Quân sự thế giới hôm nay (15-9): Nga triển khai xe yểm trợ hỏa lực BMPT-72 tới Ukraine?
Quân sự thế giới hôm nay (15-9-2024) có những nội dung sau: Nga triển khai xe yểm trợ hỏa lực BMPT-72 tới Ukraine? Ấn Độ thử nghiệm thành công xe tăng hạng nhẹ Zorawar; phương tiện nào giúp Nam Phi lọt tốp đầu các quốc gia sản xuất UAV?
* Nga triển khai xe yểm trợ hỏa lực BMPT-72 tới Ukraine?
Army Recognition dẫn thông tin từ trang tin tức Vestnik-RM của Nga cho biết, Quân đội Nga có thể triển khai xe chiến đấu bộ binh BMPT-72 Terminator 2 (kẻ hủy diệt 2) tới Ukraine.
Phiên bản BMPT-72 Terminator 2 được thiết kế để yểm trợ xe tăng và bộ binh trong môi trường chiến đấu nhiều thách thức. Ưu điểm của BMPT-72 Terminator 2 là tính linh hoạt trong sản xuất khi có thể tận dụng khung gầm xe tăng T-72 vốn có nhiều trong kho vũ khí của Nga, từ đó giảm giá thành và cho phép sản xuất số lượng lớn. So với các phiên bản khác, BMPT-72 Terminator 2 có trọng lượng nhẹ hơn nhờ được đặt trên khung gầm T-72, trong khi các phiên bản BMPT Terminator 1 sử dụng khung gầm T90.
BMPT-72 Terminator 2 có lớp giáp chắc chắn và hệ thống hỏa lực mạnh được thiết kế cho tác chiến đô thị và hỗ trợ xe tăng. Dù không có hệ thống giáp tiên tiến của xe tăng T-90 với giáp phản ứng nổ Kontakt-5, nhưng BMPT-72 Terminator 2 có thể được trang bị các bản nâng cấp phản ứng nổ hiện đại để tăng khả năng sống sót.
Vũ khí của BMPT-72 Terminator 2 bao gồm 2 pháo tự động 2A42 30mm, 4 tên lửa chống tăng có điều khiển 9M120 Ataka và vũ khí phụ như súng máy PKTM 7,62mm và súng phóng lựu tự động.
Dòng BMPT mà Nga đang sử dụng là BMPT Terminator mẫu 2017, phiên bản nâng cấp của BMPT-72 Terminator 2, được đưa vào biên chế vào cuối thập niên 2010. BMPT mẫu 2017 cũng sử dụng khung gầm T-72 nhưng có nhiều cải tiến và hiện đại hóa so với phiên bản Terminator 2. Phiên bản này vẫn giữ nguyên vũ khí cốt lõi của phiên bản tiền nhiệm, nhưng sở hữu hệ thống kiểm soát hỏa lực cải tiến và khả năng bảo vệ tốt hơn, giúp hoạt động hiệu quả hơn trong môi trường tác chiến hiện đại.
* Ấn Độ đạt được thành công quan trọng trong thử nghiệm xe tăng hạng nhẹ Zorawar
Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển quốc phòng Ấn Độ vừa công bố giai đoạn thử nghiệm thực địa đầu tiên trong dự án xe tăng hạng nhẹ Zorawar của nước này đã thành công. Sự kiện đánh dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển xe tăng mới này.
Theo thông tin từ Army Recognition, cuộc thử nghiệm được tiến hành trong điều kiện khắc nghiệt của địa hình sa mạc và đã đạt được tất cả các mục tiêu đề ra. Kết quả thử nghiệm cho thấy khả năng và độ chính xác của xe tăng.
Tháng 9-2022, các nguồn tin xác nhận rằng Công ty Larsen & Toubro của Ấn Độ đã được chọn làm đối tác phát triển cho "xe tăng leo núi" này. Các báo cáo công bố từ tháng 4-2023 cho thấy, Quân đội Ấn Độ có dự định đưa vào biên chế tới 700 đơn vị xe tăng hạng nhẹ này, giúp tăng cường đáng kể năng lực cho lực lượng thiết giáp của quốc gia này ở những khu vực có độ cao mà xe tăng chiến đấu chủ lực hạng nặng hơn như T-72, T-90 và Arjun Mk1 và Mk2 gặp nhiều khó khăn.
Dự án xe tăng hạng nhẹ Zorawar của Quân đội Ấn Độ là một trong những nỗ lực nhằm hiện đại hóa hệ thống xe thiết giáp của nước này, được thiết kế đặc biệt để nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu ở khu vực có địa hình khó khăn. Sau khi hoàn thành các giai đoạn thử nghiệm, Zorawar dự kiến sẽ được đưa vào hoạt động vào năm 2027, với khoảng 354 chiếc sẽ được đưa vào biên chế.
Zorawar được đặt theo tên của Tướng Zorawar Singh, một nhà lãnh đạo quân sự nổi tiếng thế kỷ 19. Với trọng lượng khoảng 25 tấn, xe được thiết kế để có thể triển khai nhanh chóng ở địa hình cao, gồ ghề. Xe được trang bị tháp pháo Cockerill 3105 với pháo cỡ nòng 105mm, cung cấp hỏa lực đáng kể để tấn công các mục tiêu bọc thép và các vị trí kiên cố.
Với lợi thế cơ động, xe tăng hạng nhẹ đang đóng vai trò quan trọng trong tác chiến, đặc biệt là ở vùng đồi núi. Những chiếc xe tăng nhẹ hơn, cơ động hơn có thể được vận chuyển nhanh chóng bằng đường không. Sự linh hoạt này có thể giúp quốc gia sở hữu duy trì thế phòng thủ mạnh mẽ và ứng phó với các mối đe dọa.
* Sản phẩm nào giúp Nam Phi lọt top các quốc gia sản xuất UAV lớn nhất thế giới?
Công ty quốc phòng tư nhân Milkor của Nam Phi đã đưa quốc gia này vào danh sách các quốc gia sản xuất máy bay không người lái (UAV) lớn nhất thế giới với UAV tầm trung, thời gian bay dài Milkor 380.
Theo Giám đốc tiếp thị và truyền thông của Milkor, Daniel du Plessis, nhận ra tiềm năng của phương tiện này, công ty đã bắt đầu xây dựng một nhóm thiết kế và sản xuất với đội ngũ lên tới 350 nhân viên, trong đó 80% là kỹ sư. Thách thức đặt ra là công ty phải tự phát triển gần như mọi chi tiết của Milkor 380, từ khung máy bay và hệ thống điện tử hàng không đến hệ thống liên lạc.
Được thiết kế với khả năng cất cánh và hạ cánh tự động, Milkor 380 có thể hoạt động trong phạm vi 250km thông qua một trạm điều khiển trên mặt đất nhưng có thể được quản lý ở khoảng cách xa hơn bằng cách sử dụng liên lạc vệ tinh. Sự linh hoạt này cho phép UAV thực hiện đa nhiệm vụ, bao gồm thu thập thông tin tình báo, trinh sát, giám sát hàng hải và biên giới, cũng như khả năng tấn công nếu cần.
Về hiệu suất, UAV có phạm vi hoạt động hơn 2.000km và thời gian bay là 35 giờ, với sức chứa nhiên liệu là 515kg và giới hạn tải trọng là 220kg. Tốc độ của Milkor 380 có thể đạt tới 250km/giờ, với tốc độ bay hành trình từ 110 đến 150km/giờ. Phương tiện có thể bay ở độ cao lên tới 9km, mặc dù độ cao hoạt động bình thường của nó là từ 4,5km đến 5,4km.
Mặc dù Milkor 380 có thể được trang bị vũ khí cho nhiệm vụ chiến đấu, nhưng độ bền cũng như phạm vi hoạt động bị hạn chế. Theo ông Daniel du Plessis, Milkor 380 dễ bị tấn công bởi các tên lửa đất đối không vác vai hiện đại và không phù hợp với các khu vực chiến đấu cường độ cao. Thay vào đó, phương tiện này hoạt động hiệu quả nhất trong vai trò yểm trợ trên không cho lực lượng mặt đất.
TRẦN HOÀI (tổng hợp)
* Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.