Quân sự thế giới hôm nay (17-7): Nga tiêu diệt tên lửa S-200, Ukraine phá hủy radar phòng không S-400
Bản tin Quân sự thế giới hôm nay (17-7) có những thông tin đáng chú ý sau: Nga tiêu diệt tên lửa S-200, Ukraine phá hủy radar phòng không S-400; Kosovo mua máy bay không người lái quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ; Hàn Quốc - Mỹ - Nhật Bản; Nga - Trung Quốc đồng loạt tập trận.
* Nga tiêu diệt tên lửa S-200 và máy bay không người lái, Ukraine phá hủy radar phòng không S-400
Ngày 17-7, TASS dẫn lời người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov cho biết: “Các hệ thống phòng không đã đánh chặn thành công 3 tên lửa HIMARS và 2 tên lửa đất đối không S-200 được trang bị lại thành vũ khí tấn công các mục tiêu mặt đất”.
Theo ông Konashenkov, 13 máy bay không người lái của Ukraine cũng đã bị tiêu diệt gần các khu định cư Pilipovka ở Luhansk và Tripolye ở Donetsk, Pologi, Chapayevka, Azov, Tokmak và Lyubimovka thuộc vùng Zaporozhye, Novaya Kakhovka thuộc vùng Kherson. Ngoài ra, quân đội Nga phá hủy 3 hệ thống pháo M777 do Mỹ sản xuất ở khu vực Kherson.
Bộ Quốc phòng Nga cũng tuyên bố đã tiêu diệt 7 máy bay không người lái và 2 phương tiện không người lái dưới nước của Ukraine tấn công một căn cứ hải quân quan trọng ở Crimea. Đây là căn cứ hải quân gần Sevastopol và các cuộc tấn công xảy ra vào sáng Chủ nhật ngày 16-7 nhưng không gây ra thương vong hay thiệt hại nào. Phía Nga gọi đây là một “cuộc tấn công khủng bố”.
Trong tuyên bố đăng trên Telegram, Bộ Quốc phòng Nga cho biết thêm: Hai máy bay không người lái đã bị phá hủy “cách bờ biển một khoảng rất xa” và 5 chiếc khác đã bị chế áp điện tử; 2 phương tiện không người lái dưới nước đã bị phát hiện và bị phá hủy ở phía Bắc Biển Đen. Một số phương tiện giao thông công cộng trong khu vực như phà chở khách đã bị tạm hoãn hoạt động trong sáng ngày Chủ nhật.
Phía Ukraine chưa đưa ra bình luận nào, nhưng lại đưa ra thông báo lần đầu tiên phá hủy hệ thống radar tên lửa phòng không 92N6A thuộc tổ hợp tên lửa S-400 hiện đại của Nga. Theo các thông tin nguồn mở, trước đây Ukraine từng phá hủy một số bộ phận cấu thành của tổ hợp tên lửa phòng không S-400 nhưng đây là lần đầu tiên phá hủy được hệ thống radar 92N6A.
Hệ thống phòng không S-400 Triumph của Nga (định danh NATO: SA-21 Growler) là một trong những hệ thống phòng không tầm xa hiện đại nhất thế giới. S-400 có khả năng theo dõi và vô hiệu hóa nhiều mục tiêu trên không khác nhau, bao gồm cả máy bay trinh sát và tên lửa đạn đạo, ở phạm vi lên tới 400km.
* Kosovo mua máy bay không người lái TB-2 của Thổ Nhĩ Kỳ
Theo Yahoo News, Kosovo đã nhận máy bay không người lái quân sự Bayraktar TB-2 do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất. Ngày 16-7, Thủ tướng Kosovo Albin Kurti đã đưa ra thông tin này với tấm hình chụp cùng máy bay không người lái TB-2 trên trang fanpage chính thức của mình.
Tuy nhiên, ông Kurti không tiết lộ số lượng máy bay và giá trị thương vụ lần này cũng như mục đích sử dụng sắp tới của những chiếc TB-2. Ông chỉ cho biết chi tiêu quân sự gần đây là để đảm bảo an ninh cho đất nước và trong 2 năm gần đây chính phủ Kosovo đã tăng thêm 80% quân số và tăng 100% chi tiêu quốc phòng.
Kosovo dự định sẽ xây dựng một quân đội với 5.000 quân thường trực và 3.000 quân dự bị. Hiện tại có khoảng hơn 4.500 quân NATO đảm bảo an ninh (gìn giữ hòa bình) cho 1.8 triệu người dân Kosovo.
Kosovo đang phải đối mặt với bạo lực sắc tộc gia tăng ở khu vực phía Bắc, nơi có khoảng 50.000 người Serbia sinh sống. Rắc rối nổ ra từ tháng 5 vừa qua khi các thị trưởng người Albania nhậm chức sau cuộc bầu cử địa phương bị người Serbia tẩy chay. Sau khi bạo lực xảy ra, Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic đã đặt quân đội vào tình trạng báo động chiến đấu và điều động nhiều đơn vị đến gần biên giới với Kosovo.
Kosovo đặt mục tiêu gia nhập NATO nhưng 4 thành viên của khối vẫn chưa công nhận nền độc lập của Kosovo sau khi tách ra khỏi Serbia vào năm 2008.
* Hàn Quốc - Mỹ - Nhật Bản; Nga - Trung Quốc đồng loạt tập trận
Theo Azernews, ngày 16-7, hải quân Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản đã bắt đầu cuộc tập trận chung sau vụ phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-18 của Triều Tiên. Các hoạt động trong cuộc tập trận được tiến hành ở vùng Biển Nhật Bản sẽ có nội dung bắn đạn thật, tìm kiếm và theo dõi tên lửa thông thường, trao đổi thông tin trong trường hợp bị tấn công bằng tên lửa đạn đạo. Trước đó, vào tháng 4, một cuộc tập trận hải quân ba bên tương tự cũng đã được thực hiện.
Cũng trong ngày 16-7, Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố lực lượng hải quân bao gồm tàu khu trục tên lửa dẫn đường Qiqihar và Guiyang, tàu hộ vệ tên lửa Zaozhuang và Rizhao, và tàu tiếp tế Taihu chở 4 máy bay trực thăng đã rời cảng Thanh Đảo tới tham gia một cuộc tập trận chung với lực lượng hải quân và không quân Nga ở Biển Nhật Bản.
Cuộc tập trận quân sự chung giữa Nga và Trung Quốc, có tên gọi “Phương Bắc/Tương tác 2023”, được tiến hành nhằm “bảo vệ an ninh cho các tuyến hàng hải chiến lược”, đánh dấu một bước tăng cường trong hợp tác quân sự giữa hai nước.
Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.
QUÝ CHUNG (thực hiện)