Quan niệm về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các đảng bộ cấp xã

* Ông NGUYỄN HỒNG TRÀ, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy

(Tiếp theo kỳ trước)

BPO - Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các chi bộ, đảng bộ cấp xã thuộc đảng bộ một số huyện trên địa bàn tỉnh Bình Phước có tác động toàn diện tới bộ máy tổ chức, nguyên tắc sinh hoạt, hoạt động, cơ cấu nhân sự đội ngũ cán bộ, đảng viên, tới quy chế, quy trình, phương thức, biện pháp lãnh đạo của chi bộ, đảng bộ cấp xã… nhằm góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết của đảng bộ các huyện, Đảng bộ tỉnh, phù hợp với đặc điểm, yêu cầu nhiệm vụ của mỗi xã. Là tổng hợp các chủ trương, biện pháp của các chủ thể thông qua công tác chính trị, tư tưởng, tổ chức, chính sách, cán bộ nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu, quán triệt quan điểm, đường lối của Đảng, chỉ thị, nghị quyết của cấp trên, tình hình thực tế của xã để đề ra chủ trương, phương hướng, biện pháp lãnh đạo sát, đúng, phát huy vai trò sức mạnh cả hệ thống chính trị, các tổ chức, các lực lượng và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn xã thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh ở địa phương; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”.

Là chủ thể lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, ban thường vụ, huyện ủy, thị ủy, thành ủy và các cơ quan trực thuộc có vai trò rất quan trọng đối với nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các chi bộ, đảng bộ cấp xã, phường, thị trấn. Đặc biệt, đối với những huyện có điều kiện kinh tế khó khăn, biên giới và có đông đồng bào dân tộc thiểu số như: Bù Gia Mập, Bù Đăng, Lộc Ninh... trong điều kiện mặt bằng dân trí thấp, kinh nghiệm lãnh đạo của một số cấp ủy các xã còn hạn chế thì việc quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của các huyện ủy và cơ quan huyện ủy có vai trò rất quan trọng trong nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các chi bộ, đảng bộ cấp xã.

Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu là quy luật tất yếu trong suốt quá trình tồn tại, trưởng thành, phát triển của Đảng ta; là một nội dung trọng tâm, then chốt trong công tác xây dựng Đảng hiện nay. Tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ) là nền tảng của Đảng, hạt nhân chính trị lãnh đạo hoạt động của cơ quan, đơn vị. Vì vậy, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các TCCSĐ là cơ sở vững chắc đảm bảo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của cách mạng, giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Một trong những nhiệm vụ của người đảng viên được quy định trong Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam là không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao là một tiêu chí cơ bản, đầu tiên để đánh giá chất lượng đảng viên hằng năm của các chi bộ, đảng bộ. Để hoàn thành tốt mọi công việc, yêu cầu cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần và ý thức trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn một cách hiệu quả và chất lượng nhất.

Từ năm 2007-2020, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-TW, Chỉ thị số 05/CT-TW về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Hằng năm, cấp ủy trên địa bàn tỉnh đều ban hành các chuyên đề học tập sát với thực tế và gần gũi đến cán bộ, đảng viên. Nhìn chung, qua các chuyên đề học tập đều nhấn mạnh đến vấn đề đoàn kết, nêu gương của cán bộ, đảng viên; tính tiên phong gương mẫu; ý thức trách nhiệm, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Qua đó, cán bộ, đảng viên trong tỉnh đã xác định được mình cần làm gì và làm như thế nào để nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc được giao. Với nhiệm vụ được phân công, cán bộ, đảng viên khi được giao bất cứ công việc gì, dù lớn hay nhỏ, khó hay dễ, người được giao việc đã luôn ý thức, đem hết tinh thần trách nhiệm để thực hiện công việc một cách tự giác, làm đến nơi, đến chốn để đạt kết quả tốt nhất.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, chất lượng cán bộ, công chức cấp xã trên địa bàn tỉnh, nhất là ở những xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn thấp so với yêu cầu nhiệm vụ. Một số cán bộ, công chức cấp xã ở một số nơi do chuyển dịch từ cơ chế cũ được hình thành từ nhiều nguồn nên cơ cấu chưa đồng bộ, phẩm chất, năng lực chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Trình độ các mặt của một số cán bộ cấp xã còn thấp so với yêu cầu nhiệm vụ. Cá biệt một số nơi vẫn còn tình trạng cán bộ đi học theo kiểu hợp thức hóa bằng cấp để đủ tiêu chuẩn theo quy định. Nhiều cán bộ dù đã đạt chuẩn nhưng chưa được đào tạo, bồi dưỡng có hệ thống. Một số cán bộ chưa chịu khó học tập, rèn luyện tác phong, nền nếp, làm việc chậm, thiếu sáng tạo.

Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của chi bộ, TCCSĐ, đảng bộ cấp xã thuộc đảng bộ một số huyện trên địa bàn tỉnh Bình Phước là nhằm nâng lên một bước về khả năng của tập thể cấp ủy, chi bộ, TCCSĐ, đảng bộ trong nghiên cứu, quán triệt quan điểm, đường lối của Đảng, chỉ thị, nghị quyết của cấp trên, tình hình thực tế của xã để đề ra chủ trương, phương hướng, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, phát huy vai trò sức mạnh cả hệ thống chính trị, các tổ chức, các lực lượng và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn xã đoàn kết, thống nhất thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị và phong trào thi đua của địa phương.

Những tồn tại nêu trên không thể khắc phục trong một sớm, một chiều nếu người lãnh đạo, người cán bộ, đảng viên từ cơ sở không có tinh thần, ý thức trách nhiệm, sẽ triển khai công việc một cách đại khái, qua loa, làm cho xong, cho có hoặc dễ thì làm, khó thì bỏ và dẫn đến kết quả chất lượng công việc không cao, không đạt yêu cầu đề ra. Ý thức trách nhiệm của mỗi người được thể hiện qua việc nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện đúng và sáng tạo đường lối đó. Ý thức trách nhiệm sẽ quyết định đến chất lượng, hiệu quả công việc và để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao đòi hỏi cán bộ, đảng viên phải nâng cao tinh thần, ý thức trách nhiệm.

Để góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu các TCCSĐ, đảng bộ cấp xã cần khẩn trương thực hiện một số giải pháp cơ bản sau:

Tiếp tục rà soát, tổng hợp đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã không đạt tiêu chuẩn theo quy định; cán bộ, công chức đạt chuẩn về trình độ nhưng có độ tuổi cao, năng lực hạn chế chưa đủ điều kiện nghỉ hưu để tham mưu cấp có thẩm quyền xem xét từng trường hợp cụ thể, vận dụng chính sách khuyến khích hợp lý theo Đề án 999 của Tỉnh ủy.

Phối hợp thực hiện tốt việc bố trí, bổ nhiệm cán bộ cấp xã; quan tâm thực hiện tốt công tác quy hoạch, bồi dưỡng và bổ nhiệm, bổ nhiệm lại các vị trí cấp trưởng, phó của các bộ phận công tác tại địa phương đảm bảo yêu cầu về trình độ, năng lực, chú ý ưu tiên theo lĩnh vực công tác, lĩnh vực có liên quan theo ngành nghề đào tạo của cán bộ, công chức đã được đào tạo.

Khuyến khích, động viên cán bộ, đảng viên nâng cao tính chủ động trong công việc, vận dụng một cách cụ thể, phù hợp vào lĩnh vực công việc chuyên môn được phân công, phụ trách. Từ đó, nâng cao ý thức trách nhiệm trong công việc khi được lãnh đạo phân công để thực hiện.

Đổi mới phương thức làm việc, yêu cầu cán bộ, đảng viên phải xây dựng phương pháp làm việc khoa học, xây dựng kế hoạch cụ thể cho công việc của mình, có lịch làm việc cụ thể cho tuần, tháng, quý để khi triển khai công việc sẽ đảm bảo đúng tiến độ theo kế hoạch và đạt chất lượng cao. Khi có công việc được giao, phải tranh thủ thời gian, dồn tâm sức để thực hiện và giải quyết một cách dứt khoát, việc nào xong việc nấy.

Định hướng cho cán bộ, đảng viên có tính chủ động nghiên cứu, đề xuất sáng kiến trong triển khai thực hiện công việc chuyên môn theo chức năng, nhiệm vụ được giao với tinh thần trách nhiệm cao, tạo sự đổi mới thực sự trong tư duy, phương pháp làm việc nhằm nâng cao hiệu quả công tác tham mưu. Khuyến khích cán bộ, đảng viên nêu cao ý thức tự giác nghiên cứu, nắm vững nội dung công việc chuyên môn, tham mưu lãnh đạo “đúng và trúng” vấn đề, từ đó công tác tham mưu mới hiệu quả cao.

Như vậy, phải nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong mọi lĩnh vực công tác, trước tiên là thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Mỗi cán bộ, đảng viên cần nhận thức đúng vị trí, vai trò và chức năng của mình trong mọi việc làm, hành động, không ngừng rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, phát huy vai trò gương mẫu trong mọi lĩnh vực công tác. Từ đó không ngừng phấn đấu thực hiện tốt mọi nhiệm vụ được phân công, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của cơ quan và TCCSĐ, chi bộ, đảng bộ chính là từng bước nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các đảng bộ cấp xã thuộc đảng bộ một số huyện trên địa bàn tỉnh Bình Phước hiện nay.

(còn nữa)

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/131767/quan-niem-ve-nang-cao-nang-luc-lanh-dao-suc-chien-dau-cua-cac-dang-bo-cap-xa