Quán quân về đâu?

Một thời gian rất dài, hàng loạt quán quân các chương trình gameshow và truyền hình thực tế cứ đến rồi đi, như một đốm lửa le lói rồi chìm vào quên lãng. Mãi cho đến gần đây, khi 2 cuộc thi về nhạc rap xướng danh những người chiến thắng, nhiều người mới chợt nhớ và bàn luận về hai chữ quán quân.

Dế Choắt và ICD lần lượt giành chiến thắng tại Rap Việt và King of Rap sau đêm chung kết và một hành trình đầy kịch tính. Đã từ rất lâu, truyền hình thực tế Việt, đặc biệt ở mảng thi thố âm nhạc, sức nóng ấy mới được hâm nóng trở lại.

Điều này có thể lý giải bởi so với các cuộc thi thường chú trọng đến dòng nhạc trẻ, trữ tình, lần đầu tiên thể loại rap được đưa lên “sàn” thi thố với quy mô lớn. Một lý do thậm chí quan trọng hơn so với hình dung mang tính “cưỡi ngựa xem hoa” về rap, đó là các thí sinh đã góp phần thay đổi cách nhìn nhận của khán giả. Nhiều màn trình diễn phản ánh những vấn đề nhân sinh, cuộc sống, lấy chất liệu từ văn hóa dân gian, thay vì chỉ có những câu chuyện tình sướt mướt. Sự tươi mới ấy cùng chất lượng của dàn thí sinh đã bảo chứng để mỗi tập phát sóng không chỉ thu hút hàng triệu lượt xem trên YouTube mà còn tạo nên những tranh cãi trái chiều.

Không quá lời khi nói rằng, hai cuộc thi đã tái hiện lại không khí sôi động của thời mà những: Thần tượng âm nhạc Việt Nam, Giọng hát Việt, Nhân tố bí ẩn, Solo cùng Bolero… từng mang lại. Và điều này vô cùng cần thiết cho bức tranh gameshow, truyền hình thực tế Việt ở giai đoạn đang bão hòa, cần liên tục có sự thay máu.

Sẽ không thể nói trước về tương lai của Dế Choắt, ICD hay những gương mặt tiềm năng của hai cuộc thi nói trên, dù họ đang có những nền tảng, lợi thế rất lớn để có thể khẳng định mình trong làng nghệ thuật. Nhưng có một điều chắc chắn, họ đã không bị rơi vào quên lãng như nhiều quán quân của các chương trình thi thố trong vài năm trở lại đây.

Khán giả theo dõi sóng truyền hình gần đây, đặc biệt ấn tượng với Ca sĩ ẩn danh - chương trình giúp những tài năng vang bóng trong quá khứ hay các ca sĩ trẻ có cơ hội đứng trên một sân khấu lớn. Trong số đó, rất nhiều người từng là quán quân các cuộc thi có cơ hội để trải lòng mình. Có người từng thừa nhận “dành cả thanh xuân” để đi thi. Những quán quân như thế đã xuất hiện, một phút lóe sáng và rồi nhanh chóng chìm vào số đông. Không thể so sánh tài năng của quán quân này với quán quân khác, vì mỗi cuộc thi có tiêu chí riêng và mỗi người có sở trường riêng. Khi truyền hình nở rộ các cuộc thi thố, nhiều thí sinh chấp nhận “nhẵn mặt” ở các sân chơi để đạt mục đích của mình - hoặc kiếm tiền hoặc kiếm danh hiệu. Nhưng đáng tiếc thay, ngay cả khi lên ngôi cao nhất, nhận giải thưởng có khi lên đến vài trăm triệu đồng thì họ vẫn cứ chỉ là những “ngôi sao lặng lẽ” - lặng lẽ sống, lặng lẽ làm nghề và đôi khi rơi vào trầm cảm của vòng xoáy hào quang.

Để vươn lên thành ngôi sao được hàng triệu khán giả biết đến, công thức “from zero to hero” (từ số 0 đến người hùng) hay “nổi tiếng sau một đêm” giờ không hẳn đúng đắn. Tài năng là điều chắc chắn, nhưng đã là nghệ sĩ, nếu không có dấu ấn, bản sắc riêng, cái tâm với nghề, sự khổ luyện và đặc biệt là sự may mắn, mọi thứ sẽ trượt khỏi tầm với. Đường dài mới biết ngựa hay. Xét cho cùng, để đi đường dài trong nghệ thuật, bệ phóng từ một cuộc thi cũng quan trọng và có thể là điều kiện cần, nhưng chưa bao giờ là điều kiện đủ.

HẢI DUY

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/quan-quan-ve-dau-699286.html