưởng cả về số cuốn và số bản. Việc triển khai các quy định pháp luật mới đã được các Nxb nghiêm túc thực hiện. Đồng thời chủ động chuyển đổi quy trình XB phù hợp với các quy định của Luật Xuất bản và các văn bản quy phạm pháp luật trong HĐXB. Hoạt động xuất bản đã có những thay đổi, tăng về số lượng, nâng cao chất lượng sản phẩm. Số đầu sách XB hàng năm đều tăng, đáp ứng nhu cầu của người sử dụng. Đặc biệt, một số Nxb như Nxb Tổng hợp và Nxb Trẻ đã tập trung xuất bản những cuốn sách chọn lọc, phù hợp với thị hiếu của khách hàng, đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Các Nxb tại Tp. Hồ Chí Minh đều đã áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ việc xuất bản XBP điện tử, khai trương hệ thống phát hành sách điện tử, đầu tư gói thầu xuất bản điện tử, hoặc xây dựng đề án xuất bản XBP điện tử.
Các đơn vị phát hành sách như Công ty Phát hành sách Tp. Hồ Chí Minh (FAHASA), Công ty Cổ phần Văn hóa Phương Nam... đã có nhiều cố gắng khắc phục khó khăn, năng động, tích cực tìm các biện pháp để hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển mạng lưới để đưa sách đến các địa bàn, đến các đối tượng chính sách xã hội, phục vụ tốt các nhiệm vụ chính trị, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của Tp. Hồ Chí Minh, đáp ứng nhu cầu sử dụng XBP của người dân thành phố. Nhiều đơn vị trong ngành chủ động và tích cực tổ chức có hiệu quả các đợt phát hành sách phục vụ tốt các nhiệm vụ chính trị trọng tâm như: Học tập và quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII; triển khai thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; các ngày lễ, kỷ niệm lớn của đất nước; tổ chức nhiều đợt phát hành sách tại những nơi khó khăn và có những hỗ trợ đối với các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Những hạn chế
Trong quản lý hoạt động xuất bản tại Thành phố Hồ Chí Minh, đã xuất hiện một số hạn chế quan trọng cần chú ý.
Trước hết, việc áp dụng chính sách Trung ương vào địa bàn thành phố không luôn hiệu quả, đặc biệt trong việc ban hành và thực hiện các quyết sách liên quan đến hoạt động xuất bản.
Còn chậm trễ trong việc xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, và pháp luật liên quan đến hoạt động xuất bản, chưa đáp ứng được sự phát triển đa dạng của ngành xuất bản tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Thiếu sự phối hợp trong quản lý giữa các cấp quản lý và giữa các bộ, ngành tại Trung ương, đặc biệt trong việc phòng chống in ấn lậu và chia sẻ thông tin.
Thủ tục hành chính còn quá phức tạp và chậm trễ, đặc biệt tại Trung ương, và công tác quản lý sau khi cấp phép chưa được chú trọng, dẫn đến việc không kiểm soát được thay đổi trong hoạt động của các cơ sở xuất bản.
Luật, Nghị định và Thông tư có nhiều bất cập trong việc thực hiện chế độ thông tin và báo cáo, đặc biệt liên quan đến việc cung cấp thông tin trùng lặp và không phản ánh thực tế.
Công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật không luôn hiệu quả, do biên chế cán bộ thanh tra còn hạn chế, cơ chế phối hợp chưa đồng bộ, và chế tài xử phạt hiện hành còn quá nhẹ.
Thế mạnh của HĐXB hiện nay là nhập khẩu XBP, tuy nhiên lĩnh vực này cũng còn một số hạn chế. Một số đơn vị chưa chấp hành tốt quy phạm pháp luật trong viêc thực hiện đăng ký danh mục xuất bản phẩm nhập khẩu, chưa thực hiện nghiêm túc việc thẩm định nội dung XBP nhập khẩu dẫn đến một số XBP đặc biệt là sách học ngoại ngữ bị làm giả, làm xấu môi trường HĐXB, không phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam dẫn đến việc thu hồi và buộc tiêu hủy XBP.
Tất cả những hạn chế này đòi hỏi sự quan tâm và cải thiện liên tục trong quản lý và phát triển hoạt động xuất bản tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Đề xuất các nhóm giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động xuất bản
Giải pháp về quản lý HĐXB tại Tp. Hồ Chí Minh trong bối cảnh hội nhập được xác lập từ hai góc nhìn về quản lý HĐXB là QTDN (quản lý hệ thống vận hành HĐXB) và QLNN về HĐXB. Bao gồm 7 nhóm giải pháp dưới đây.
Nhóm giải pháp hoàn thiện hệ thống văn bản quản lý:Đây là một nhiệm vụ quan trọng. Mục tiêu chính là đảm bảo quản lý hiệu quả và đồng bộ cho các đơn vị và chủ thể, đồng thời tạo ra chính sách xuất bản cập nhật dựa trên tình hình cụ thể của thành phố. Điều này bao gồm việc hỗ trợ nhà xuất bản trong thực hiện các chương trình sách quốc gia và sách mục tiêu, cùng với việc điều chỉnh Luật Xuất bản để thúc đẩy xuất bản điện tử, bảo vệ bản quyền và thương mại điện tử. Cuộc thảo luận và hội nghị công chúng là cần thiết để đảm bảo sự phản ánh đầy đủ của tình hình thực tế và nhu cầu ngành xuất bản trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay. Điều này sẽ giúp thúc đẩy phát triển và khả năng thích ứng của ngành xuất bản ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Nhóm giải pháp về chính sách xuất bản: Phát triển chính sách xuất bản dựa trên tình hình kinh tế - xã hội cụ thể và cơ chế địa phương. Chính sách này bao gồm hỗ trợ các nhà xuất bản thực hiện các chương trình sách quốc gia, sách mục tiêu, và chương trình văn hóa đọc cộng đồng thông qua hình thức xã hội hóa. Đồng thời, việc thành lập Quỹ hỗ trợ hoạt động xuất bản dưới hình thức công ty cũng được coi là một phần quan trọng của nhóm giải pháp này.
Nhóm giải pháp về quy hoạch: Để tổ chức hoạt động xuất bản một cách hiệu quả trong môi trường đô thị, Thành phố Hồ Chí Minh cần sắp xếp lại hệ thống nhà xuất bản theo hướng tinh gọn và hiện đại. Điều này có thể đạt được thông qua việc xác định tiêu chuẩn kỹ thuật cho các đường sách và nhà sách tại thành phố, cùng việc hoàn thiện quy hoạch trong từng lĩnh vực cụ thể. Quá trình phân cấp quy hoạch và quản lý hiệu quả, xác định trách nhiệm cụ thể của từng cấp và ngành để đảm bảo tính khả thi và đáp ứng nhu cầu địa phương cũng là một phần quan trọng trong nhóm giải pháp này.
Nhóm giải pháp về phương thức tổ chức hệ thống quản lý: Để đảm bảo quản lý xuất bản diễn ra một cách thống nhất và đồng bộ, Thành phố Hồ Chí Minh cần hình thành hệ thống quản lý cụ thể và liên ngành. Điều này có thể đạt được thông qua việc thành lập Ban quản lý liên ngành, bao gồm các thành viên đến từ chính quyền cơ sở, cơ quan chuyên trách về văn hóa, công an, và các cơ quan liên quan. Ngoài ra, sử dụng công nghệ, giám sát từ xa và quản lý điện tử có thể cải thiện phương thức quản lý. Cần tăng cường sự phân cấp cho quận và huyện để gia tăng trách nhiệm quản lý ở cơ sở, đồng thời cần thiết phải xem xét việc áp dụng quy định đặc thù thông qua các văn bản pháp luật cụ thể để phát triển các Trung tâm xuất bản công nghệ cao.
Nhóm giải pháp về truyền thông và nâng cao nhận thức: Để thúc đẩy hoạt động truyền thông và quản lý xuất bản, cần phối hợp với các cơ quan truyền thông để thể hiện đúng quan điểm của Đảng và Nhà nước về xuất bản, đồng thời cần cải thiện thông tin nội bộ để đảm bảo các đơn vị xuất bản hiểu rõ về định hướng phát triển. Sử dụng công nghệ thông tin để tạo kênh tiếp cận, truyền tải thông điệp về quản lý xuất bản và đào tạo đội ngũ quản lý cũng là một phần quan trọng của nhóm giải pháp này.
Nhóm giải pháp về xây dựng và tăng cường nguồn lực: Để đảm bảo quản lý hoạt động xuất bản diễn ra liên tục và hiệu quả, cần tăng cường nguồn lực vật chất và tài chính. Điều này đòi hỏi ổn định nguồn ngân sách Nhà nước và xem xét khả năng xã hội hóa nguồn tài chính. Đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ quản lý về quản lý văn hóa và xuất bản cũng là một phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng quản lý.
Nhóm giải pháp về công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra hoạt động xuất bản: Để cải thiện quản lý hoạt động xuất bản, cần thực hiện công tác thanh tra và kiểm tra định kỳ và đột xuất, đảm bảo tuân thủ các quy định về xuất bản và bản quyền. Điều này đòi hỏi tạo ra cơ chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng như Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Công Thương, Sở Tư pháp, và công an địa phương. Cần thiết phải xây dựng quy chế giám sát và thanh tra rõ ràng, đặc thù và hợp lý cho hoạt động xuất bản.
Nhóm giải pháp về hội nhập quốc tế: Để thúc đẩy hội nhập quốc tế, Thành phố Hồ Chí Minh cần điều tra nhu cầu và tiềm năng hợp tác với các đối tác quốc tế, tham gia các sự kiện và triển lãm quốc tế về xuất bản, và đẩy mạnh tiếp cận với thị trường quốc tế thông qua việc tạo cơ hội xuất khẩu sản phẩm xuất bản. Ngoài ra, việc xây dựng quan hệ hợp tác quốc tế với các nhà xuất bản, tác giả, và các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực xuất bản cũng là một phần quan trọng của nhóm giải pháp này.
Những nhóm giải pháp này khi được triển khai và thực hiện cùng nhau sẽ giúp cải thiện quản lý hoạt động xuất bản tại Thành phố Hồ Chí Minh, thúc đẩy sự phát triển của ngành xuất bản trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Thành Phố Hồ Chí Minh đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong quản lý hoạt động xuất bản, từ việc vận dụng pháp luật, điều chỉnh những văn bản quản lý chưa phù hợp và cải thiện quy trình hành chính, tới việc thúc đẩy sự phát triển của ngành xuất bản. Tuy nhiên, vẫn tồn tại những hạn chế cần được quan tâm và cải thiện liên tục. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng của tất cả các bên liên quan để đảm bảo sự ổn định và phát triển bền vững của hoạt động xuất bản tại Thành Phố Hồ Chí Minh.
TP. HCM 2023 - TTH