'Quan nhất thời, dân vạn đại'
Từ ngày được đề bạt làm trưởng phòng một cơ quan cấp tỉnh, ông thường 'đi cơ sở' nhiều hơn, phần lớn là đi theo kế hoạch của cơ quan, nhưng cũng có khi ông chủ động gặp lãnh đạo đơn vị này, công ty kia để hỏi thăm tình hình đơn vị, tiện thể nhắc nhở họ cẩn thận vì 'có dư luận không hay' về cá nhân lãnh đạo hoặc đơn vị. Chẳng bù khi còn là chuyên viên, mỗi lần có kế hoạch đi kiểm tra đơn vị này, hậu kiểm đơn vị kia, ông thường kiếm cớ thoái thác.
Thấy ông thay đổi như vậy, nhiều người trong cơ quan khen ông có tinh thần trách nhiệm cao, chủ động nắm tình hình địa bàn chứ không thụ động chờ báo cáo. Song lại có trường hợp túm năm tụm ba cạnh khóe:
- Trách nhiệm gì, ổng đi “nhát ma” người ta thì có!
- Là sao?
- Thì còn sao nữa, ổng là đầu mối tiếp nhận đơn thư. Những vụ việc quan trọng đương nhiên phải báo cáo lãnh đạo đơn vị và tham mưu xử lý. Còn những đơn thư nặc danh theo kiểu ghét nhau thì phá chơi, không có cơ sở giải quyết thì ổng “đi cơ sở” để “nhát ma” người ta đấy!
- Ôi dào, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chứ phải trẻ con đâu mà “nhát ma”. Hẳn ở những đơn vị ấy phải có điều gì không minh bạch thì các vị mới “có tật giật mình” chứ!
- Thử hỏi, một doanh nghiệp đang làm ăn bình thường, tự nhiên có người của cơ quan cấp trên đến vỗ vai nói nhỏ “cậu có vấn đề đấy, tôi đang cầm đơn thư đây”; hoặc “tôi vừa đọc bài báo về doanh nghiệp của cậu”, lại chả mất ăn mất ngủ à!
Điều đáng nói là kiểu thể hiện “tinh thần trách nhiệm” như ông này hiện không phải hiếm ở một số đơn vị có chức năng kiểm tra, giám sát hoạt động chuyên môn của các cơ quan, ban, ngành, địa phương, doanh nghiệp. Họ thường hay nói lấp lửng thông tin mình nắm được về các đơn vị, nhất là doanh nghiệp. Mà thời buổi làm ăn khó khăn, pháp luật vẫn còn nhiều kẽ hở, nếu tổ chức kiểm tra, thanh tra thì hầu hết đều không “dính” cái này cũng “mắc” cái kia. Trường hợp thanh, kiểm tra mà không có chuyện gì thì việc cả tháng hoặc vài tuần phải ngưng gặp đối tác, ngưng ký hợp đồng để lục tung đống giấy tờ, sổ sách từ vài năm trước phục vụ đoàn thanh, kiểm tra cũng đủ “chết” rồi. Ấy là chưa kể dư luận đồn đoán, đối tác nghi ngại khi làm ăn với một doanh nghiệp nay bị gọi hỏi, mai bị thanh tra!
Lại có trường hợp cán bộ làm việc trong cơ quan có chức năng kiểm tra, giám sát mắc bệnh ảo tưởng. Đi đến đâu họ cũng dương dương tự đắc, coi mình là người quan trọng, tìm mọi cách khuếch trương vị thế, năng lực bản thân và không biết lắng nghe, đồng cảm, tôn trọng ý kiến người khác. Họ đánh đồng việc khẳng định, đề cao giá trị bản thân với việc đánh bóng tên tuổi. Rồi từ ảo tưởng quyền lực, đánh bóng tên tuổi, họ chỉ thích những người xu nịnh, ngợi ca mình và cô lập, gây khó khăn cho người không cùng quan điểm, không biết nịnh bợ.
Thực tế, không chỉ những người trong giới showbiz thích sống trong hào quang, tiếng tăm mới mắc bệnh “ngôi sao” mà những nghề nghiệp, địa vị được xã hội trọng vọng như nhà ngoại giao, luật sư, thẩm phán, điều tra viên… cũng có không ít người mắc căn bệnh này. Khi được Nhà nước và nhân dân trao cho công quyền thì không ít người thay vì lấy việc dân, việc nước làm trọng lại biến công quyền thành tư quyền, coi quyền lực chính trị là quyền lực của riêng mình. Rồi từ kiêu căng, tự mãn sẽ rất nhanh dẫn tới lộng quyền, lạm quyền, vi phạm pháp luật. Thời gian qua, chúng ta đã chứng kiến không ít nhà ngoại giao, lãnh đạo một số bộ, ngành, tướng lĩnh quân đội chỉ vì ảo tưởng quyền lực mà trở thành nạn nhân của chính mình, vi phạm pháp luật. Hậu quả, nhẹ thì bị tước quyền chính trị, nặng thì bị tước quyền công dân. Cái giá đắt hơn là họ nêu tấm gương xấu, làm hoen ố uy tín, hình ảnh người cán bộ, đảng viên.
Thành ngữ Việt có câu “Quan nhất thời, dân vạn đại”, ý nói người làm quan chỉ có thời hạn, còn làm dân là mãi mãi. Quyền lực chính trị là quyền lực chung của cộng đồng, xã hội. Những người gánh vác sứ mệnh do Đảng và nhân dân giao phó phải có trách nhiệm với Đảng, với dân, với nước. Nếu ai không tuân thủ điều này sẽ dẫn tới ảo tưởng rồi tha hóa quyền lực và chắc chắn bị đào thải. Bởi thế, người làm quan phải biết trui rèn bản thân, để khi đương chức cũng như lúc mãn nhiệm đều được dân tin, dân quý và dân thương. Câu thành ngữ nêu trên không chỉ là lời nhắn nhủ sâu sắc với người làm quan mà còn khẳng định vai trò của dân trong mọi thời đại, mọi thể chế chính trị. Có như thế, lòng người mới quy phục, đất nước mới phát triển và non sông mới vững bền.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/33/163251/quan-nhat-thoi-dan-van-dai