Quân sự thế giới hôm nay (19-5): UAV cảm tử Lancet tiêu diệt pháo PzH 2000, Anh phát triển vũ khí vô tuyến khắc chế UAV bầy đàn

Quân sự thế giới hôm nay (19-5-2024) có những nội dung sau: UAV cảm tử Lancet của Nga tiêu diệt pháo tự hành PzH 2000, Anh phát triển vũ khí vô tuyến khắc chế UAV bầy đàn, Mỹ và Tây Ban Nha hợp tác thử nghiệm tích hợp cảm biến quang điện trên A900.

* UAV cảm tử Lancet của Nga tiêu diệt pháo tự hành PzH 2000

Một video công bố mới đây cho thấy, máy bay không người lái (UAV) cảm tử Lancet của Nga đã phá hủy thành công hệ thống pháo tự hành bánh xích PzH 2000 Đức viện trợ cho Ukraine.

Là loại pháo tự hành bánh xích tối tân của Đức, PzH 2000 sở hữu những lợi thế đáng kể so với các pháo tự hành 2S1 và 2S3 đang phục vụ trong Quân đội Ukraine. So với 2S1 và 2S3, PzH 2000 có tầm bắn vượt trội hơn khi có thể bắn tới 40km với loại đạn tiêu chuẩn và thậm chí xa hơn với loại đạn chuyên dụng. Trong khi, 2S1 và 2S3 thường có tầm bắn tối đa chỉ khoảng 15 đến 18km.

 Hình ảnh UAV cảm tử Lancet-3 tấn công pháo tự hành bánh xích PzH 2000 155mm của Ukraine. Ảnh: Armyrecognition

Hình ảnh UAV cảm tử Lancet-3 tấn công pháo tự hành bánh xích PzH 2000 155mm của Ukraine. Ảnh: Armyrecognition

Bên cạnh đó, tốc độ bắn của loại pháo tự hành này cũng nhanh hơn nhiều khi có thể bắn nhiều phát liên tiếp nhờ bộ nạp đạn tự động tiên tiến. Trong khi đó, 2S1 và 2S3 chậm hơn do hoạt động dựa vào cơ chế nạp đạn bằng tay. PzH 2000 cũng được đánh giá cao bởi hệ thống nhắm mục tiêu hiện đại và khả năng cơ động, mang lại độ chính xác cao và khả năng tái định vị nhanh chóng, từ đó giúp nâng cấp đáng kể khả năng tấn công và phòng thủ.

UAV cảm tử Lancet được Quân đội Nga sử dụng tại Ukraine là loại đàn tuần kích hiệu quả cao được thiết kế để tấn công chính xác các mục tiêu có giá trị. UAV này có thể bay lảng vảng trong một thời gian dài trước khi tấn công các mục tiêu.

Được phát triển bởi Nga, Lancet-3 có thiết kế nhỏ gọn và nhẹ với sải cánh khoảng 1,2m, trọng lượng khoảng 12kg, phạm vi hoạt động lên tới 40km và có thể bay lượn trên các mục tiêu trong thời gian dài trước khi tấn công. UAV được trang bị hệ thống điều khiển và phát hiện mục tiêu bằng cảm biến quang điện, giúp mang lại khả năng tấn công chính xác. Lancet-3 có khả năng mang đạn nổ phân mảnh nặng khoảng 3kg, được thiết kế để tiêu diệt xe bọc thép và các mục tiêu có giá trị khác, khiến nó trở thành vũ khí linh hoạt và hiệu quả trong chiến tranh hiện đại.

* Anh phát triển vũ khí vô tuyến khắc chế UAV bầy đàn

Chính phủ Anh mới đây công bố đang phát triển vũ khí năng lượng định hướng tần số vô tuyến (RFDEW) mới để vô hiệu hóa UAV và thiết bị điện tử của đối phương.

Theo người đứng đầu cơ quan phụ trách mua sắm quốc phòng Anh James Cartlidge, hệ thống RFDEW hoạt động bằng cách phát ra sóng vô tuyến để phát hiện, bám bắt và vô hiệu hóa các linh kiện điện tử trên UAV và các thiết bị điện tử khác. "RFDEW sử dụng nguồn năng lượng từ máy phát để phát ra các xung năng lượng tần số vô tuyến theo một chùm tia. Chùm tia này có thể nhanh chóng bắn nhiều phát liên tiếp vào các mục tiêu riêng lẻ hoặc mở rộng thêm để tấn công nhiều mục tiêu cùng lúc", Bộ Quốc phòng Anh cho hay.

Phạm vi hoạt động hiệu quả của công nghệ này là 1km và Anh đang nỗ lực để mở rộng phạm vi hoạt động của hệ thống trong thời gian tới. Điều đặc biệt, chi phí cho mỗi lần kích hoạt RFDEW chỉ khoảng 0,12 USD và đây được xem là lợi thế lớn của hệ thống này. Hiện tại, việc khai hỏa tên lửa phòng không chặn UAV có thể mất từ hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu USD.

RFDEW được gắn trên xe tải quân sự HX60 của Anh. Ảnh: Twitter Gabriele Molinelli

RFDEW được gắn trên xe tải quân sự HX60 của Anh. Ảnh: Twitter Gabriele Molinelli

Theo Bộ Quốc phòng Anh, RFDEW có thể được gắn trên nhiều loại phương tiện quân sự và có tính tự động hóa cao. Hệ thống dự kiến sẽ được đưa vào thử nghiệm trên thực địa vào mùa hè năm nay.

* Mỹ và Tây Ban Nha hợp tác thử nghiệm tích hợp cảm biến quang điện trên UAV A900

Tập đoàn Alpha Unmanned Systems (AUS) của Tây Ban Nha thông báo đang phối hợp với Bộ Quốc phòng Mỹ thử nghiệm tích hợp cảm biến quang điện trên UAV A900 cho nhiệm vụ tuần tra biên giới và giám sát.

Trực thăng không người lái A900 có lợi thế khi chỉ nặng 25kg, có thể thực hiện các hoạt động kéo dài tới 4 giờ với trọng tải lên tới 4kg và có thể bay với tốc độ từ 60 đến 100km/giờ. Được trang bị động cơ đốt trong, A900 có thể cất cánh và hạ cánh tự động với độ chính xác cao trên nền tảng di động. Tính năng này được cho là phù hợp để thực hiện nhiệm vụ giám sát liên tục.

A900 có thể bay ở độ cao 1.000m và giám sát trong phạm vi 1km2. Cứ cách 5 giây, các camera được trang bị sẽ chụp hình ảnh mới và so sánh chúng với hình ảnh trước đó. Mọi thay đổi sẽ được xác định và phân loại theo loại đối tượng, điều này giúp tăng cường khả năng phát hiện sớm mối đe dọa và phản ứng nhanh ở những khu vực có nguy cơ cao, chẳng hạn như khu vực biên giới.

A900 có lợi thế khi chỉ nặng 25kg, có thể thực hiện các hoạt động kéo dài tới 4 giờ với trọng tải lên tới 4kg. Ảnh: AUS

A900 có lợi thế khi chỉ nặng 25kg, có thể thực hiện các hoạt động kéo dài tới 4 giờ với trọng tải lên tới 4kg. Ảnh: AUS

Hiện tại, Cảnh sát biển Indonesia cũng đang sử dụng A900 để thực hiện nhiệm vụ giám sát hàng hải. Được thiết kế để hoạt động trong các điều kiện khó khăn, UAV này có thể thực hiện hạ cánh tự động trên các tàu đang di chuyển ở trạng thái biển 4 hoặc 5 và xử lý việc hạ cánh với góc nghiêng lên tới 10 độ. UAV cũng được trang bị các thiết bị tự động xoay và thiết bị nổi cho các tình huống khẩn cấp.

Với các tính năng trên, A900 có thể tương thích với nhiều nhiệm vụ khác nhau, bao gồm thu thập thông tin tình báo, giám sát, trinh sát, kiểm soát biên giới, an ninh hàng hải, hoạt động tìm kiếm cứu nạn, kiểm tra cơ sở hạ tầng và chuyển tiếp thông tin liên lạc.

TRẦN HOÀI (tổng hợp)

* Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/tin-tuc/quan-su-the-gioi-hom-nay-19-5-uav-cam-tu-lancet-tieu-diet-phao-pzh-2000-anh-phat-trien-vu-khi-vo-tuyen-khac-che-uav-bay-dan-777467