Quan niệm 'hạnh phúc là cho đi' của người mẹ đặc biệt

Gần 20 năm nay gắn bó với những phận đời đặc biệt, bà Trần Thục Ninh, GĐ Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ em mồ côi Hà Cầu (quận Hà Đông, Hà Nội) nhớ như in từng thế hệ trẻ mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn từ 'mái ấm Hà Cầu' đã khôn lớn và trưởng thành.

Duyên nợ với phận đời đặc biệt

Đến thăm Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ em mồ côi Hà Cầu đúng dịp mùa Trung thu đang đến gần, chúng tôi thật bất ngờ khi những đứa trẻ dù lớn, dù bé, từ tiểu học đến sinh viên ĐH, CĐ hễ cứ gặp vị khách nào hay những người quen như bà giáo, các mẹ, các cô trong Trung tâm chúng đều lễ phép chào hỏi. Lối ứng xử “Tiên học lễ - Hậu học văn” của các em khiến tôi càng trân quý hơn về tấm lòng của bà Trần Thục Ninh.

Trong câu chuyện mở đầu, chúng tôi được biết trước khi nhận công tác về Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ em mồ côi Hà Cầu, bà Trần Thục Ninh từng là Hiệu trưởng của một trường mầm non, sau đó làm công tác quản lý tại Phòng Giáo dục và đào tạo TX Hà Đông, tỉnh Hà Tây (cũ). Sự nhạy bén, năng động, bà Trần Thục Ninh còn là người đầu tiên tổ chức lớp mầm non bán trú dành cho con em các cán bộ của tỉnh Hà Tây. Những tưởng cuộc đời bà sẽ an phận thủ thường sau công việc quản lý tại Phòng Giáo dục và Đào tạo thì đến gần sát tuổi nghỉ hưu, bà được tỉnh Hà Tây tin tưởng giao nhiệm vụ GĐ Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ em mồ côi Hà Cầu. Bà Thục Ninh chia sẻ: “Việc quản lý Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ em mồ côi Hà Cầu không chỉ là cái nghề mà còn là cái nghiệp”.

Năm 1999, bà Thục Ninh về đảm nhận công tác khi Trung tâm vừa thành thành lập được 1 năm. Có điều, bà không thể ngờ được là sau khi bà tiếp quản, vài tháng sau Trung tâm bị cắt đột ngột khoản tiền tài trợ hàng tháng. Trăn trở về việc làm sao có thể duy trì được bữa ăn hàng ngày cho những đứa trẻ vốn dĩ đã chịu nhiều thiệt thòi, bà Ninh tiếp tục gõ cửa nhiều đơn vị, DN. Thế nhưng, tiền trợ cấp không đủ nuôi hơn 50 đứa trẻ đang tuổi ăn, tuổi lớn. Thế là, môt mình bà “lặn lội thân cò”, đến các hộ trồng rau trong làng, xin rau về và đong nợ gạo. 5 năm đi “ăn đong, ăn vay” như thế cho đến khi Trung tâm được một tổ chức hảo tâm tặng 20 triệu đồng. Bằng sự nỗ lực của cô và trò, Trung tâm dần dần đi vào ổn định. Đến nay, Trung tâm đã trợ giúp 116 em trưởng thành, trong đó 36 em tốt nghiệp ĐH, CĐ, hầu hết các em đều tốt nghiệp THPT hoặc học nghề. Thời điểm hiện tại, Trung tâm đang nhận nuôi dưỡng 50 em.

Bà Trần Thục Ninh cho biết, Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ em mồ côi Hà Cầu hoạt động với mục đích chăm sóc toàn diện sức khỏe, nuôi dưỡng, giáo dục, học nghề. Đối tượng là trẻ mồ côi và trẻ có hoàn cảnh khó khăn. Có năm lên tới 86 em, nguồn kinh phí chủ yếu từ hỗ trợ của các tấm lòng hảo tâm trong nước và quốc tế.

Gần 20 năm qua, gắn bó với nhiều phận đời khác nhau, bà Thục Ninh vẫn không quên những hoàn cảnh đặc biệt như: Phùng Thị Thanh, Nguyễn Văn Nam, Nguyễn Thị Minh Yến… Em Phùng Thị Thanh vào Trung tâm từ năm 1998, khi đó em mới 6 tuổi. Bốn chị em Thanh mồ côi cả cha lẫn mẹ, ông bà già yếu. Từ khi vào Trung tâm được chăm sóc, nuôi dưỡng, bốn chị em Thanh đều khôn lớn, trưởng thành và có công việc ổn định. Mỗi lần trở về Trung tâm, Thanh đều chia sẻ: “Bà ơi, nếu con không có các bà, các mẹ, không biết chúng con sẽ dạt vào đâu. Chính sự rèn giũa nề nếp của bà từ mái ấm Trung tâm, con ra ngoài đời đỡ vất vả vì biết lo cho cuộc sống của mình”. Kể về trường hợp Nguyễn Văn Nam, bà Thục Ninh rưng rưng: “Nam là một trường hợp khá đặc biệt. Trước khi vào Trung tâm, Nam bị người mẹ mù lòa bán làm con nuôi cho một hộ gia đình ở quê với số tiền 1,7 triệu đồng. Khi biết sự việc, tôi đã nói chuyện với người mẹ và đưa tiền cho người mẹ để chuộc con về. Tuy nhiên, người mẹ không dám cầm tiền của tôi, tôi nhận lời sẽ đón Nam về Trung tâm. Nam học giỏi, từ tiểu học đến lớp 12 đều là học sinh giỏi toàn diện. Kỳ thi tuyển ĐH, CĐ 2017, Nam đỗ trường Học viện Kỹ thuật Mật mã. Nam từng nói với tôi, con cảm ơn bà và Trung tâm rất nhiều, nếu không, chắc con sẽ bị thất học. Cuộc đời con sẽ rẽ theo hướng khác”.

22g, bà Trần Thục Ninh, GĐ Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ em mồ côi Hà Cầu (quận Hà Đông, Hà Nội) vẫn làm việc tại văn phòng. Ảnh: VI GIÁNG

“Công sinh không bằng công dưỡng”

Dù không mang nặng đẻ đau, nhưng với bà Thục Ninh, 116 đứa trẻ trưởng thành hay hiện tại là “đàn con” 50 đứa trẻ thơ dại tại Trung tâm chính là niềm tin để bà vững bước “chân cứng đá mềm”. Việc nuôi dạy các cháu nhỏ đã khó, nhưng để giáo dục các cháu thành người tử tế thì khó khăn gấp bội. Bà Ninh cùng các mẹ đã phải cực nhọc uốn nắn những đứa trẻ từ khi chúng bỡ ngỡ vào Trung tâm. Vì thực tế, không phải đứa trẻ nào cũng ngoan hiền, có đứa lì lợm, bướng bỉnh, nhất là khi hoàn cảnh chúng không đủ cha, đủ mẹ. Thế nên, trong phương pháp giáo dục, bà và các mẹ tại Trung tâm đã phải liên tục đề ra nội quy để quản lý chặt chẽ từng hành động của đứa trẻ. Trung tâm đông trẻ mà số lượng các mẹ ít, vì vậy, bà vẫn duy trì giờ làm việc với các mẹ là 24/24g để quản lý các cháu được tốt nhất.

“Chúng tôi dạy các cháu từ việc nhỏ nhất như chào hỏi lễ phép khi gặp người lớn, ăn uống nhường nhịn ra sao, giúp đỡ các anh chị em cùng gia đình, giúp các mẹ sau giờ học… hay việc ngủ đúng giờ, tư thế ngồi học, cách cầm bút cho chuẩn… Thỉnh thoảng, tôi cũng tham gia sinh hoạt đột xuất với các gia đình để phát hiện những vấn đề chưa chuẩn, nhắc nhở các mẹ, các con những việc làm cho đúng nề nếp”, bà Thục Ninh nói.

Với những đứa trẻ tại Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ em mồ côi Hà Cầu, những người mẹ, các anh chị em trong Trung tâm giống như gia đình thứ hai của các em. Các em phần lớn là trẻ mồ côi, có những em hiện vẫn còn người thân nhưng do hoàn cảnh quá khó khăn, các em được gia đình gửi gắm tại Trung tâm để được chăm sóc, dạy dỗ, được học tập. Hàng tháng, các em có thể nhận được những món quà hay khoản tiền trợ cấp từ gia đình và các mạnh thường quân, nhiều em còn được gia đình “sắm” cho điện thoại để tiện liên lạc. Hiện nay, thời đại CNTT bùng nổ, các điện thoại thông minh giá rẻ nhưng vẫn truy cập được mạng xã hội, intenet nên dễ khiến những đứa trẻ bị thu hút. Sau thời gian quan sát, thấy việc các em mải mê với trò chơi điện tử, chat online mà lơ là việc học tập, dù có nhiều buổi sinh hoạt gia đình đề cập và chấn chỉnh, nhưng số ít các em vẫn còn hiện tượng “nghiện điện thoại”. Năm học mới này, Trung tâm đã đề ra nội quy các em tiểu học, THCS không được sử dụng điện thoại trong những ngày đi học ở trường. Bà Thục Ninh cho hay: “Tôi phải giải thích cặn kẽ với các cháu là bà và các mẹ ở Trung tâm sẽ giữ hộ điện thoại cho các con để các con chuyên tâm vào công việc học tập, nếu có những việc cần trao đổi bài vở, các con chủ động liên hệ các mẹ để lấy điện thoại gọi. Các em đều nhất trí. Thế nhưng, ngày đi thu điện thoại, nhiều em khống chế bằng cách dùng “chiêu” là con không có điện thoại, điện thoại con mượn đã trả cho bạn rồi, hoặc đưa điện thoại nhưng giữ lại sim…”.

Ngoài nội quy sử dụng điện thoại, Trung tâm cũng có nội quy về tiền lao động hàng tháng, tiền học bổng của các con được giao cho các mẹ quản lý. Do học tập và sinh hoạt tại Trung tâm đều được miễn phí, các em cũng không ăn uống nhiều ở ngoài, số tiền học bổng mà các mạnh thường quân và những người hảo tâm tài trợ đều được các em giữ lại như “của để dành”. “Bọn trẻ còn nhỏ, nên khó tránh khỏi việc các em chi tiêu phung phí, việc thu giữ tiền nhằm đề phòng các em lấy tiền chơi điện tử ngoài quán, bỏ bê việc học tập. Chúng tôi cũng giải thích với các con là gửi các mẹ giữ hộ, nếu các con có nhu cầu chi tiêu nhưng khoản chi đúng mục đích, các mẹ sẽ đưa tiền cho và việc gửi và nhận tiền bao nhiêu, các con sẽ tự ký vào sổ quản lý chi tiêu. Sổ tiền đó chúng tôi gọi là sổ tiết kiệm cho các cháu. Và hi vọng, sau này rời mái ấm, các cháu có vốn liếng để có thể tự lập được khi ra ngoài xã hội. Hiện tại, sổ tiết kiệm lớn nhất là 7 triệu đồng”, bà Ninh cho biết.

Gần 20 năm đảm nhận công việc quản lý Trung tâm, bà Trần Thục Ninh giống như một người cha, người mẹ và một người thầy trong cuộc đời mỗi đứa trẻ. Dịp Trung thu này, 50 em nhỏ tại Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ em mồ côi Hà Cầu được đón một mùa Trung thu đặc biệt với không gian đầy màu sắc từ lễ hội đèn lồng handmade thu nhỏ. Những gương mặt tò mò, háo hức khi lần đầu tiên cầm những chiếc đèn lồng được thắp sáng từ những chai lọ nhựa, nhiều hình thù đặc sắc. Khi các em nhỏ đang say sưa với lễ hội đèn lồng, được vui chơi và ríu rít tiếng cười, thì ở một góc sân, có một người bà, nay đã 73 tuổi vẫn dõi theo từng bước chân các em nhỏ, để hi vọng, các con sẽ khôn lớn và trưởng thành, trở thành công dân có ích cho xã hội.

Vi Giáng / PL&XH

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/quan-niem-hanh-phuc-la-cho-di-cua-nguoi-me-dac-biet-104666.html