Quân nổi dậy Syria chiếm sân bay Aleppo, tấn công sang Hama
Giới quan sát cho biết lực lượng phiến quân ngày 1/12 đã chiếm được sân bay và học viện quân sự của thành phố Aleppo, đồng thời đang tấn công vùng ngoại ô thành phố Hama ở phía tây.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Syria cho biết quân đội trung thành với Tổng thống Bashar al-Assad đang tìm cách đẩy lùi quân nổi dậy, tăng cường lính tiếp viện và không kích vào Aleppo. Hôm 30/11, phiến quân bất ngờ chiếm được phần lớn Aleppo. Hiện họ kiểm soát một vùng rộng lớp trên khắp các tỉnh Hama, Idlib và Aleppo, ở phía tây và tây bắc Syria.
Về phần mình, quân nổi dậy tuyên bố đã nắm trong tay toàn bộ Idlib và yêu cầu lực lượng người Kurd ở Aleppo phải rời đi cùng với vũ khí đến phía đông bắc.
Trong khi đó, tờ New York Times nhận định phiến quân kiểm soát một số khu vực của tỉnh Hama, các khu phố phía đông thành phố Aleppo và một số vùng nông thôn. Bên ngoài thành phố Hama, quân đội Syria dường như đã bỏ lại xe quân sự hết nhiên liệu dọc khắp các con đường.
Vai trò của các bên liên quan
Theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Syria, quân đội Syria đang chiến đấu bảo vệ Hama khỏi cảnh ngập tràn lính phiến quân. Quân tiếp viện hiện diện ở các tuyến phòng thủ xung quanh Hama cùng một số thành phố và làng mạc gần đó. Máy bay chiến đấu của chính phủ Syria cũng ném bom khu vực do quân nổi dậy nắm giữ, trong đó có các mục tiêu trên khắp thành phố Aleppo.
Tổ chức này thông tin chính phủ Syria đang nhận hỗ trợ từ các máy bay chiến đấu của Nga, tấn công các mục tiêu khắp vùng nông thôn gần Hama và tỉnh Idlib.
Nga nhiều lần hỗ trợ ông al-Assad kể từ đầu nội chiến Syria năm 2011. Máy bay chiến đấu của Nga được triển khai tại Syria và đóng vai trò quan trọng giúp vị tổng thống giành lại Aleppo từ tay lực lượng phiến quân vào năm 2016. Chính phủ Syria cũng trông cậy vào hỗ trợ quân sự và chính trị từ Iran cùng lực lượng Hezbollah của Lebanon.
Liên minh nổi dậy lần này do nhóm Hayat Tahrir al-Sham đứng đầu. Nhóm này từng kết nối với Al Qaeda nhưng đã công khai cắt đứt quan hệ từ nhiều năm trước. Các nhóm phiến quân được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn cũng góp mặt lần này.
Mỹ coi Hayat Tahrir al-Sham là một tổ chức khủng bố. Jake Sullivan - Cố vấn An ninh Quốc gia - ngày 1/12 chia sẻ Mỹ “rất quan ngại về kế hoạch và mục tiêu của tổ chức này”.
Sean Savett - phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ - tuyên bố “Mỹ không liên quan gì đến cuộc tấn công lần này".
“Mỹ cùng với các đối tác và đồng minh thúc giục giảm leo thang, bảo vệ dân thường và các nhóm thiểu số. Một tiến trình chính trị nghiêm túc và đáng tin cậy có thể chấm dứt xung đột một lần và mãi mãi”, ông nói.
Tham vọng của phe nổi dậy
Hayat Tahrir al-Sham bắt đầu với cái tên Nusra Front, phe cực đoan được thành lập như một nhánh của Al Qaeda và nổi lên vào đầu nội chiến Syria. Theo giới phân tích, tới năm 2017, lực lượng này bắt đầu áp dụng cách tiếp cận thực dụng hơn các nhóm cứng rắn khác, chọn ưu tiên bảo vệ Idlib thay vì tiếp tục phát động các cuộc tấn công lớn chống lại phe ông al-Assad.
Hayat Tahrir al-Sham sau đó dần tách biệt với Al Qaeda, thậm chí còn bắt giữ một số người có liên hệ với tổ chức này. Nhóm đã hợp tác với các tổ chức cứu trợ, nhà báo và nhà nghiên cứu phương Tây, đồng thời tìm cách móc nối nền kinh tế Idlib với thế giới bên ngoài, phát triển nông nghiệp và công nghiệp khu vực, cung cấp các dịch vụ cho người dân.
Hayat Tahrir al-Sham tham vọng thay thế chính quyền Tổng thống Assad bằng một chính quyền nới lỏng các nguyên tắc Hồi giáo. Giới phân tích nhận định dù cách giải thích về Hồi giáo của nhóm vẫn rất bảo thủ, cách quản lý của Hayat Tahrir al-Sham được đánh giá là ít giáo điều hơn đáng kể.
Hiện tại, Hayat Tahrir al-Sham dường như đang tìm cách mở rộng quyền kiểm soát này sang Aleppo.
Trong một tuyên bố, chính phủ Syria cho biết ông al-Assad đã nói chuyện với lãnh đạo Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Iraq hôm 30/11, tuyên bố sẽ “đánh bại những kẻ khủng bố, bất kể cường độ tấn công của họ". Các quan chức Syria thường gọi quân nổi dậy là khủng bố.
Theo quân đội Syria hôm 30/11, hoạt động đẩy lùi quân nổi dậy đang tiến triển “thành công” và họ sẽ sớm phản công. Quân đội cũng khẳng định các nhóm vũ trang đang phát tán “tin tức sai lệch” để “làm suy yếu tinh thần của người dân và quân đội dũng cảm của chúng ta.”
Tổng thống Iran, Masoud Pezeshkian, đã đề cập đến tình hình Syria trước Quốc hội hôm 1/12. Ông Pezeshkian kêu gọi “các quốc gia Hồi giáo phải can thiệp để ngăn chặn Mỹ và Israel lợi dụng xung đột nội bộ và khủng hoảng tiếp diễn”.
Cùng ngày 1/12, Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi đã đến Damascus. Ali Moujani, một nhà ngoại giao Iran, cho biết chuyến đi này là động thái thể hiện sự ủng hộ với chính phủ Syria.